Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Chủ tịch FPT: "Toàn cầu hóa xuất phát từ nỗi sợ hãi"
Châu An (Vnexpress) - 12/08/2016 09:36
 
Ông Trương Gia Bình cho biết FPT từng phải trả giá, tiêu tốn cả triệu USD khi là người tiên phong, nhưng các startup (công ty khởi nghiệp) vẫn cần vượt qua nỗi sợ hãi và lao vào trận chiến.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT

Trong sự kiện Gặp gỡ VIA (Hiệp hội Internet Việt Nam) lần thứ hai diễn ra ngày 11/8 tại Hà Nội, ông Trương Gia Bình cho biết FPT đã thực hiện chiến lược toàn cầu hóa từ năm 1999 với hướng đi chính là xuất khẩu phần mềm. Sau 17 năm, FPT hiện có mặt tại 19 quốc gia với 1.134 cán bộ nhân viên là người nước ngoài.

"Toàn cầu hóa của FPT xuất phát từ nỗi sợ hãi. Những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, IBM lỗ hàng tỷ USD mỗi năm. Theo quy luật thông thường, ai vươn lên vị trí cao rồi cũng đi xuống, bị thay thế. Giai đoạn đó, FPT cũng đang ở vị trí hơi cao tại Việt Nam và chúng tôi hiểu cần làm gì đó để không tan rã", ông Bình chia sẻ. "Người Việt Nam thông thường nghĩ chuyện nhỏ, nhưng khi có đe dọa ở bên ngoài thì có thể nghĩ chuyện lớn. Chúng ta hòa nhập nhanh nhưng lại có nỗi sợ hãi. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói 'dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước', nhưng vế sau mới quan trọng là 'mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi'. Cái chúng ta thiếu ở đây là một không gian, muốn phát triển thì phải ra ngoài và đó chính là toàn cầu hóa".

Tuy nhiên, khi tiến ra nước ngoài, FPT vấp phải không ít khó khăn, đối tác nước ngoài luôn hỏi một câu đơn giản: Why Vietnam? (Tại sao chúng tôi nên chọn Việt Nam?).

"Chúng tôi khoe người Việt Nam thông minh, họ nói thế hóa ra người nước khác không thông minh. Tôi nói người Việt Nam đã giành nhiều giải cao khi thi Toán Olympic quốc tế, họ hỏi cái đó liên quan gì. Những ngày đầu tiên ấy, chúng tôi gặp nhiều khó khăn, tiêu hết cả triệu USD mà không được gì", ông Bình kể. "Giờ FPT đã có gần 10.000 người, nhưng câu hỏi khó nhất thực chất vẫn như ngày đầu: Tại sao lại là FPT, FPT có gì hay hơn so với Ấn Độ, Trung Quốc? Chúng tôi vẫn liên tục suy nghĩ về sự khác biệt của mình, và có vẻ chúng tôi đã tìm ra, đó là IoT (Internet vạn vật)".

Nhà đồng sáng lập FPT ví xu hướng IoT như một cơn giông bão vô cùng lớn đang đến. Trong cơn giống bão đó, một là như đà điểu rúc đầu xuống cát, hai là như chim ưng bay lên cao, con nào sẽ sống? Ông Bình cho rằng cả hai con đều chết, chỉ cách hành xử duy nhất là liên tục bắn các viên đạn nhỏ để xây dựng năng lực, tìm hướng đi thì mới bám trụ được.

Để thực hiện được điều đó, các công ty khởi nghiệp cần phải vượt qua nỗi sợ hãi cá nhân. "Cứ lao vào trận chiến, bỏ đi nỗi sợ hãi. Chúng tôi cũng bắt đầu từ nhóm rất nhỏ, từng ngồi chơi xơi nước hai năm trời", ông Bình khuyên. "Khi khởi nghiệp phải nghĩ thế giới sẽ dùng thế nào. Thứ các bạn thiếu là nền tảng để bay lên, thiếu kết nối, thiếu người chỉ dẫn và chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ".

Theo ông, một trong những phẩm chất quan trọng của khởi nghiệp là suy nghĩ: "Tôi sống chết với ý tưởng này. Khởi nghiệp nhiều lúc cần hy sinh. Sự hỗ trợ chỉ đến khi cần. Hỗ trợ sớm sẽ hỏng. Như nhóm Vật Giá từng ở nhờ trên gác xép, ba năm trời không lương, ăn mỳ gói, Khi bạn sống đầy đủ an toàn thì mất đi sự sắc sảo".

Trong nửa đầu năm 2016, doanh thu toàn cầu hóa của FPT tăng trưởng cao với mức 34%, đạt 2.713 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 31%, đạt 377 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp lớn nhất là từ lĩnh vực xuất khẩu phần mềm với doanh thu tăng 37% so với cùng kỳ năm trước.

Yếu tố then chốt để hút nhà đầu tư vào startup
Thị trường vẫn tồn tại một số nguồn tài trợ sẵn có nhưng sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Thống kê cho thấy, trong 3 năm đầu thành lập,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư