Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Chính sách nhân sự trong giai đoạn “tiền đắt”
Đức Thọ - 21/05/2023 16:01
 
Khi thị trường trở nên khó khăn và nguồn vốn đầu tư không còn dễ dãi, các start-up buộc phải điều chỉnh lại chiến lược nhân sự để tồn tại và hoạt động hiệu quả.

Thông tin từ layoffs.fyi - website theo dõi tình trạng sa thải công nghệ, từ đầu năm 2023 đến nay, 675 start-up công nghệ trên thế giới đã sa thải 193.950 nhân sự. Sự khó khăn trong môi trường kinh doanh và đầu tư khiến vấn đề cắt giảm chi phí trở thành mục tiêu quan trọng. Đây cũng là lúc mỗi start-up cần xây dựng cho mình chính sách nhân sự phù hợp.

Tuyển dụng có trọng tâm

Thay vì tuyển ồ ạt, trong giai đoạn khó khăn, start-up nên tuyển dụng có trọng tâm.

Nhiều ý kiến cho rằng, thời điểm hiện tại, phần đa start-up chọn giải pháp “đóng băng” tuyển dụng để bảo toàn nguồn lực, nhưng thực tế không phải như vậy.

Báo cáo “Nhân tài khởi nghiệp Đông Nam Á 2023” do Monk’s Hill Ventures và Glints công bố cho thấy, có tới 86% các nhà sáng lập được phỏng vấn cho biết, họ sẽ tiếp tục tuyển dụng vào năm 2023, nhưng ở mức vừa phải hơn. Khi start-up hướng tới mục tiêu phát triển bền vững thay vì thổi phồng chỉ số để gọi vốn, những vị trí tạo doanh thu như bán hàng, phát triển kinh doanh, tiếp thị, quan hệ công chúng... sẽ được ưu tiên tuyển dụng.

Ngay cả các doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt cũng đang thận trọng trong chính sách tuyển dụng, hướng tới những nhân sự “không thể thiếu” (must-have) thay vì những nhân sự “có thì tốt” (nice-to-have).

“Chúng tôi đã kỹ lưỡng hơn trong quá trình phỏng vấn và luôn tự hỏi, tại sao cần tuyển thêm nhân viên mới, hay có thể làm gì khác với ngân sách này thay vì tuyển dụng người mới?”, Paul Hadjy, đồng sáng lập, CEO Horangi cho biết.

Khích lệ tinh thần nhân sự ở lại

Khi start-up cắt giảm nhân sự, những người ở lại sẽ cảm thấy bất an, lo lắng. Họ cảm nhận tín hiệu từ việc sa thải rằng, công ty không đủ nguồn lực và rất có thể, một ngày nào đó, chính họ cũng là người bị sa thải. Đây là lúc, nhà sáng lập cần tập trung khích lệ nhân viên của mình thông qua các hoạt động kết nối, các buổi chia sẻ, hoạt động ngoại khóa…

Đặc biệt, giai đoạn này, các nhân viên ở lại luôn muốn được cập nhật thông tin minh bạch, rõ ràng và trực tiếp nhất từ nhà sáng lập. Họ quan tâm đến kế hoạch tồn tại và phát triển sắp tới của công ty để thêm niềm tin về tương lai của mình tại đây. Hơn bao giờ hết, họ cần cảm nhận được giá trị tồn tại, được trân trọng và ủng hộ từ nhà sáng lập. Họ cần được truyền cảm hứng, động lực để tiếp tục chiến đấu mạnh mẽ hơn nữa từ các nhà sáng lập của mình.

Xây dựng văn hóa học tập

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, sau thời kỳ bất ổn, năm 2023, kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, trong thách thức có cơ hội.

Bài học kinh nghiệm từ hoạt động của các doanh nghiệp tại Thung lũng Silicon (Mỹ) cho thấy, để vượt qua thời kỳ kinh tế suy thoái, giải pháp hiệu quả là gắn liền văn hóa doanh nghiệp với văn hoá học tập. Dù doanh nghiệp đang ở giai đoạn phát triển nào, người lao động của mỗi tổ chức đều cần được tạo cơ hội học tập, được trang bị thêm kỹ năng, năng lực, giúp thích ứng với bối cảnh mới. 

Một nghiên cứu với 3 triệu người lao động trên thế giới từng cho thấy, phát triển nghề nghiệp là động lực hàng đầu để gắn kết nhân viên. Khi doanh nghiệp chú trọng tạo lập nền tảng văn hóa học tập, đào tạo, mức độ nhân viên gắn bó với tổ chức sẽ cao hơn 7,2 lần.

Đáng chú ý, những doanh nghiệp mà nhân viên có sợi dây gắn kết mạnh mẽ với tổ chức sẽ đạt lợi nhuận cao hơn 23%. Nhân sự được đào tạo, nâng cao kỹ năng cũng sẽ gắn bó lâu dài hơn từ 6 - 10 năm so với những nhân sự không được đào tạo.

Đà Nẵng lập tổ công tác gỡ vướng cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất ở Hoà Vang
Một tổ công tác riêng được Thành phố Đà Nẵng thành lập để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư