Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Chọn đi cùng hay đi cạnh 4.0
Bảo Duy - 22/04/2019 09:25
 
Giữa lúc cuộc tranh luận có “đội mào” cho xe công nghệ hay không, có quản mô hình kinh doanh vận tải trên nền tảng công nghệ như với taxi hay không nóng trở lại, thì Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra vấn đề, tại sao tăng trưởng phân ngành thông tin và truyền thông thấp như vậy.

Quý I/2019, phân ngành này chỉ đóng góp 0,71% vào GDP. Dù có cao hơn mức 0,68% GDP trong năm 2018, nhưng con số này rõ ràng là rất nhỏ. Hơn thế, so với những thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển kinh tế số, kết quả này hoàn toàn không tương xứng.

.
.

Hàm ý chính sách mà các chuyên gia nghiên cứu của CIEM đưa ra là, Việt Nam cần hành động nhanh và thực dụng hơn nhằm phát triển kinh tế số. Cùng với đó, cần hoàn thiện hệ thống thống kê nhằm đo lường kinh tế số một cách chính xác, từ đó đo lường hiệu quả chính sách.

Trong góc nhìn của các chuyên gia kinh tế vĩ mô, dư địa để nền kinh tế Việt Nam đi nhanh hơn đang rất mở ở hai hướng.

Một là, sự hoàn thiện, phát triển của thị trường đang thúc đẩy các nguồn lực được phân bổ, sử dụng hiệu quả.

Hai là, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo lợi thế ở điểm xuất phát cho Việt Nam trong nhiều ngành, nhiều mô hình kinh doanh sáng tạo, đổi mới. Thậm chí, Việt Nam đang có cơ hội bứt phá ở một số ngành, mô hình kinh doanh có tính phá hủy, thay thế mô hình truyền thống, do mới bước vào phát triển thấp, chưa có nền tảng cũ như nhiều nền kinh tế phát triển...

Đặc biệt, đội ngũ lao động của Việt Nam được đánh giá cao, đang có cùng cơ hội tiếp cận với tri thức mới của nhân loại. Đây là điểm khác biệt rất lớn so với những giai đoạn phát triển trước đó.

Tuy vậy, thiếu hệ sinh thái là điểm mà Việt Nam đang bị đánh giá là yếu trong cuộc đi nhanh vào kinh tế số. Song, để khắc phục điểm yếu này, Việt Nam có thể chủ động lựa chọn đi cùng hay đi cạnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Việt Nam có thể chọn thể chế hậu thuẫn cho cách làm khác, cách làm phi truyền thống, mở cửa cho những người chơi mới, cách chơi mới nối nhau xuất hiện. Khi Uber, Grab tham gia vào thị trường Việt Nam, FastGo, Bee, Vietgo... cũng gia nhập cuộc chơi, cùng với đó là sự chuyển mình mạnh mẽ của các hãng taxi truyền thống.

Trong lĩnh vực thanh toán, các công ty bưu chính - viễn thông đang được mở cơ hội cung cấp các dịch vụ thanh toán mà lâu nay chỉ có ngân hàng mới làm. Hay có những doanh nghiệp, đơn vị không phải là ngân hàng, nhưng sẽ đi huy động vốn.

Việt Nam cũng có thể chọn cách đi cạnh, bên lề xu hướng mới, chọn cách áp khuôn khổ cũ, tư duy cũ để cân đo mô hình mới. Các doanh nghiệp không phải ngân hàng, mà đi huy động vốn qua nền tảng công nghệ chắc chắn sẽ vi phạm pháp luật về tổ chức tín dụng, hay các loại hình xe công nghệ chắc chắn không có đất phát triển do không tuân thủ các điều kiện kinh doanh theo quy định hiện hành... Hệ lụy là hàng triệu ý tưởng mới đang nhen nhóm sẽ bị triệt tiêu.

Khi đó, cơ cấu kinh tế Việt Nam sẽ rất khó có những thay đổi bứt phá, để dấu ấn của kinh tế số in đậm hơn trong tốc độ tăng trưởng GDP. Mong muốn Việt Nam có hơn 1 Unicorn (start-up kỳ lân) là VNG sẽ rất khó thành hiện thực.

Thực tế, Việt Nam đã có kinh nghiệm trong cuộc đấu trí giữa chọn tư duy cũ, theo thói quen và tư duy sẵn sàng đón nhận xu hướng mới. Hơn 10 năm trước, dịch vụ OTT (ứng dụng được cung cấp trên nền tảng Internet) ra đời cũng đã châm ngòi cho cuộc tranh luận gay gắt giữa các nhà mạng di động và cơ hội của OTT. Đề xuất của các nhà mạng khi đó là muốn ngăn chặn ứng dụng này, do doanh thu từ tin nhắn, thoại của các doanh nghiệp bị cạnh tranh trực tiếp.

Song rất may, cái mới đã được các nhà quản lý chọn khi xây dựng thể chế. Nhờ vậy, các dịch vụ mới như Zalo, gọi điện miễn phí trên Internet… phát triển. Bản thân nhà mạng cũng thay đổi, bước vào giai đoạn phát triển mới ở tầm cao hơn.

Bài học cũ, nhưng còn nguyên giá trị.

Chìa khóa phát triển kinh tế số là tư duy không truyền thống
Với cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới đang ở điểm đứt gãy của quá trình chuyển đổi số. Đây là cơ hội cho Việt Nam hiện thực hóa khát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư