Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Chi phí đầu vào và Covid-19 dội sóng dữ vào các công xưởng châu Á
Lê Quân - 02/08/2021 20:29
 
Các nhà máy ở châu Á lâm cảnh khó khăn trong tháng 7 do chi phí đầu vào tăng cao và làn sóng bùng phát của đại dịch Covid-19.
Dây chuyền lắp ráp xe điện tại nhà máy ô tô BYD ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: AFP
Dây chuyền lắp ráp xe điện tại nhà máy ô tô BYD ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Hai nguyên nhân này đã làm lu mờ sức phục hồi vững chắc của nhu cầu toàn cầu, đồng thời càng lộ rõ sự phục hồi mong manh của châu Á, theo các nhà phân tích.

Hoạt động sản xuất chế tạo của hai cường quốc xuất khẩu Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn gia tăng, dù doanh nghiệp ở hai quốc này đã chịu ảnh hưởng từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch và tình trạng thiếu nguyên liệu thô đẩy chi phí tăng cao.

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Jibun Nhật Bản, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7 của nước này đã tăng lên 53,0, từ mức 52,4 của tháng trước, mặc dù các nhà sản xuất phải chịu bất lợi do giá hàng hóa đầu vào tăng nhanh nhất kể từ năm 2008.

Nhật Bản cũng đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19 dâng cao do biến thể Delta, buộc chính phủ nước này phải mở rộng áp dụng tình trạng khẩn cấp tại nhiều địa phương cho đến ngày 31/8. Diễn biến này dội gáo nước lạnh vào sức phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trong quý III/2021.

Còn tại Hàn Quốc, chỉ số PMI tháng 7 cũng tăng lên 53,0, đánh dấu mức tăng ở tháng thứ 10 liên tiếp. Nhưng chỉ số phụ về giá nguyên liệu đầu vào đã tăng sát mức kỷ lục, điều này cho thấy các doanh nghiệp tại Hàn Quốc cũng đang đau đầu với chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Mặt khác, theo kết quả khảo sát tư nhân được Caixin/Markit công bố sáng nay, tốc độ tăng trưởng của các nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm mạnh do lần đầu tiên trong hơn 1 năm qua nhu cầu đã sụt giảm.

Caixin/Markit cho biết chỉ số PMI lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc giảm về mức 50,3 trong tháng 7, thấp hơn nhiều so với con số 51,1 mà các chuyên gia ước đoán trong cuộc thăm dò của Reuters. Trong tháng 6, chỉ số này đạt 51,3.

Tăng trưởng của khu vực nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 7 đạt tốc độ chậm nhất trong 17 tháng qua do chi phí nguyên liệu thô tăng cao, bảo trì thiết bị và thiên tai đè nặng lên hoạt động kinh doanh, làm gia tăng lo ngại về sự suy thoái của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Theo dữ liệu của Cơ quan thống kê Trung Quốc (NBS), chỉ số PMI chính thức trong lĩnh vực chế tạo trong tháng 7 giảm còn 50,4, từ mức 50,9 trong tháng 6. Đây là con số thấp nhất kể từ khi chỉ số này giảm về 35,7 điểm vào tháng 2/2020 - thời điểm Trung Quốc bắt đầu phong tỏa để chống dịch.

Một quan chức của Cơ quan thống kê Trung Quốc lý giải, chỉ số PMI riêng biệt về sản xuất đã giảm xuống 51,0, từ mức 51,9 vào tháng 6 do bảo trì thiết bị và thời tiết cực đoan. Trong khi đó, lực cầu cũng suy yếu khi chỉ số phụ về đơn hàng mới của các nhà máy ở Trung Quốc cũng giảm còn 50,9, từ mức 51,5.

"Tín hiệu đáng báo động nhất là chỉ số đơn hàng xuất khẩu mới đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm ngoái", ông Zhiwei Zhang, chuyên gia kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management đánh giá. Cụ thể, chỉ số này đã giảm trong 3 tháng liên tiếp và đạt 47,7 trong tháng 7.

Trái lại, chỉ số phụ về chi phí nguyên vật liệu trong tháng 7 tăng mạnh lên 62,9, từ mốc 61,2 ghi nhận trong tháng 6. Giá nguyên liệu thô tăng cao đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà sản xuất Trung Quốc và cản trở một số doanh nghiệp xuất khẩu nhận đơn hàng mới.

Theo Reuters, các nhà chức trách Trung Quốc đang muốn ngăn chặn các nhà máy chuyển chi phí sản xuất tăng cao sang tay người tiêu dùng, để tránh cho nền kinh tế Trung Quốc thêm “đau đầu” bởi nhu cầu cơ bản hiện vẫn còn yếu.

Trong khi đó, Indonesia, Việt Nam, và Malaysia đã cũng chứng kiến hoạt động của các nhà máy trong tháng 7 suy giảm do làn sóng lây nhiễm Covid-19 và việc siết chặt các biện pháp chống dịch, theo các cuộc khảo sát tư nhân.

Các cuộc khảo sát chỉ ra rằng sức phục hồi của các nền kinh tế trên thế giới ngày càng phân hóa rõ rệt. Đây cũng là nguyên nhân khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của khu vực châu Á mới nổi.

Ông Usamah Bhatti, chuyên gia kinh tế tại Công ty phân tích thị trường IHS Markit cho biết: "Các bằng chứng chính xác cho thấy làn sóng lây nhiễm Covid-19 rộng khắp châu Á và sự gián đoạn chuỗi cung ứng hiện nay đã kéo giảm nhu cầu ở các thị trường nội địa và nước ngoài".

Tại điểm nóng dịch Covid-19 như Indonesia, chỉ số PMI tháng 7 giảm mạnh về 40,1, từ mức 53,5 trong tháng 6. Hoạt động sản xuất công nghiệp ở Việt Nam và Malaysia cũng bị suy giảm do dịch bệnh, theo kết quả khảo sát chỉ số PMI tháng 7.

Từng được coi là động lực tăng trưởng cho kinh tế thế giới, nhưng sức phục hồi của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đang yếu hơn so với các nền kinh tế phát triển. Nguyên nhân chính là do sự chậm trễ triển khai tiêm phòng vaccine Covid-19 đã tác động xấu đến nhu cầu trong nước, nhất là các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch.

Sản xuất dệt may chịu nhiều áp lực
Chuỗi sản xuất bị đứt gãy, đơn hàng không giao kịp, khách hàng gây áp lực chuyển đơn hàng sang quốc gia khác, ngành dệt may dự báo sẽ bị ảnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư