Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Chính phủ nỗ lực “xoay chuyển tình thế”, kinh tế Việt Nam “vượt cơn gió ngược”
Hà Nguyễn - 05/01/2024 10:16
 
Nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, kinh tế Việt Nam 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới.

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương đã được tổ chức vào ngày 5/1/2024.

Thay mặt Chính phủ đọc báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, phương hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới.

Nỗ lực xoay chuyển tình thế

Theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, một trong những điểm đáng chú ý của năm 2023 chính là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có nhiều đổi mới, tiếp tục bám sát thực tiễn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.

Theo đó, với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, Chính phủ đã nỗ lực tháo gỡ những khó khăn về thể chế, cơ chế, chính sách; đồng thời, bám sát tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, đúng thời điểm…

“Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhanh chóng ‘xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái’; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…”, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nói.

Năm 2023 ghi nhận những dấu ấn mới trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ

Với những nỗ lực đó, kinh tế Việt Nam đã vượt qua cơn gió ngược, tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, cả năm tăng 5,05%, thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỷ USD. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tăng 3,25% (mục tiêu đề ra khoảng 4,5%).

Trong khi đó, thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022. Khu vực nông nghiệp là điểm sáng, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, năm 2023 tăng 3,83%, cao nhất trong 10 năm qua. Khu vực dịch vụ tăng 6,82%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6%. Công nghiệp phục hồi nhanh qua từng quý, cả năm tăng 3,02%.

Đáng chú ý, thu ngân sách nhà nước vượt khoảng 8,12% dự toán trong khi đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194.000 tỷ đồng; đồng thời tăng thu, tiết kiệm chi, đã trích lập được khoảng 560.000 tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 - 2026…

Cùng với đó, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước thấp hơn nhiều giới hạn và ngưỡng cảnh báo. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm đạt 683 tỷ USD; xuất siêu khoảng 28 tỷ USD.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng nhấn mạnh việc nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam. Chẳng hạn, Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng “Ổn định”, trong khi châu Á - Thái Bình Dương chỉ có 02 trong 62 nước được nâng hạng...

Việc tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 6,2% so với năm 2022; giải ngân vốn đầu tư công dự kiến đạt 95% kế hoạch (năm 2022 là 91,42%), số tuyệt đối đạt gần 676.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, cao hơn khoảng 146.000 tỷ đồng so với năm 2022 cũng đã được Chính phủ đánh giá cao.

“Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp; vốn giải ngân đạt gần 23,2 tỷ USD (tăng 3,5%), cao nhất từ trước đến nay, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài”, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh…

Tiếp tục vượt cơn gió ngược

Những chỉ số này đã cho thấy, Việt Nam đã nỗ lực vượt “cơn gió ngược” như thế nào. Không những thế, các yếu tố mang tính chất nền tảng, như thực hiện 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, xử lý các vấn đề tồn tại kéo dài… cũng đã đạt được những kết quả tích cực trong năm 2023 vừa qua.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã đặc biệt nhấn mạnh những nỗ lực của các địa phương trong khắc phục khó khăn, khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và đạt được những kết quả khá toàn diện, đóng góp vào thành tựu chung của cả nước.

Theo đó, nhiều địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Thanh Hóa… tiếp tục phục hồi và là điểm sáng trong thu hút đầu tư. GRDP của nhiều tỉnh, thành phố đạt mức tăng trưởng khá cao như Bắc Giang, Hậu Giang, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Nam Định….

Đặc biệt, một số địa phương đã tích cực chuyển dần từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Sản xuất công nghiệp tại nhiều nơi phục hồi ấn tượng hoặc duy trì đà tăng nhanh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư; liên kết tỉnh, liên kết vùng được tăng cường…

“Nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực”, Phó thủ tướng Lê Minh Khái một lần nữa nhấn mạnh.

Tuy vậy, báo cáo do Phó thủ tướng Lê Minh Khái trình bày cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản; nước ta vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần tiếp tục tập trung khắc phục. Một trong số đó, là tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao trong khu vực, thế giới song chưa đạt mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ trong, ngoài nước suy giảm.

Tiếp cận tín dụng cũng còn khó khăn; thị trường bất động sản dù được cải thiện nhưng còn trầm lắng chủ yếu do bất cập về phân khúc và vướng mắc về pháp lý; thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang được tháo gỡ và tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhưng còn tiềm ẩn rủi ro…

Những tồn tại, hạn chế này tiếp tục ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu kế hoạch năm 2024, năm bản lề của việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025.

“Để thực hiện mục tiêu đề ra, Chính phủ xác định chủ đề điều hành năm 2024 là Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư