Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 27 tháng 12 năm 2024,
Chi phí tăng, doanh nghiệp xây dựng điêu đứng
Thiện Minh - 02/08/2022 09:15
 
Giá nguyên vật liệu liên tục tăng cao khiến nhóm doanh nghiệp trong ngành xây dựng đã có nửa đầu năm 2022 kinh doanh chật vật, thậm chí có doanh nghiệp thua lỗ nặng.
Ngành xây dựng đang rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ càng làm càng lỗ.

Nửa đầu năm 2022, nền kinh tế hồi phục, nhu cầu xây dựng tăng, kéo theo sự phục hồi của ngành xây dựng. Số lượng hợp đồng ký mới và doanh thu tăng lên, song các công ty xây dựng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trước biến động giá cả của vật liệu xây dựng, chi phí xăng dầu, cước phí vận tải...

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, trong quý II/2022, dù doanh thu vẫn tăng trưởng, nhưng chi phí cao đẩy biên lợi nhuận xuống thấp, dòng tiền cũng chuyển sang trạng thái âm do các khoản phải thu tăng mạnh. Cụ thể, doanh thu thuần trong quý của Hòa Bình đã tăng 28% so với cùng kỳ, lên 4.080 tỷ đồng. Tuy nhiên, biên lãi gộp lại giảm từ 6,1% về dưới 3,3%.

Bên cạnh sự suy giảm về hiệu quả mảng kinh doanh chính, Hòa Bình còn ghi nhận chi phí lãi vay tăng vọt 78% so với cùng kỳ lên 143 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng 30% lên 122 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng SCG cũng ghi nhận kết quả kinh doanh quý II/2022 không mấy khả quan, khi doanh thu chỉ đạt 1.055 tỷ đồng, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu hợp đồng xây dựng đạt 972,2 tỷ đồng, giảm 18% và chiếm 92,2% tỷ trọng doanh thu.

Giá vốn hàng bán cũng giảm 9,3%, còn 983,7 tỷ đồng, kéo theo biên lợi nhuận gộp giảm từ 8,2% về 6,7%. Đáng chú ý, SCG ghi nhận khoản doanh thu 52,6 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, trong khi cùng kỳ đạt 77 tỷ đồng. SCG báo lãi sau thuế 45,5 tỷ đồng, bằng một nửa so với cùng kỳ.

Giá vốn bán hàng tăng cao trong kỳ cũng đã bào mòn lợi nhuận của Công ty cổ phần Viglacera Đông Triều. Trong quý II, công ty này ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng từ 132 tỷ đồng lên 139 tỷ đồng, nhưng giá vốn hàng bán tăng cao, dẫn đến lợi nhuận gộp giảm còn 13 tỷ đồng, trong khi năm ngoái là 16 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh, khiến lợi nhuận thuần chỉ còn 607 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 2,4 tỷ đồng. Hàng tồn kho cũng ghi nhận tăng hơn 10 tỷ đồng, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp âm 5,6 tỷ đồng (năm ngoái dương 6,2 tỷ đồng).

Theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), ngành xây dựng đang rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ càng làm càng lỗ.

Hầu hết doanh nghiệp xây dựng chỉ đạt 20 - 40% kế hoạch cả năm, nguyên nhân chủ yếu vì phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, chưa tìm ra giải pháp khắc phục.

Thách thức lớn nhất là biến động giá cả vật liệu xây dựng quá lớn. Chẳng hạn, giá thép tính từ đầu năm 2021 đến nay có lúc tăng đến 60%, hiện nay dịu xuống ở mức trên 20%; giá xi măng từ mức giá 1.400 đồng/kg (thời điểm quý IV/2020) đến nay là 1.980 đồng/kg (chưa kể VAT); giá nhựa đường là 11.000 đồng/kg ở thời điểm cuối năm 2020, đến nay là 15.500 đồng/kg… Nhìn chung, các loại vật liệu đều tăng, làm tăng chi phí gói thầu 18 - 30%, khiến không ít doanh nghiệp lâm vào cảnh vừa làm, vừa bù lỗ.

Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp Sông Đà chỉ ghi nhận doanh thu đạt 4 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, giảm gần 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng khoản doanh thu hợp đồng xây dựng không ghi nhận bất kỳ một đồng nào, chủ yếu là doanh thu bán điện. Do chi phí tài chính tiếp tục cao, chủ yếu là lãi vay khiến Công ty ghi nhận lỗ thuần 1,3 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tới kỳ này của Xây lắp Sông Đà là 28 tỷ đồng.

Cũng trong cảnh thua lỗ là Công ty cổ phần Xây dựng số 9 (VC9), lợi nhuận sau thuế của VC9 âm 8,3 tỷ đồng trong nửa đầu năm.

Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Lương Tài tuy không lỗ, nhưng doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ. Theo đó, quý II/2022, doanh thu của Lương Tài chỉ đạt 20,6 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do có những công trình thi công đang bị tạm ngưng, nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu từ khách hàng không nhiều, các hợp đồng mua bán nguyên vật liệu cũng bị giảm theo. Lợi nhuận do đó chỉ còn 32 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 373 triệu đồng.

Doanh nghiệp xây dựng hút vốn ngoại qua M&A
Năm 2020, ngành xây dựng chứng kiến nhiều thương vụ M&A khá thành công của dòng vốn ngoại.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư