Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Chính sách đổi mới của Việt Nam có thể là mô hình cho Triều Tiên
Việt Nga - 26/02/2019 22:05
 
Đó là nhận định của phóng viên Hãng truyền thông AP trong bài viết vừa đăng tải trên nbcnews.com nhân Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 27 - 28/2. Dưới đây là nội dung của bài viết này.
Samsung có đóng góp lớn vào
Samsung có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Việt Nam, địa điểm được Tổng thống Mỹ Donald Trump chọn để tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, đã bắt đầu thực hiện chính sách đổi mới, tham gia thương mại quốc tế từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, thu hút Samsung cùng nhiều tập đoàn sản xuất lớn của thế giới tới mở cơ sở sản xuất.

Với sự phát triển năng động của Việt Nam trong mấy thập kỷ qua, chính sách đổi mới của Việt Nam có thể là mô hình cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Tăng trưởng năng động

Kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng hơn 7% trong năm 2018, nhờ sản xuất công nghiệp tăng trưởng ở mức hai chữ số. Với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 238 tỷ USD trong năm 2017, Việt Nam thuộc Top 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhờ kinh tế tăng trưởng năng động, tỷ lệ nghèo đói giảm và tuổi thọ người dân tăng nhanh, hiện đạt mức trung bình 76 tuổi.

Nhân tố Samsung

Việt Nam đã thu hút nguồn vốn đầu tư rất lớn từ Hãng điện tử Samsung (Hàn Quốc) - nhà sản xuất chip máy vi tính và điện thoại di động lớn nhất thế giới. Samsung đã mở nhà máy sản xuất điện thoại di động đầu tiên tại Việt Nam từ năm 2009 và hiện sử dụng hơn 100.000 nhân công địa phương. Năm 2017, công ty này chiếm tới hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Samsung không đưa ra bình luận gì về tin đồn rằng, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể thăm một trong các nhà máy của Samsung nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại Việt Nam.

Điểm sáng xuất khẩu

Với việc tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt nhờ lợi thế về thuế quan thấp hơn, do đó xuất khẩu đã tăng trưởng ngoạn mục. Trong khi đó, các nhà sản xuất Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đã dồn dập tới đây đầu tư nhằm tận dụng cơ hội về chi phí thấp cùng những ưu đãi đầu tư tại Việt Nam.

Xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên mức 214 tỷ USD trong năm 2017, tăng hơn 20% so với năm trước đó. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch gần 42 tỷ USD năm 2017. Hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là điện thoại di động, hàng điện tử, giày dép và dệt may.

Thách thức

Vừa đạt mức thu nhập trung bình, Việt Nam đang phải tập trung nỗ lực để tăng năng suất - vấn đề then chốt để đảm bảo mức sống của người dân tiếp tục được cải thiện. Các nhà kinh tế cho rằng, năng suất của Việt Nam hiện chỉ bằng khoảng 1/3 so với Trung Quốc và thấp hơn nhiều so với các nước phát triển. Do phụ thuộc nặng nề vào tăng trưởng xuất khẩu, nên kinh tế Việt Nam rất dễ bị ảnh hưởng bởi suy giảm kinh tế toàn cầu.

Triển vọng

Sau nhiều năm thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài rất lớn, hiện nay, dòng vốn đầu tư này có thể khó khăn hơn trước chiều hướng suy giảm đầu tư chung trên toàn cầu. Để đảm bảo duy trì tăng trưởng và sức cạnh tranh, theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cùng nhiều chuyên gia khác, Việt Nam cần phải phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời khuyến khích tiếp nhận các công nghệ tiên tiến.

[Infographic] Quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống Việt Nam - Triều Tiên
Triều Tiên là nước thứ 3 mà Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó đến nay, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư