Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Đón EVFTA, dòng vốn châu Âu chảy mạnh vào Việt Nam
Thế Hải - 22/12/2016 09:27
 
Dược phẩm, công nghiệp chế biến, năng lượng sạch, thực phẩm dinh dưỡng… là những lĩnh vực đang được nhiều doanh nghiệp châu Âu để mắt tới trong làn sóng đầu tư vào Việt Nam đón lõng EVFTA.
Nhiều doanh nghiệp châu Âu khẳng định sẽ tiếp tục xuống vốn, mở rộng đầu tư tại thị trường Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp châu Âu khẳng định sẽ tiếp tục xuống vốn, mở rộng đầu tư tại thị trường Việt Nam.

Kỳ vọng đón công nghệ, thiết bị mới từ EU

Việt Nam sở hữu lợi thế để trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp châu Âu, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (VEFTA) có hiệu lực vào năm 2018. Ông Boris Gueudin, Thành viên Ban lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết tại Hội thảo: EVFTA, cơ hội đầu tư công nghiệp tại Việt Nam” do Dự án EU-MUTRAP phối hợp cùng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức.

“Các doanh nghiệp EU đang có nhiều động thái nhằm triển khai các hoạt động đầu tư vào Việt Nam để đón nhận các cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh mới giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Trong đó, các lĩnh vực chủ chốt được dự báo sẽ đón dòng vốn đầu tư lớn từ các doanh nghiệp EU bao gồm lĩnh vực đầu tư kinh doanh thực phẩm, nông sản và thủy sản, thực phẩm dinh dưỡng, năng lượng điện tái tạo, dược phẩm, chế tạo thiết bị máy móc và công nghệ cao”, ông Boris Gueudin nói thêm.

Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) kỳ vọng, làn sóng đầu tư mới từ các doanh nghiệp châu Âu sẽ mang theo công nghệ tiên tiến tới Việt Nam. Với quy mô và tiềm năng về vốn, công nghệ của EU, Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, cửa ngõ kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực. Điều này sẽ mở ra cơ hội hợp tác đầu tư cho các doanh nghiệp và địa phương trong cả nước, góp phần thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Triển vọng gia tăng vốn FDI từ châu Âu còn lớn hơn nữa VEFTA có hiệu lực vào năm 2018. Cụ thể, các doanh nghiệp EU cho rằng, lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản và thực phẩm đang mở ra đầy triển vọng bởi Việt Nam hiện có nhiều công ty sản xuất chế biến đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng của EU với chi phí nhân công hợp lý và đặc biệt là nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến rất phong phú, đa dạng và sẵn có.

Theo dự báo của EuroCham, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao sẽ là lĩnh vực hết sức tiềm năng đang được nhiều doanh nghiệp châu Âu chờ đón, trong đó, xu hướng đầu tư ngoài tập trung nguồn vốn sẽ còn có đẩy mạnh chuyển giao nhiều giải pháp công nghệ cao trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến và sản xuất hàng nông sản, thực phẩm.

Doanh nghiệp EU muốn tăng vốn, mở rộng đầu tư

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến hết tháng 4/2016, đã có 1.809 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài của 24 quốc gia thuộc EU, với tổng vốn đăng ký đạt 23,16 tỷ USD, chiếm 8,7% về số dự án và 8% về số vốn đăng ký của FDI tại Việt Nam.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam đã tạo được sức hút lớn đối với các doanh nghiệp EU, thể hiện ở 619 dự án của EU đầu tư vào lĩnh vực này với tổng vốn đạt trên 8 tỷ USD, chiếm 34,2% số dự án và 34,7% về số vốn đăng ký của EU tại Việt Nam.

Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại 51/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, trung đó tập trung chủ yếu ở các trung tâm kinh tế lớn như TP..Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa- Vũng Tàu, Quảng Ninh, Đồng Nai.

Kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh quý III/2016 do EuroCham vừa thực hiện đối với gần 200 doanh nghiệp của các nước châu Âu đang đầu tư, hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam cho thấy,  có tới 39% số doanh nghiệp dự định tăng đầu tư tại Việt Nam.

Sự lạc quan của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam hiện khá cao, chủ yếu do họ kỳ vọng vào EVFTA sắp có hiệu lực.

Công ty TNHH Bosch Việt Nam cho biết, sau hơn 20 năm đầu tư tại Việt Nam, lần đầu tiên, nhà đầu tư đến từ Đức đạt được kết quả sản xuất,kinh doanh ấn tượng. Cụ thể, trong năm qua, Bosch Việt Nam đạt doanh thu hợp nhất 68 triệu USD, tăng gần 50% so với năm trước đó. Năm 2016, Bosch Việt Nam đã đầu tư khoảng 22 triệu USD cho việc nâng cao năng lực của nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Long Thành (Đồng Nai), hoàn thành cam kết trong 5 năm sẽ đầu tư thêm 340 triệu USD cho các hoạt động tại Việt Nam.

Trong khi đó, một nhà đầu tư đến từ châu Âu khác là Công ty Punto Italia, một doanh nghiệp vừa và nhỏ của Italia, thành lập vào năm 2008, hoạt động trong lĩnh vực ngoài kinh doanh sản phẩm cà phê chế biến tại Việt Nam cho hay, ngoài việc nhập khẩu nguyên liệu cà phê chế biến tại Việt Nam và sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba, Punto còn phát triển thành công một nhãn hiệu cà phê riêng tại thị trường Việt Nam sử dụng hoàn toàn bằng nguyên liệu trong nước. Punto Italia cũng tính đến phương án mở rộng đầu tư, tăng vốn để khai thác thêm cơ hội thị trường xuất khẩu khi EVFTA có hiệu lực trong những năm tới.

Với những kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp EU tại Việt Nam trong thời gian tới, EuroCham cũng đưa ra dự báo, thương mại 2 chiều Việt Nam - EU sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ, trong đó GDP của Việt Nam có thể tăng 15%, xuất khẩu sang EU có thể tăng 35%. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của EU vào Việt Nam cũng tăng khoảng 3%. Việt Nam sẽ trở thành đối tác thương mại thứ 2 và đóng vai trò đối tác xuất khẩu lớn nhất của EU.

Xuất khẩu sang Liên minh châu Âu sau EVFTA: Tăng tốc mạnh nếu chuẩn bị tốt
Xuát khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng trưởng tôt hơn nếu doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo tốt hơn quyền lợi người...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư