Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu trong xây dựng nông thôn mới
Thanh Huyền - 18/10/2018 19:35
 
Nắm vững thông tin, chủ động phòng chống thiên tai, thay đổi mô hình sinh kế sẽ giúp người dân nông thôn hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đạt được những kết quả khả quan trong xây dựng nông thôn mới.

“Làn sóng” trên mặt hồ Thác Bà

Trong vài năm trở lại đây, Yên Bái được biết đến là địa phương phải gánh chịu nhiều đợt thiên tai, gây thiệt hại nặng cả về người và tài sản. Do địa hình ở Yên Bái phân cắt mạnh, núi cao sườn dốc, hệ thống sông ngòi dày đặc, nên thiên tai xảy ra rất phức tạp, bất thường và khó dự báo. 

.
Nuôi cá trên hồ Thác Bà

Mặc dù vậy, Yên Bái vẫn là địa phương đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng nông thôn mới nhờ hướng đi bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến nay, 41 xã trên địa bàn tỉnh đã đạt 19 tiêu chí, 16 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 23 xã đạt từ 10-14 tiêu chí…, đem lại sự thay đổi rõ rệt cho bộ mặt nông thôn của tỉnh.

Tiêu biểu trong đó là mô hình nuôi cá lồng, nuôi cá trong eo ngách trên hồ Thác Bà, được đồng bào các dân tộc Cao Lan, Dao, Tày của huyện Yên Bình áp dụng và nhân rộng trong vài năm gần đây đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Thác Bà là hồ nhân tạo lớn, hình thành từ việc ngăn sông Chảy từ năm 1970 để làm thủy điện. Với diện tích hơn 19.000 ha mặt nước và gần 1.300 đảo lớn nhỏ, hồ Thác Bà thường tích đầy nước từ tháng 8 năm trước đến tháng 2 năm sau, sau đó nước rút dần để phục vụ phát điện, đổ ải vùng đồng bằng sông Hồng và đón lũ mới.

Do hồ có độ sâu hơn 40 m, có các đảo cây xanh, nước sạch và ổn định, nên việc tận dụng để nuôi trồng thủy sản rất thuận lợi. Cách đập thủy điện Thác Bà chỉ hơn 1 km là 55 lồng cá của Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật, Thông tin khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái, chuyên nuôi cá thương phẩm. Các lồng cá được đầu tư hiện đại, có đánh giá tác động môi trường, hằng năm xuất bán hàng trăm tấn cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng, cá trắm đen, cá lăng... ra thị trường và xuất khẩu đi các nước Nhật Bản, EU.

Theo ông Đào Văn Minh, quản lý trại cá, công nghệ nuôi cá bằng lồng sắt tròn chắc chắn hơn nhiều và nuôi được ở vùng nước rộng, dù sóng gió vẫn an toàn cho đàn cá. So với lồng cũ thì diện tích lồng mới rộng hơn, nuôi được nhiều hơn, khai thác dễ, cá bơi vòng tròn quanh lồng, vận động tốt hơn lồng vuông nên thịt cá chắc và ngon hơn.

Ông Lã Tuấn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình cho biết, qua việc thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến nay huyện Yên Bình có 2 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã và 170 hộ dân tham gia nuôi cá trên hồ Thác Bà, tạo công ăn việc làm cho hơn 300 lao động nông thôn. Huyện cũng đã xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận “Cá hồ Thác Bà” cho sản phẩm.

Biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và thiên tai. Trong bối cảnh Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động nông nghiệp, sống ở nông thôn cao và là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thì điều này sẽ ảnh hưởng, thậm chí kéo lùi những kết quả và giá trị mà Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được.

Người dân chủ động phòng ngừa kịp thời sẽ từng bước giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hướng tới xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thiết thực.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, nhóm giải pháp trọng tâm mà Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang xây dựng là triển khai mô hình chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai ở cấp cộng đồng, đồng thời thay đổi mô hình sinh kế, nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu.

Theo ông Tiến, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, một số địa phương đã thí điểm như làm trường học, nhà văn hóa không chỉ thuần túy là phục vụ cho mục đích giáo dục, văn hóa, mà còn hỗ trợ người dân khi thiên tai xảy ra làm nơi trú ngụ an toàn. “Quan điểm của chúng tôi là có cách tiếp cận tổng thể hơn, ngay từ quy hoạch, lập kế hoạch cho các thôn bản”, ông Tiến nói. 

Lấy thí dụ từ mô hình phòng chống xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, ông Tiến cho biết, có những vùng trước đây trồng 2-3 vụ lúa/năm, đến nay đã chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, hay trồng cây ăn quả thích ứng với xâm nhập mặn.

“Vấn đề là thay đổi nhận thức để người dân chủ động, coi biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội. Đồng thời, nếu người dân chủ động nắm vững thông tin, chủ động phòng ngừa kịp thời sẽ từng bước giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hướng tới xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thiết thực”, ông Tiến nhận định.

Xây dựng nông thôn mới tại Hà Tĩnh: Làng quê “thay áo” sau gần 8 năm
Gần 8 năm, tỉnh Hà Tĩnh bắt tay vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Cũng từ đó, nông thôn mới đi sâu vào nhận thức và hành động của mỗi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư