Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Chống đô-la hóa sẽ giúp ổn định tỷ giá
Thùy Vinh - 16/08/2018 08:56
 
Để ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá, cần kiên quyết chống đô-la hóa, hướng tới mục tiêu cuối cùng là chấm dứt huy động USD.
TIN LIÊN QUAN

Kiên quyết chống đô-la hóa để ổn định tỷ giá

Trước căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đồng nhân dân tệ giảm giá, trong khi USD tăng giá đang tạo áp lực lên tỷ giá tiền đồng (VND), đã có không ít ý kiến cho rằng, Việt Nam cần linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu. Thế nhưng, GS. Andreas Hauskrecht (Đại học Indiana, Mỹ) cho rằng, kiểm soát tỷ giá linh hoạt, ổn định là cần thiết, bởi nếu VND tăng giá sẽ làm hàng hóa Việt Nam tăng theo. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã hành động bằng cách mua vào ngoại tệ. Năm 2017, NHNN đã mua vào 12 tỷ USD và tiếp tục mua vào trong 8 tháng đầu năm nay. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay đã lên đến con số trên 65 tỷ USD.

.
.

Ông Andreas nhận định, với nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất từ trước đến giờ, NHNN có thể can thiệp thị trường bất cứ lúc nào. Dẫu vậy, theo ông Andreas Hauskrecht, không cần thiết phải làm điều đó, bởi tỷ giá VND tăng trong thời gian gần đây chủ yếu do tác động bởi yếu tố tâm lý.

Cũng theo ông Andreas Hauskrecht, để ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá..., Việt Nam cần kiên quyết chống đô-la hóa, với mục tiêu cuối cùng là chấm dứt huy động và cho vay bằng USD của hệ thống ngân hàng, thay vào đó là xây dựng thị trường mua - bán USD có tính thanh khoản.

Tiến tới chấm dứt huy động USD

Trên thực tế, ngân hàng các nước hiện cũng không nhận gửi các loại tiền tệ khác. Có thể nói, chống tình trạng đô-la hóa là việc cần thiết và phải kiên định. Trong quá khứ, tỷ giá VND được “neo” vào USD, nhưng trong thời gian tới, NHNN cần linh hoạt hơn, để tạo ra sự ổn định cho chính sách tiền tệ cũng như nền kinh tế Việt Nam.       

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, thời gian tới, cần chấm dứt việc gửi USD với lãi suất 0% và huy động USD trong dân.

NHNN  cho biết, trước đây, do lạm phát luôn ở mức cao, nên tình trạng đô-la hóa của Việt Nam ở mức báo động, cần kiểm soát. Lượng tiền gửi ngoại tệ so với tổng phương tiện thanh toán giai đoạn 2007 - 2011 ở mức trên 20%, thậm chí đầu những năm 90 của thế kỷ trước, tỷ lệ này ở mức tới 30 - 40%.

Hiện tượng mua bán, thanh toán và găm giữ ngoại tệ khá phổ biến, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và phi chính thức ở mức cao, tạo áp lực lớn cho thị trường ngoại hối chính thức và ảnh hưởng không nhỏ đến điều hành tỷ giá và tiền tệ của NHNN. Sự bất ổn về tỷ giá và thị trường ngoại hối trong giai đoạn này là một trong những nguyên nhân gây nên sự bất ổn về kinh tế vĩ mô.

Trước thực trạng đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ về hạn chế tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế, NHNN đã đưa ra gói giải pháp đồng bộ để ổn định thị trường ngoại hối, kiểm soát kỳ vọng tỷ giá và nâng cao vị thế của VND, trong đó có chính sách trần lãi suất tiền gửi USD ở mức 0%.

Từ sau khi áp dụng chính sách lãi suất tiền gửi USD 0%/năm, diễn biến tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm (tỷ lệ đô-la hóa giảm từ  11,06% năm 2014 xuống 8,21% vào thời điểm cuối năm 2017). Hệ thống tổ chức tín dụng chuyển từ bán ròng sang mua ròng ngoại tệ từ năm 2016, tạo điều kiện cho NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước.

Một chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá, về cơ bản, chính sách lãi suất tiền gửi USD 0%/năm không tác động bất lợi đến các luồng vốn vào như đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối. Luồng vốn vào ổn định và có sự tăng trưởng khả quan qua các năm. Kiều hối trong năm 2017 đạt 9,84 tỷ USD, tăng 10,76% so với năm 2016; thu hút vốn FDI và FII tiếp tục chiều hướng tích cực. Nhờ vậy, tỷ giá, thị trường ngoại tệ được giữ ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ của tổ chức và dân cư đã giảm đáng kể, lượng ngoại tệ bán cho hệ thống ngân hàng liên tục tăng, góp phần chuyển hóa nguồn lực ngoại tệ vào phục vụ sản xuất - kinh doanh.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, tỷ giá USD trên thị trường tự do đang tăng cao hơn so với tỷ giá trung tâm của NHNN, song NHNN có đủ nguồn lực để can thiệp linh hoạt vào tỷ giá. Dẫu vậy, theo ông Lực, tỷ giá tăng khoảng 3% trong năm nay là mức có thể chấp nhận được.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư