Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Chè shan tuyết Tủa Chùa vươn xa từ Chương trình OCOP
P.A - 02/11/2020 20:39
 
Sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP, sản phẩm từ cây chè cổ thụ Tủa Chùa (Điện Biên) ngày càng mở rộng thị trường tiệu thụ, giúp bà con dân tộc H’Mông ở Tủa Chùa xóa đói giảm nghèo.
.
Toàn huyện Tủa Chùa hiện còn khoảng 7.933 cây chè shan tuyết cổ thụ.

Hương vị độc đáo, quy trình chế biến sạch

Công ty TNHH Hương Linh là đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện Tủa Chùa có 3 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP từ cuối năm 2019, gồm: “Diệp thanh trà - trà xanh shan tuyết Sính Phình”; “Diệp thanh trà - trà xanh shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa” và “Diệp thanh trà - bạch trà shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa”.

Thời gian qua, Nguyễn Mỹ Linh, Giám đốc Công ty Hương Linh đã rất nỗ lực tiếp thị, đưa sản phẩm ra thị trường. Chị cho biết, 100% nguyên liệu chế biến dòng sản phẩm Diệp thanh trà là búp chè được đồng bào dân tộc H’Mông ở Sính Phình hái thủ công trên những đồi chè cổ thụ thuộc các xã phía Bắc huyện Tủa Chùa, gồm: Tả Phìn, Tả Sìn Thàng, Sính Phình, Sín Chải. Nơi đây chính là vùng chè cổ thụ nổi tiếng từng thu hút nhiều đoàn chuyên gia Nhật Bản, Trung Quốc, Viện Nghiên cứu nông nghiệp về tìm hiểu lịch sử cây chè. Vì vậy, sản phẩm mang hương vị độc đáo, đảm bảo sạch từ quy trình chăm sóc, thu hái đến chế biến và đóng gói thành phẩm.

Theo hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm mà Công ty Hương Linh ký kết với 391 hộ dân ở xã Sính Phình, các khâu chăm sóc cây chè, như làm cỏ, bón phân… đều phải thực hiện thủ công, có sự giám sát của trưởng nhóm thu hái và đại diện Công ty. Công đoạn thu hái cũng phải thực hiện thủ công và chỉ hái búp đủ lớn, chứ không hái kiệt để không ảnh hưởng tới lứa thu hái sau. Trong vòng 3 giờ sau khi thu hái, người dân phải đem chè búp tươi về xưởng để sơ chế, sản xuất.

Toàn huyện Tủa Chùa hiện còn khoảng 7.933 cây chè shan tuyết cổ thụ. Cây chè shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa chỉ ngậm sương, hút đất trong lòng đá mà lớn. Những búp chè phủ lông tơ màu tuyết. Để thu hái búp trên cây chè cổ thụ, bà con phải leo lên từng ngọn cây, rồi dùng nèo kéo từng cành nhỏ vào hái búp. Sau một đợt hái, phải chờ cả tháng mới được hái đợt tiếp theo.

Sống ở nơi núi cao, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nên chè Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa có hương vị rất đặc biệt. Trà có màu vàng sóng sánh như mật, vị chát đậm đà, hậu vị ngọt đượm. Cây chè càng già càng cho nhiều búp có hương đậm đà hơn. Quyện trong hương trà có mùi thơm của cây cỏ, núi rừng, có vị chát pha chút đắng nhè nhẹ...

Nhâm nhi tách trà ấm, chúng tôi hỏi Mỹ Linh về điểm khác biệt của các dòng sản phẩm Diệp thanh trà. Chị cho biết, các sản phẩm khác nhau trước tiên ở công đoạn thu hái. Sản phẩm Diệp thanh trà - trà xanh shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa cho phép hái từ búp đến lá thứ hai hoặc có thể là lá thứ ba, nhưng Diệp thanh trà - bạch trà shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa chỉ được hái búp và lá thứ nhất (dân làm trà thường gọi là “một tôm một lá”). Tiếp đó, quá trình ủ, sao để làm thành sản phẩm bạch trà shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa đòi hỏi yêu cầu khắt khe hơn, thời gian dài hơn, nên chất lượng và giá bán cũng có khác biệt.

Để lựa chọn nguyên liệu cho sản phẩm Diệp thanh trà - bạch trà shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa, trước mỗi vụ thu hái, đích thân Mỹ Linh đi khảo sát từng vườn chè để chọn cây chè có búp đều, rồi đặt người thu hái trong ngày. Do yêu cầu khắt khe về chất lượng và thời gian thu hái, nên sản lượng bạch trà shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa không nhiều. Mỹ Linh chia sẻ, sản phẩm này chủ yếu phục vụ khách quen đặt để làm quà biếu và một số khách hàng sành trà ở Hà Nội, TP.HCM cũng đặt cung cấp thường xuyên.

Nỗ lực đưa chè Tủa Chùa vươn xa

Được sự hỗ trợ của UBND, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, thời gian qua, Công ty TNHH Hương Linh có cơ hội tham dự nhiều hội chợ để giới thiệu, hợp tác tiêu thụ sản phẩm OCOP tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong mỗi chuyến đi, Mỹ Linh đều trực tiếp giới thiệu sản phẩm đến khách hàng, lắng nghe phản hồi và ghi chép rất cẩn thận.

Điều Mỹ Linh trăn trở nhất hiện nay không phải vấn đề thúc đẩy lượng tiêu thụ hay tăng trưởng doanh thu của Công ty, mà là ghi dấu ấn trong lòng khách hàng, bởi thương hiệu chè shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa vẫn còn khá xa lại với không ít người.

Mỗi ngày, bên chén trà sóng sánh vàng ngào ngạt hương, Mỹ Linh không ngừng nghĩ về những cây chè shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa và hình dung cách người H’Mông cẩn thận hái từng búp chè trong sương sớm nơi núi đá vùng cao.

Chị tâm niệm, đưa chè Tủa Chùa vươn xa cũng là cách rút ngắn con đường xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc H’Mông ở Tủa Chùa. Con đường ấy sẽ còn nhiều gian nan, nhưng Mỹ Linh tin tưởng, hương vị chè shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa sẽ ngày càng chinh phục được nhiều khách hàng trên khắp mọi miền…

Triển khai Kế hoạch phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia năm 2020
Việc triển khai đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) cần thực hiện khách quan, công tâm, đáp ứng mong mỏi của các địa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư