Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 04 tháng 11 năm 2024,
Chế tài lao động sẽ cụ thể hơn khi EVFTA có hiệu lực
Hải Hà - 21/09/2017 15:35
 
Để được hưởng lợi từ Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam - EU (EVFTA), các doanh nghiệp phải tuân thủ những quy định bắt buộc liên quan tới cải thiện môi trường lao động.
.
Với EVFTA, quy định về giám sát và chế tài trong lao động được thực hiện trong toàn bộ nền kinh tế

Lợi thế đến từ EVFTA

Với quy mô trên 500 triệu dân, thu nhập 28.000 USD/người/năm, EU đang là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam.

Có thể thấy, vào được EU như là một chứng chỉ chất lượng cho hàng hóa Việt Nam, bởi năm 1997, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang EU, thì ngay năm sau đó, Việt Nam đã “mở” được cửa thị trường Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Với đối tác EU, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore nếu tính về xuất khẩu các sản phẩm, dịch vụ trong khối ASEAN, còn riêng về hàng hóa thì Việt Nam đứng đầu trong khu vực.

Phân tích sâu hơn về tầm quan trọng của thị trường EU, ông Lê Kỳ Anh, chuyên gia kinh tế và thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết: “Trong các đối tác thương mại với Việt Nam, Trung Quốc hiện đứng số 1 với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 45 - 50 tỷ USD/năm, trong khi, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa EU với Việt Nam là hơn 35 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất vào EU là 23,7 tỷ euro (khoảng 25 tỷ USD)”.

Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, có thể đánh giá quan hệ giữa 2 nền kinh tế là hậu thuẫn cho nhau, khi châu Âu xuất khẩu những mặt hàng Việt Nam không làm được và Việt Nam xuất khẩu những mặt hàng  châu Âu không sản xuất được hoặc không muốn sản xuất như thủy sản, hoa quả nhiệt đới… Mối quan hệ này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam hơn là ký những FTA với những nền sản xuất cạnh tranh trực diện với Việt Nam”, ông Anh nói.

Phải cải thiện quan hệ lao động

Mặc dù EVFTA được đánh giá sẽ mang lại lợi ích lớn cho Việt Nam, nhưng ông Wim de Groof, Giám đốc Chương trình quan hệ lao động mới của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) lại cho rằng, để tận dụng được lợi thế này, các doanh nghiệp Việt Nam cần biết rằng, quan hệ lao động đã trở thành một trong những nội dung được đàm phán của EVFTA. 

Liên quan tới vấn đề này, ông Anh cho biết: “Vấn đề lao động là một trong 3 trụ cột chính trong chương 13 về phát triển bền vững, trong đó có quy định cam kết mang tính ràng buộc mạnh mẽ có liên hệ tới các quy định của ILO.

Ở thế so sánh giữa các FTA thế hệ cũ và mới, bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quan hệ lao động cho biết, các FTA thế hệ mới như TTIP, EU-Korea FTA, EVFTA có bổ sung thêm những quy định về lương tối thiểu, thời gian làm việc, vệ sinh an toàn lao động, bên cạnh những nội dung của FTA thế hệ cũ như tự do liên kết và thương lượng tập thể, không lao động cưỡng bức, không lao động trẻ em, không phân biệt đối xử trong nghề nghiệp và việc làm.

Bà Chi cũng đặc biệt lưu ý riêng với EVFTA, quy định về giám sát và chế tài trong lao động được thực hiện trong toàn bộ nền kinh tế, khác với TPP chỉ giám sát trong các doanh nghiệp có xuất khẩu và chuỗi cung ứng. EVFTA cũng quy định về đối thoại thường niên về quyền lao động. Tuy nhiên, theo bà Chi, thách thức của Việt Nam là các cuộc đình công tự phát (không hợp pháp) chủ yếu xảy ra do mâu thuẫn lợi ích kinh tế. Điều này chứng tỏ việc đối thoại về quyền lao động chưa được thực hiện.

“Tam giác kinh tế TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương chiếm tới 70% các cuộc đình công, trong đó, 92% các cuộc đình công là công nhân thắng, tỷ lệ thắng - bại tại các quốc gia khác là 50/50, chưa có nước nào 100% các cuộc đình công đều là tự phát như Việt Nam. Do vậy, có một hiện trạng ở Việt Nam là đình công được coi là một công cụ của thương lượng tập thể. Do đó, khi thực hiện các FTA thế hệ mới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức liên quan tới công đoàn, thương lượng tập thể và lương đủ sống”, bà Chi khẳng định. 

Bên cạnh các thiệt hại có thể xảy ra với nền kinh tế và chính doanh nghiệp nếu không tuân thủ những quy định về phát triển bền vững khi EVFTA có hiệu lực vào năm tới, thì việc không đủ năng lực và điều kiện lao động chưa tốt đang khiến doanh nghiệp bị thiệt hại về kinh tế.

Cần lưu ý rằng, một số nhãn hàng lớn như Unilever, Nike, Adidas, H&M, Zara… đang phối hợp với các tổ chức dân sự để có những đánh giá độc lập những doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Kết quả, riêng tại Nike, không có doanh nghiệp nào của Việt Nam đáp ứng các tiêu chí đánh giá độc lập của hãng này. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt không thể trở thành đối tác trực tiếp của thương hiệu trên, trong khi đó, H&M lại thực hiện việc phân bổ đơn hàng theo bảng điểm của nhà cung cấp dựa vào hệ thống tính điểm lao động.

“Trong bối cảnh Việt Nam ký hàng loạt FTA thế hệ mới cùng những đòi hỏi từ các thương hiệu toàn cầu ngày càng khắt khe, thì cải thiện điều kiện làm việc và đảm bảo hài hòa mối quan hệ với người lao động là điều doanh nghiệp Việt Nam cần tính tới”, bà Chi khuyến cáo.

EVFTA quy định tiêu chuẩn khá đơn giản cho nhà đầu tư
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ được ký kết trong năm nay và có hiệu lực vào đầu năm 2018. Ông Mauro Petriccione, Phó...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư