Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Chính quyền địa phương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp
Hữu Phúc - 30/09/2017 10:19
 
Ngày mai (28/9), tại TP. Vị Thanh, UBND tỉnh Hậu Giang sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư với chủ đề “Hậu Giang - Tiềm năng đầu tư và phát triển”. Nhân dịp này, ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang có cuộc trao đổi với Báo Đầu tư về tiềm năng, lợi thế cũng như cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh.
TIN LIÊN QUAN

Những dư địa nào ở Hậu Giang có thể mở ra cơ hội cho nhà đầu tư, thưa ông?

Nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long mưa thuận, gió hòa, đất đai màu mỡ, tỉnh Hậu Giang có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp chế biến hàng nông, thủy sản, bởi nguồn nguyên liệu dồi dào, phong phú. Tỉnh Hậu Giang ổn định diện tích lúa canh tác với 78.000 ha, sản lượng 1,2 triệu tấn/năm; vùng cây ăn trái đặc sản có diện tích 36.000 ha; sản lượng 290.000 tấn/năm; vùng nguyên liệu khóm 2.000 ha; vùng trồng mía có diện tích khoảng 13.000 ha, sản lượng gần 1,5 triệu tấn...

Hậu Giang có giao thông thủy và bộ phát triển, thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và du lịch sông nước. Ảnh: Duy Khương
Hậu Giang có giao thông thủy và bộ phát triển, thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và du lịch sông nước. Ảnh: Duy Khương

Các loại nông sản có thế mạnh của tỉnh Hậu Giang đã được đăng ký nhãn hiệu, nhiều sản phẩm có thương hiệu trên thị trường được cả nước biết đến như bưởi năm roi, bưởi hồ lô Phú Hữu, quýt đường Long Trị, khóm Cầu Đúc, xoài cát Hòa Lộc, cá thát lát, cá rô đồng, lúa Hậu Giang…

Dù có nguồn nguyên liệu nhiều, lực lượng lao động dồi dào, nhưng ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm - ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy chế biến trái cây, dù nhu cầu thị trường còn rất lớn. Đối với cây mía, ngoài sản phẩm chính là đường thì các sản phẩm sau đường như bánh kẹo, nước giải khát, ván ép, phân bón vi sinh... nếu khai thác triệt để giá trị có thể tăng gấp 3 - 4 lần giá trị của đường. Tuy nhiên, tại Hậu Giang vẫn chưa có các dự án này. Hay với cây khóm, diện tích Hậu Giang trồng nhiều, nhưng vẫn chưa có nhà máy chế biến khóm cô đặc.

.
.

Thủy sản là thế mạnh của Hậu Giang, với vùng nuôi trồng 11.000 ha, sản lượng 71.000 tấn/năm. Trong thời gian gần đây, thương mại về thủy sản thế giới gia tăng liên tục do nhu cầu ngày càng cao, bên cạnh đó, thị trường nội địa có dân số trên 93 triệu người cũng là thị trường đầy tiềm năng, nhưng chưa được các doanh nghiệp quan tâm khai thác đúng mức. Vì vậy, việc xây dựng dự án nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản khép kín tại Hậu Giang hứa hẹn mang lại hiệu quả cho các nhà đầu tư.

Về du lịch, tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, miệt vườn, du lịch văn hóa. Hiện đã có Khu du lịch sinh thái rừng tràm Việt Úc; còn một số địa chỉ cần đầu tư không nhiều là có thể khai thác, như: Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, chợ nổi Ngã Bảy, Trung tâm Nông nghiệp Mùa xuân…

Ngoài lợi thế về nguồn nguyên liệu, Hậu Giang còn có lợi thế nào khác trong thu hút đầu tư?

Do Hậu Giang giáp ranh với TP. Cần Thơ, nên các dự án đầu tư tại Hậu Giang sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận những tiện ích về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực... từ đô thị trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Về cơ chế chính sách, tỉnh Hậu Giang có 7/8 đơn vị hành chính thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Do đó, nhà đầu tư khi đầu tư vào tỉnh Hậu Giang phần lớn được hưởng ưu đãi tối đa về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu máy móc thiết bị tạo tài sản cố định, tiền thuê đất, thuê mặt nước và tiền chuyển mục đích sử dụng đất...

Ngoài các chính sách ưu đãi chung, Hậu Giang còn có một số cơ chế, chính sách ưu đãi riêng, như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; miễn giảm thuế xuất, nhập khẩu... Tỉnh đã ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

.
.

Các lĩnh vực nào tỉnh Hậu Giang đang ưu tiên kêu gọi đầu tư?

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hạ tầng, chủ yếu tập trung kêu gọi đầu tư các dự án chế biến gạo xuất khẩu gắn với vùng lúa chất lượng cao; Dự án đầu tư hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hậu Giang; Dự án đầu tư và xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A - giai đoạn III; Dự án đầu tư và xây dựng kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp tập trung Nhơn Nghĩa A; Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp tập trung Đông Phú; Dự án Khu du lịch sinh thái khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng; Dự án khu dân cư thương mại (khu vực 1, phường 5, TP. Vị Thanh).

Tỉnh chuẩn bị thế nào trong việc tiếp nhận dự án cũng như hỗ trợ cho nhà đầu tư, thưa ông ?

Tỉnh Hậu Giang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện đầu tư tốt nhất để kêu gọi nhà đầu tư vào tỉnh, tạo mặt bằng sản xuất, kinh doanh thông thoáng và có tính liên kết cho nhà đầu tư yên tâm tập trung đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, tập trung phát triển nguồn lao động có tay nghề cho doanh nghiệp (đào tạo theo địa chỉ, theo yêu cầu doanh nghiệp); phát triển nhân lực chuyên môn cao; tổ chức bồi dưỡng kiến thức (nâng cao tính công nghiệp hóa) cho người lao động tại doanh nghiệp, lực lượng lao động tại địa phương, đảm bảo theo yêu cầu lao động của các doanh nghiệp.

Trong công tác chỉ đạo điều hành, lãnh đạo UBND và các sở, ngành của tỉnh Hậu Giang vận dụng linh hoạt các chính sách của bộ, ngành Trung ương trên cơ sở vừa phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, vừa đáp ứng môi trường cạnh tranh lành mạnh trong khu vực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Quan tâm giải quyết nhanh chóng các kiến nghị của nhà đầu tư qua việc phân cấp và tập trung đầu mối cho các cơ quan chuyên ngành. Tăng cường công tác đối thoại và luôn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp.

Với phương châm mến khách, trọng đối tác, mong muốn hợp tác phát triển có hiệu quả với các tỉnh bạn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và bè bạn gần xa, Hậu Giang luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến với Hậu Giang, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai.

Hậu Giang luôn thực hiện nhất quán quan điểm, ở nơi nào trên địa bàn tỉnh có khó khăn của doanh nghiệp thì ở đó sẽ có mặt của chính quyền địa phương để cùng tháo gỡ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư