Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 02 tháng 11 năm 2024,
Chính phủ họp về tín dụng, NHNN báo cáo các lĩnh vực hút vốn nhiều nhất 11 tháng
Thùy Liên - 30/11/2023 17:11
 
Chiều nay (30/11), Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái họp với Thống đốc, các phó Thống đốc NHNN và nhiều ngân hàng thương mại về điều hành tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2023.

Dư địa tăng tín dụng trong tháng cuối năm còn 6,2%, tương đương 735.000 tỷ đồng

Cuộc họp chiều nay có sự tham gia của Thống đốc và các Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp; cùng sự tham gia của lãnh đạo các ngân hàng: Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MB Bank, Techcombank, Sacombank, TP Bank, VP Bank và lãnh đạo Hiệp hội ngân hàng Việt Nam.

Thông tin tại cuộc họp, Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tính 23/11/2023 dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối tháng 12/2022, đạt 56% mức NHNN đã giao cho các TCTD.

Theo đó, dư địa còn lại từ nay đến hết năm của toàn hệ thống để các TCTD mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, còn khoảng gần 6,2%, tương đương với các TCTD còn khoảng 735.000 tỷ đồng để cấp tín dụng cho nền kinh tế. Với thanh khoản hệ thống TCTD dư thừa và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, TCTD có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay đối với nền kinh tế.

Tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao chủ yếu do nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, quá trình phục hồi còn chậm nên cầu tín dụng giảm và sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu.

Cụ thể, thứ nhất, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn chung (xuất khẩu, nhập khẩu giảm mạnh), cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm, dẫn tới cầu tín dụng giảm tương ứng. Thứ hai, một số nhóm khách hàng có nhu cầu tín dụng nhưng chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý (như việc tiếp cận tín dụng của nhóm SMEs còn hạn chế do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi...).

Thứ ba, sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, nhất là khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu ở mức cao, trong khi thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...).

Ngành nào đang hút vốn nhất?

Theo báo cáo của NHNN,  tín dụng lĩnh vực ưu tiên – đặc biệt là tín dụng nông nghiệp, nông thôn – và tín dụng bất động sản đang là hai lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tín dụng hiện nay.

Cụ thể, với lĩnh vực ưu tiên, tín dụng với lĩnh vực nông thôn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt dư nợ cho vay trên 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm 24,52% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 6,33% so với cuối năm 2022. Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 2,34 triệu tỷ đồng, chiếm 18,34%, tăng 7,46% so với cuối năm 202.  Tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu đạt khoảng 322.000 tỷ đồng, chiếm 2,53%, tăng 11,61% so với cuối năm 2022. Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt trên 350.000 tỷ đồng, chiếm 2,75%, tăng 18,54% so với cuối năm 2022. Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 45,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,36%, tăng gần 18% so với cuối năm 2022.

Đối với tín dụng lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro: Tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông là 92.300 tỷ đồng, tăng 0,16% so với cuối năm 2022, chiếm 0,72% tổng dư nợ cấp tín dụng đối với nền kinh tế. Tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán là trên 81.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,64% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng gần 93% so với cuối năm 2022. Riêng tín dụng lĩnh vực bất động sản đạt trên 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm 2022, chiếm 21,46% tổng dư nợ nền kinh tế. Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống đạt trên 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 1,53% so với cuối năm 2022, chiếm 21,2% dư nợ nền kinh tế.  

Được biết, tính đến tháng 7/2023, NHNN đã phân bổ hạn mức tín dụng cho toàn hệ thống TCTD với tổng mức phân bổ tăng trưởng là 14,5% (sát với chỉ tiêu định hướng đề ra cho năm 2023 là 14-15%).

Do đến 23/11 tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,38% và mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều, một số TCTD tăng trưởng khá cao, một số TCTD tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm. Do đó, để kịp thời linh hoạt điều hành, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phục vụ nhu cầu vốn cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động linh hoạt điều hòa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong toàn hệ thống từ TCTD không sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sang các TCTD cần được tiếp tục mở rộng tăng trưởng tín dụng.

Cụ thể, ngày 29/11/2023, NHNN đã có văn bản công khai, minh bạch gửi các ngân hàng thông báo mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm cho các ngân hàng theo các nguyên tắc và nội dung cụ thể: Các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt từ 80% chỉ tiêu tín dụng đã được NHNN thông báo trước đó thì ngân hàng được tự chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm. Mức bổ sung này được ngân hàng tự xác định căn cứ điểm xếp hạng năm 2022, đồng thời ưu tiên cộng thêm cho TCTD tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên và cộng thêm cho ngân hàng giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian qua.

NHNN khẳng định,m việc bổ sung hạn mức theo cơ chế tự động này là sự chủ động của NHNN trong công tác điều hành nhằm để các TCTD được tự chủ động nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng khi đáp ứng điều kiện mà TCTD không phải đề nghị NHNN điều chỉnh chỉ tiêu bổ sung.

NHNN cho biết, từ nay đến hết năm sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để có các giải pháp điều hành kịp thời, phù hợp, chủ động bổ sung hạn mức, sẵn sàng hỗ trợ thanh chanh khoản tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Thêm loạt ngân hàng giảm lãi suất huy động, tiền gửi rẻ chưa từng có
Các ngân hàng trong nhóm Big 4 và một số ngân hàng TMCP tư nhân vừa giảm thêm lãi suất huy động. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã về mức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư