Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 04 tháng 07 năm 2024,
Chọn cơ hội “sống” trên sàn thương mại điện tử
Anh Hoa - 28/05/2024 07:58
 
Người tiêu dùng mua sắm qua kênh thương mại điện tử tiếp tục bùng nổ, nhưng không đồng nghĩa với cơ hội tăng trưởng sẽ dành cho tất cả người bán hàng trên các sàn.

Tăng trưởng, nhưng chưa bền vững

Số liệu của Công ty phân tích dữ liệu YouNet ECI cho thấy, doanh thu quý I/2024 của các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, bao gồm Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok Shop đạt hơn 79.120 tỷ đồng, tương đương 768,44 triệu đơn vị sản phẩm của hơn 510.000 nhà bán hàng online được bán ra.

Con số trên, theo YouNet ECI, là doanh thu thực từ 4 sàn thương mại điện tử, không tính số ảo, sản phẩm quà tặng, nhà bán hàng quốc tế. Do đó, so với quý trước, doanh thu của quý I/2024 giảm hơn 16%.

Trong khi đó, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), chỉ tính riêng năm 2023, quy mô thương mại điện tử tại Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2022 và Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.

Năm 2024 tiếp tục được dự báo là năm bùng nổ của thị trường, nhưng điều đó không đồng nghĩa cơ hội tăng trưởng dành cho tất cả người bán hàng trên các sàn.

Nếu như trước năm 2018, doanh nghiệp nào chuyển hướng lên sàn cũng dễ dàng có được lợi nhuận, thì vài năm trở lại đây, khi các sàn mua sắm trực tuyến điều chỉnh luật chơi và người mua hiểu biết hơn, thì trụ lại được là những người chơi có chiến lược bài bản, rõ ràng.

Các chuyên gia cho rằng, để có thể thành công trong ngành này, doanh nghiệp cần nắm bắt và áp dụng các xu hướng mới nhất, cũng như tạo ra những giá trị độc đáo, khác biệt cho khách hàng. Việc bắt kịp các xu hướng sẽ là công cụ hiệu quả để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Năm 2023, thị trường chứng kiến sự sụt giảm người bán hàng so với năm 2022. Tổng số shop có phát sinh đơn hàng trên các sàn trên giảm 1,3%, tương đương khoảng 10.000 người bán, bất chấp sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của những mô hình và nền tảng thương mại điện tử mới.

Nguyên nhân của tình trạng trên do kinh tế chưa ổn định, bất ổn địa chính trị, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, cạnh tranh ngày càng gay gắt…

“Sản phẩm áo thun cộc tay hàng Việt Nam xuất dư của shop tôi bán với giá hơn 200.000 đồng/chiếc, trong khi nhiều gian hàng trên các sàn chỉ bán với giá 100.000 -150.000 đồng/chiếc. Các shop khác bán với giá bán thấp hơn chủ yếu do đặt các cơ sở gia công sử dụng vải tồn không còn phù hợp để sản xuất, hoặc họ lấy hàng hóa trôi nổi, hàng từ Trung Quốc không đảm bảo chất lượng… Trong khi đó, hầu hết khách hàng thích mua hàng hóa giá thấp”, chị Ngọc Mến, chủ shop chuyên hàng Việt Nam xuất khẩu trên Shoppee cho biết.

Đánh giá tình hình hiện nay, chủ một thương hiệu sản xuất bỏng ngô thủ công cho rằng, người mua thay đổi ít, nhưng người bán phải thay đổi nhiều.

“Chúng tôi luôn phải xác định thay đổi toàn diện, từ cách tiếp cận giới trẻ trên kênh online, tới việc đảm bảo uy tín, chất lượng sản phẩm, mẫu mã, phù hợp hơn với thị hiếu tiêu dùng nhanh hiện nay. Cố gắng làm sao để khách hàng quay lại chọn sản phẩm của mình nhiều lần và được đảm bảo quyền lợi khi mua hàng online”, anh Nguyễn Phúc Minh Quân, chủ thương hiệu trên cho biết.

Thị trường Việt Nam hiện có 4 sàn thương mại điện tử lớn, đều do người Trung Quốc quản lý trực tiếp hoặc gián tiếp, gồm Tiki, Lazada, Shopee, Tiktok Shop. Các sàn này có tốc độ tăng trưởng khá tốt. Tuy nhiên, tổng doanh số bán hàng qua các sàn chỉ chiếm tầm 6%, còn lại (khoảng 94%) thuộc các kênh siêu thị, chợ truyền thống...

Các sàn thương mại điện tử cũng cho rằng, người dùng trẻ ngày càng khó tính hơn, họ có xu hướng tìm kiếm các giá trị khi mua hàng và sẽ thay đổi thương hiệu nếu phát hiện hàng không đạt chất lượng. Đồng thời, thế hệ tiêu dùng mới am hiểu công nghệ, sẵn sàng chi trả là thành phần quan trọng nhất của kinh tế số.

Theo ông Phạm Bảo Trung, Giám đốc Kinh doanh nền tảng dữ liệu Metric, thực tế, nhiều khách hàng có nhu cầu mua hàng, mua ngay trực tiếp trên nền tảng đang giải trí, nhưng không ít người tìm kiếm sản phẩm, so sánh giá, chất lượng, mẫu mã trên các kênh bán khác nhau. Điều này sẽ kích thích thị trường thương mại điện tử Việt Nam phát triển.

Thực tế cũng cho thấy xu hướng bán trực tuyến là cách tiếp cận, tạo lợi thế cạnh tranh. Trong thế giới hiện nay, doanh nghiệp không bán hàng online sẽ khó trụ lại được trên thị trường.

Lựa chọn khó nhằn hơn với doanh nghiệp Việt

Trung Quốc đang đẩy mạnh thương mại điện tử xuyên biên giới, nhằm tăng tốc đưa hàng hóa sang thị trường Việt Nam và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Điều này cho thấy, doanh nghiệp Việt không dễ tăng doanh số, thị phần bán hàng trên sàn thương mại điện tử.

Nhiều tổng kho thương mại điện tử của Trung Quốc đang ồ ạt mọc lên tại các địa bàn sát biên giới Việt - Trung như Hà Khẩu, Quảng Châu..., khi Chính phủ nước này áp dụng nhiều chính sách ưu tiên phát triển thương mại xuyên biên giới.

Cụ thể, tại Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) giáp với tỉnh Lào Cai, Trung Quốc dự kiến xây dựng khu tích hợp kho bãi, chế biến xuất nhập khẩu, hậu cần hiện đại, thương mại điện tử xuyên biên giới. Dự án Khu công nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc - ASEAN ở khu vực này đã chính thức được đầu tư giai đoạn II, sau thời gian hoạt động từ năm 2020 với khoảng 150 công ty.

Vị trí của khu công nghiệp trên vô cùng thuận lợi cho hoạt động giao thương với Việt Nam, khi chỉ cách Hà Nội 295 km, cách cảng Hải Phòng 416 km và nằm ngay gần ga xe lửa Bắc Hà Khẩu, thuận tiện cho việc vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa.

Được biết, sau khi dự án trên hoàn thành, doanh nghiệp Trung Quốc có thể hoàn thành kiểm tra 50.000 bưu kiện/ngày, trọng lượng khoảng 800 tấn, giao dịch hàng năm dự kiến vượt 2 tỷ nhân dân tệ (280 triệu USD).

Trong khi đó, Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc), nằm giáp với TP. Móng Cái (Quảng Ninh) cũng đang đẩy mạnh phát triển Khu thương mại biên giới Đông Hưng thành khu thương mại biên giới lớn nhất Quảng Tây.

Tỉnh Quảng Châu của Trung Quốc cũng đang gấp rút xây dựng Trung tâm thương mại tích hợp thương mại điện tử với tổng diện tích xây dựng khoảng 44.000 m2.

Việc xây dựng các kho, nhà xưởng, khu công nghiệp thương mại điện tử quy mô lớn tại các tỉnh giáp biên giới Việt - Trung thể hiện rõ kế hoạch của quốc gia tỷ dân trong việc phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, hướng đến Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á nói chung.

Khi các dự án trên hoàn thành, Trung Quốc sẽ có lợi thế rất lớn trong lĩnh vực logistics và vận tải hàng hóa. Thay vì phải tìm đến những đơn vị vận chuyển trung gian giữa 2 nước và mất khoảng 10-15 ngày để vận chuyển hàng hóa như hiện nay, Trung Quốc có thể giảm chi phí vận chuyển và rút ngắn thời gian giao hàng đến tay người tiêu dùng Việt Nam còn 3-4 ngày, từ đó tăng mạnh lợi thế cạnh tranh.

Điều đó có thể khiến hàng hóa của Trung Quốc có thêm ưu thế để thâm nhập sâu hơn vào các sàn thương mại điện tử dẫn đầu thị trường Việt Nam như Shopee, Lazada, Tiktok Shop...

Tuy áp lực lớn, nhưng các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt không hẳn sẽ mất lợi thế, bởi họ hiểu rõ hơn về thị hiếu người tiêu dùng trong nước. Dẫu vậy, họ phải tăng cường tiếp cận các công cụ nghiên cứu thị trường, tận dụng lực lượng KOL/KOC đông đảo để định hướng người tiêu dùng.

Ngoài ra, sự xuất hiện những kho hàng trên cũng sẽ là cú hích kích thích quy mô thương mại điện tử Việt Nam, đem lại doanh thu hấp dẫn cho các nhà bán hàng nhờ việc mở rộng không gian mua sắm.

Tăng gần 3.000 tỷ đồng tiền thuế qua xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử
Thông tin trên được nêu tại báo cáo mới phát hành của Bộ Tài chính về việc thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15, Nghị quyết số 109/2023/QH15...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư