Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Chính phủ trình Quốc hội quyết định tăng bội chi ngân sách để phục hồi kinh tế
Nguyễn Lê - 03/01/2022 20:39
 
Chính phủ trình Quốc hội quyết định tăng bội chi NSNN để có nguồn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với tổng số tiền 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023.
.
Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số chính sách tài khóa, tiền tệ gồm 9 nội dung.

Chính phủ trình Quốc hội quyết định tăng bội chi ngân sách Nhà nước để có nguồn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với tổng số tiền là 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023.

Như Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn đã thông tin, tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội, phục vụ kỳ họp bất thường khai mạc sáng 4/1/2022.

Theo đó, tổng quy mô hỗ trợ của Chương trình gồm hỗ trợ tài khóa 291.000 tỷ đồng, hỗ trợ tiền tệ khoảng 46.000 tỷ đồng, hỗ trợ qua các quỹ khác 10.000 tỷ đồng và một số giải pháp hỗ trợ dự kiến triển khai nhưng chưa được tính toán cụ thể.

Để hỗ trợ chương trình, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số chính sách tài khóa, tiền tệ gồm 9 nội dung.

Thứ nhất, tăng bội chi ngân sách Nhà nước để có nguồn thực hiện Chương trình với tổng số tiền là 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023. Trong đó, năm 2022 khoảng 102.800 tỷ đồng, tăng tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước lên 5,1% GDP (tăng thêm khoảng 1,1% GDP so với dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 đã được Quốc hội thông qua).

Cho phép nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước bình quân giai đoạn 2021-2025 có thể cao hơn 25%; tổng mức vay, trả nợ của ngân sách Trung ương có thể cao hơn Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia Quốc hội đã phê duyệt; kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân thấp hơn 9 năm.

Chấp thuận việc ngân sách Nhà nước có thể vay các nguồn tài chính hợp pháp khác phù hợp và hoàn trả khi có nguồn trong kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước hàng năm hoặc các nguồn khác; Bộ Tài chính phát hành trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước.

Giao Chính phủ xây dựng phương án phân bổ dự toán ngân sách Nhà nước và phương án bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 cho các chương trình, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã đủ thủ tục theo quy định. Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi Chính phủ phân bổ, giao bổ sung dự toán và bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Đối với năm 2023, Chính phủ tổng hợp kế hoạch và dự toán ngân sách Nhà nước chung cho cả phần tăng thêm của Chương trình phục hồi và của năm 2023, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định hiện hành.

Hai, tiếp tục miễn, giảm thuế khoảng 64.000 tỷ đồng trong năm 2022 và tính vào bội chi ngân sách Nhà nước tương ứng (đã tính trong tổng số kiến nghị tăng bội chi 240.000 tỷ đồng nêu trên).

Ba, trình Quốc hội quyết định việc cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19.

Bốn, tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước của Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 38.400 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cho vay ưu đãi trong 2 năm 2022-2023.

Năm, cho phép bố trí ngân sách Nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong giai đoạn 2021-2023.

Sáu, trong quá trình điều hành chính sách hỗ trợ đầu tư công, để bảo đảm thực hiện hiệu quả và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của Chương trình trong 2 năm 2022-2023, giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phương án điều chỉnh, phân bổ linh hoạt vốn đầu tư công của Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Bảy, về Danh mục các dự án đầu tư công, giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 được bổ sung thêm vốn; quyết định chủ trương đầu tư các dự án mới chưa có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi phân bổ và giao kế hoạch theo quy định của Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội.

Tám, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, có quy mô lớn trong phạm vi Chương trình, cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ và gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp; khai thác mỏ khoáng sản để thực hiện dự án; phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn vốn cho UBND một số địa phương thực hiện các đoạn tuyến/dự án đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn (Bộ Giao thông - Vận tải chịu trách nhiệm các đoạn tuyến/dự án còn lại và tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý nhà nước đoạn tuyến/dự án và phần vốn giao cho địa phương, nếu không sẽ tạo áp lực rất lớn cho Bộ Giao thông - Vận tải trong tổ chức thực hiện Chương trình).

Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện sau khi kết thúc thời hạn áp dụng chính sách.

Chín, Chính phủ đề nghị Quốc hội giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ chi của Chương trình đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội để bảo đảm tiến độ thực hiện, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Chính phủ cũng khẳng định, trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ nghiêm túc, khẩn trương tổ chức triển khai, ban hành nhanh các giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ; phân công chi tiết nhiệm vụ cho các Phó thủ tướng, bộ, cơ quan trung ương, địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai; tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc, bảo đảm tính hiệu quả và khả thi, tránh lạm dụng chính sách, gắn với cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát thực hiện.

Ủy ban Kinh tế nói gì về gói chính sách tài khoá, tiền tệ hơn 300.000 tỷ đồng?
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư