Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 22 tháng 01 năm 2025,
Chính thức ra mắt tài liệu Think Green
PV - 22/01/2025 14:53
 
Tài liệu Think Green ra mắt ngày 15/1 đã cập nhật các chính sách, xu hướng phát triển bền vững ở Việt Nam và thế giới, đồng thời tôn vinh các doanh nghiệp tiên phong trong giảm phát thải và phát triển bền vững tại Việt Nam năm 2024.
TIN LIÊN QUAN

Think Green là tài liệu tổng kết những bài học, sáng kiến và kết quả đạt được từ các phiên thảo luận tại Hội thảo RIS.ER đã diễn ra vào tháng 5/2024, đồng thời định hướng cho các doanh nghiệp trên con đường phát triển bền vững.

Hội thảo RIS.ER quy tụ hơn 300 doanh nghiệp và chuyên gia từ nhiều lĩnh vực, tạo ra một nền tảng đối thoại đa chiều. Tài liệu Think Green chính là kết quả của sự hợp tác này, với những số liệu, câu chuyện và kiến nghị được rút ra từ trải nghiệm thực tế của cộng đồng doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Như, CEO Công ty WBS, đơn vị tổ chức RIS.ER cho biết, “Tài liệu “Think Green” là ấn phẩm tổng kết những gì làm được trong những năm qua và kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cùng hành động để giảm phát thải. Tài liệu này kỳ vọng sẽ trở thành nguồn tham khảo hữu ích cho bất kỳ ai muốn đóng góp vào sự bền vững của nền kinh tế”.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, lượng rác thải toàn cầu dự kiến sẽ chạm mức 3,4 tỷ tấn vào năm 2050, nhưng phần lớn rác này vẫn chưa được quản lý hiệu quả.

Một trạm tái chế nhựa tại RIS.ER Hub: Điểm chạm xanh ngày 25/9/2024

Riêng ở Việt Nam, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa ra môi trường, trong đó 0,28 - 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% được tái chế, theo số liệu từ hội thảo “Huy động tài chính cho giải pháp ô nhiễm nhựa tại Việt Nam: Từ lý thuyết đến thực thi” ngày 12/12/2024 tại Hà Nội.

Thực tế, đã có một số doanh nghiệp “tìm cơ trong nguy”, hướng đến kinh tế tuần hoàn, tức mô hình sử dụng tài nguyên theo cách bền vững bằng việc tái sử dụng, tái chế và kéo dài vòng đời sản phẩm.

Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (DDG) có mảng kinh doanh chủ đạo là xử lý nhiên liệu phế thải công - nông nghiệp bằng các giải pháp công nghệ. DDG tận dụng nguồn năng lượng thu được từ việc xử lý rác cho các hoạt động khác.

Lam Trân, một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực tái chế bao bì nhựa mềm tại Việt Nam, đã thành công trong việc phân loại và tái chế hơn 2.000 tấn rác thải PE mỗi tháng, chủ yếu từ túi nilon. Quá trình chuyển dịch ban đầu tuy chưa hiệu quả về chi phí nhưng đã giúp Lam Trân từng bước thay đổi hệ thống thu gom và phân loại.

Đại diện cơ quan quản lý, doanh nghiệp thảo luận tại hội thảo RIS.ER tháng 5/2024

Nhà cung cấp năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo, SolarEdge Việt Nam, lại tập trung vào việc cung cấp các giải pháp tích hợp, sáng tạo với 476 bằng sáng chế được cấp, có mặt tại hơn 36 quốc gia với hệ thống được lắp đặt tại 140 quốc gia.

Bên cạnh các giải pháp công nghệ, khơi thông nguồn vốn xanh cũng là một động lực giúp cho doanh nghiệp hướng đến kinh tế tuần hoàn. Vốn xanh là các khoản đầu tư được thiết kế để hỗ trợ các dự án thân thiện với môi trường.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần khoảng 370 tỷ USD vốn đầu tư để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh. Nhưng do rào cản về khung pháp lý, nguồn vốn xanh hiện vẫn eo hẹp.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 3/2024, có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với gần 637 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 9 lần so với khi bắt đầu triển khai chương trình tín dụng xanh vào cuối năm 2015 (71 nghìn tỷ đồng). Dù tăng trưởng nhanh nhưng tín dụng xanh hiện có quy mô khiêm tốn, chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Để đẩy mạnh tín dụng xanh, ông Jason Yang, Giám đốc cao cấp Lĩnh vực Chuyển đổi và Phát triển bền vững của Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, UOB đã hỗ trợ các ngành ưu tiên của Việt Nam như công nghệ thông tin, sản xuất, chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp. Tại Việt Nam, UOB hỗ trợ 17 dự án năng lượng tái tạo, gần đây là cấp khoản tài trợ thương mại xanh trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững cho nhà sản xuất sản phẩm dừa Betrimex.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư