Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Chủ tịch Quảng Ngãi: Quảng Ngãi tạo đột phá chiến lược
Hoàng Thủy - 06/06/2015 08:18
 
Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, để tiếp tục phát triển bền vững, Quảng Ngãi sẽ thực hiện đồng bộ những giải pháp mang tính chiến lược.

Thưa ông, Quảng Ngãi đang có những đột phá như thế nào để phát triển kinh tế - xã hội?

Giai đoạn 5 năm, 2011-2015 sắp kết thúc, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song có thể khẳng định, kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi đã và đang tiếp tục phát triển, nhất là từ khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoàn thành, đi vào sản xuất. Đây là động lực giúp Quảng Ngãi vững bước trong năm 2015 và kế hoạch 5 năm tiếp theo (2016-2020).

 

Đứng trước những diễn biến phức tạp của của kinh tế, chính trị thế giới và tình hình khó khăn chung của nền kinh tế trong nước, Quảng Ngãi đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy trong điều hành, lãnh đạo.

Nhờ đó, bức tranh kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, là tiền đề quan trọng để Tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra cho Kế hoạch 5 năm 2011-2015. ­­Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2011 tăng 6,3% so với năm 2010. Đặc biệt, trong năm 2013, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước là 5,4% thì Quảng Ngãi đã vượt lên tốc độ tăng trưởng ở 2 con số là 12,8%. Dự kiến năm 2015 sẽ tăng 7% so với 2014. Trong khi đó, nếu GDP bình quân đầu người năm 2010 là 1.298 USD/người, thì đến năm 2014 đã tăng lên 2.211 USD/người và dự kiến năm 2015 là 2.410 USD/người.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Theo đó, năm 2010, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng; dịch vụ và nông - lâm nghiệp - thủy sản trong cơ cấu kinh tế của tỉnh lần lượt là 59,31%, 22,07% và 18,62%; năm 2014 tỷ trọng này lần lượt là 61,62%, 22,66%, 15,72% và dự kiến năm 2015 là 61,48%, 23,96% và 24,56%.

Để duy trì phát triển kinh tế - xã hội bền vững, Quảng Ngãi cần phải làm gì, thưa ông?

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2015 và tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững trong giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP giai đoạn này là 6,5%-7,5%/năm, Quảng Ngãi sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Trước tiên, hoàn thiện công tác quy hoạch và hệ thống các cơ chế chính sách. Thực hiện rà soát, điều chỉnh, ban hành mới các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sản phẩm, ngành, lĩnh vực, bảo đảm một cách đồng bộ, hiện đại và mang tính khả thi cao, làm cơ sở vững chắc cho công tác đầu tư phát triển cho cả giai đoạn 2016-2020.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu xây dựng hệ thống các cơ chế chính sách bảo đảm phù hợp với quy định chung của Trung ương và tình hình thực tiễn tại địa phương. Trong đó, chú trọng công tác xây dựng các cơ chế chính sách về ưu đãi, thu hút đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư, các chính sách về đất đai, về đầu tư công theo luật mới ban hành, các cơ chế chính sách về đào tạo, thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, làm cơ sở để đẩy mạnh xúc tiến và thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, Quảng Ngãi sẽ phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng sẵn có, tạo bước đột phá về phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp dầu khí và công nghiệp năng lượng. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm từ 3-4%/năm. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất (bao gồm cả Khu kinh tế Dung Quất mở rộng), để tận dụng thế mạnh về hạ tầng và lợi thế Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong việc thu hút đầu tư.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về các biện pháp của tỉnh để thu hút đầu tư?

Chúng tôi tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ VSIP; triển khai quyết liệt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng xây dựng khu tái định cư để bảo đảm quỹ đất sạch bàn giao cho nhà đầu tư xây dựng các dự án lớn như: Nhà máy Nhiệt điện Dung Quất; Nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu, dự án đưa khí vào bờ...

Ngoài ra, tỉnh rất chú trọng công tác xúc tiến đầu tư, xây dựng môi trường đầu tư cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch; nâng cao năng lực canh tranh cấp tỉnh. Tăng cường xúc tiến và thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các nước: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga... vào một số lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng, đô thị và những ngành có lợi thế của tỉnh, nhất là các ngành công nghiệp nặng, tận dụng được ưu thế của cảng biển nước sâu và hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất. Đồng thời, xúc tiến đón đầu các dự án công nghiệp phụ trợ của Nhật Bản đang có xu hướng di chuyển từ Nhật và Trung Quốc sang các quốc gia khác.

Đặc biệt, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng để tăng cường thu hút đầu tư, kinh doanh du lịch tại các khu, điểm du lịch. Ưu tiên đầu tư xây dựng điểm du lịch đảo Lý Sơn, Di tích Trường Lũy. Liên kết với các địa phương trong và ngoài tỉnh để quảng bá, phát triển ngành “công nghiệp không khói” này.

Bên cạnh đó, Quảng Ngãi cũng tập trung phát triển thương mại dịch vụ, nhất là dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Tập trung xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế và các khu công nghiệp; hoàn chỉnh quy hoạch đô thị, trọng tâm là đô thị thành phố Quảng Ngãi mở rộng, bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại, kết nối và bền vững.

Quảng Ngãi chuyển đổi đất trồng lúa để xây Nhiệt điện Dung Quất
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản xin chuyển đổi 43,2 ha đất trồng lúa để xây dựng Nhiệt điện Dung Quất và xây kè chống sạt lở.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư