Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chiến thắng 30/4 và vị thế Việt Nam
Nguyên Đức - 30/04/2014 12:01
 
Việt Nam đang trong những ngày kỷ niệm 39 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2014). Chiến thắng hào hùng này là mốc son đáng tự hào, là tiền đề cơ bản để toàn dân tộc tiếp tục tiến lên, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng cường thịnh.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Những ‘‘ánh sao băng” trên mặt trận Sài Gòn - Gia Định
Hào khí Điện Biên, hào khí tháng Tư ngút trời đất việt
Đại thắng mùa Xuân 1975: Dấu ấn chiến lược của Đảng

Trong 39 năm, vượt qua những di chứng của chiến tranh, Việt Nam đã từng bước tiến lên, thoát đói nghèo và tụt hậu, trở thành một quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình. Năm 2013, GDP bình quân đầu người đã đạt gần 2.000 USD. Vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định một cách mạnh mẽ và vững chắc hơn, không chỉ về kinh tế - xã hội, mà trong cả các lĩnh vực khác, như an ninh, chính trị, hợp tác quốc tế…

   
  Chiến thắng 30/4 là mốc son đáng tự hào, là tiền đề để toàn dân tộc xây dựng đất nước Việt Nam cường thịnh  

Quá khứ hào hùng là điều đáng tự hào. Thành quả của gần 30 năm Đổi mới cũng vô cùng đáng trân trọng. Nhưng hiện nay, kinh tế nước ta lại đang đứng trước những thách thức mới.

Trong khi các nước trong khu vực và trên thế giới đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng, bước vào quỹ đạo phục hồi, với tăng trưởng GDP cả năm 2013 ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đạt mức 6,1%, trong đó riêng các nền kinh tế mới nổi (trừ Trung Quốc) đạt tốc độ tăng trưởng tới 7,2%, thì Việt Nam vẫn đang ở trong vùng tăng trưởng thấp. Năm ngoái, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ ở mức 5,42% và mục tiêu cho năm nay là 5,8%.

Không chỉ là tăng trưởng có xu hướng chậm lại, Dự thảo Báo cáo về 30 năm Đổi mới của Việt Nam cũng đã chỉ ra những điểm nghẽn quan trọng của nền kinh tế. Đó là tăng trưởng còn thiên về chiều rộng, dựa nhiều vào vốn và nhân lực, năng suất tổng hợp thấp, chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa bền vững…

Đó là chưa kể hàng loạt vấn đề mà nền kinh tế đang phải đối mặt, như nợ xấu cao, sức mua của nền kinh tế thấp, hệ thống doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, hiệu quả kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa đạt kỳ vọng…

Việt Nam, có thể nói, lại đang đứng trước những thách thách, khó khăn nặng nề, đòi hỏi quyết tâm chính trị rất lớn từ cấp cao nhất tới từng người dân trong việc tiếp tục thực hiện công cuộc Đổi mới. Không cải cách, không Đổi mới, Việt Nam sẽ tụt hậu, thậm chí vướng bẫy thu nhập trung bình.

Việt Nam đã thắng Pháp, thắng Mỹ, đuổi Ngụy bằng sức dân, bằng tinh thần đoàn kết một lòng. Còn thắng lợi của gần 30 năm Đổi mới là nhờ ý chí và tư duy đổi mới, dám vượt lên chính mình để từ bỏ những tư duy thủ cựu, giáo điều.

Ôn cố là để tri tân. Ôn lại truyền thống hào hùng năm xưa, nhìn lại những bài học sau gần 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới là cách để Việt Nam có thể tiếp tục đứng lên, hiên ngang và mạnh mẽ. Chỉ có sử dụng sức mạnh tổng hợp của thời đại và dân tộc, biết khoan sức dân, tạo dựng niềm tin và quyết tâm Đổi mới mạnh mẽ, Việt Nam mới có thể thực sự cường thịnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư