Thứ Hai, Ngày 28 tháng 04 năm 2025,
Chính phủ, địa phương nợ doanh nghiệp 200.000 tỷ đồng
Thùy Liên - 22/05/2013 07:37
 
Tại buổi trao đổi giữa Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia kinh tế với báo chí chiều 21/5, nhiều thông tin đáng mừng và cả đáng lo đã được tiết lộ: Nghị định thành lập Công ty mua bán tài sản quốc gia (VAMC) được ký kết; nợ xấu xây dựng cơ bản lên tới 200.000 tỷ đồng.
TIN LIÊN QUAN

Chính phủ phải bơm tiền trả nợ xây dựng cơ bản để cứu DN

Khó kỳ vọng quá nhiều vào VAMC

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn về việc thành lập Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC), Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, Nghị định thành lập VAMC đã được Chính phủ ký ban hành. Đây là thông tin vui với nhiều DN, bởi hiện nay, hy vọng giải cứu nợ xấu được đặt rất nhiều vào VAMC.

Tuy nhiên, với các chuyên gia, sự kỳ vọng ở VAMC chỉ ở mức độ vừa phải. TS. Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, VAMC chỉ giãn thời gian xử lý nợ xấu và giải quyết được một phần nợ xấu chứ không thể xử lý triệt để nợ xấu.

Trong khi đó, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng tỏ ra nghi ngại: “Chủ trương của NHNN là xử lý nợ xấu không mất tiền song đây là việc rất khó. Tôi cho rằng, việc xử lý nợ xấu tốn rất nhiều tiền và mất không ít thời gian. Thời gian tới, Chính phủ nên tạm hy sinh tăng trưởng mà dành nguồn lực ưu tiên giải quyết nợ xấu”.

Khẩn cấp bơm 200.000 tỷ đồng trả nợ DN

Chia sẻ với báo chí, TS. Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho hay, nợ xấu xây dựng cơ bản hiện nay khoảng 200.000 tỷ đồng, trong đó một nửa là Chính phủ nợ DN, nửa còn lại là địa phương nợ DN.

Việc Chính phủ và các địa phương “chây ỳ” trả nợ là một trong những nguyên nhân đẩy nhiều DN vào tình cảnh khó khăn hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) khẳng định: “Hiện nay, nhiều DN khi nhận được dự án từ Trung ương hoặc địa phương đã phải vay vốn, chi tiền trước để tiến hành dự án, đợi đó đợi ngân sách Trung ương và địa phương trả nợ. Tuy nhiên, việc ngân sách chậm trả nợ đã khiến DN khó khăn do vướng vào nợ xấu. Nếu nợ đọng xây dựng cơ bản được giải quyết, DN có tiền trả nợ ngân hàng, dòng vốn sẽ lưu thông”.

Đồng tình với ý kiến này, TS. Cao Sĩ Kiêm cũng cho rằng, biện pháp tốt nhất để xử lý nợ xấu, gỡ tắc tín dụng hiện nay là Nhà nước (Chính phủ và địa phương) phải khẩn cấp bơm ra 200.000 tỷ đồng để trả nợ cho DN. Việc này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn rất lớn cho DN, tạo niềm tin, tạo sức lan tỏa lớn.

Trong khi đó, TS. Trần Đình Thiên cũng đề nghị, thời gian tới, Chính phủ nên hạn chế giải ngân đầu tư các dự án mới, ưu tiên rót vốn trả nợ DN. Ít nhất trong số 100.000 tỷ đồng nợ DN, Chính phủ phải nhanh chóng trả nợ 50.000 tỷ đồng. Việc kéo dài thời gian trả nợ khiến DN gặp nhiều khó khăn và rất khó vực dậy.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư