Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 09 năm 2024,
Chủ tịch Quốc hội: Sửa Luật Đất đai cần đặc biệt tránh hợp thức hóa vi phạm
Nguyễn Lê - 22/09/2022 10:08
 
Theo Chủ tịch Quốc hội, kết quả sửa đổi Luật Đất đai là ví dụ sinh động cho việc có thực hiện tốt chủ trương chống tiêu cực trong xây dựng pháp luật hay không.
.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận.

Đặc biệt tránh hợp thức hóa những vi phạm hiện nay, không phải cứ có bất cứ đề xuất nào cũng đưa vào luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý khi ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 22/9.

Gợi ý để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ này của Quốc hội.

"Việc này lớn lắm. Kết quả cuối cùng của dự án luật này là ví dụ sinh động nhất để đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của các cơ quan Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan hữu quan, đánh giá giá năng lực thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; năng lực để kiến tạo phát triển, để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trước đây mà không đẻ ra khó khăn vướng mắc mới", ông Vương Đình Huệ phát biểu.

Theo Chủ tịch Quốc hội, kết quả sửa đổi Luật Đất đai cũng là ví dụ sinh động cho việc có thực hiện tốt chủ trương chống tiêu cực trong xây dựng pháp luật, cài cắm lợi ích trong công tác xây dựng pháp luật hay không.

"Đó là trách nhiệm của chúng ta. Tổng Bí thư nói rồi, giàu lên từ đất, nghèo đi vì đất, tranh chấp khiếu nại vì đất đai, cạn tàu ráo máng với nhau vì đất đai, tham nhũng từ đất đai, tù tội vì đất đai".

Sau nhấn mạnh trên, ông Vương Đình Huệ cho rằng lần sửa luật này, trách nhiệm của các cơ quan liên quan là rất lớn, phải cố gắng gấp bội các luật khác mới đáp ứng được.

Lưu ý tiếp theo của Chủ tịch Quốc hội là quá trình sửa đổi luật cần bám sát chủ trương của Đảng trong Nghị quyết 18,  từ chủ trương đó thể chế hóa bằng quy phạm pháp luật, không nhắc lại tinh thần lời văn của nghị quyết.

"Khi xây dựng Nghị quyết 18 có khoảng 19 nhóm vấn đề lớn khác nhau đặt ra cho ý kiến, nhưng cuối cùng Bộ Chính trị trình Trung ương gút lại 16 nhóm. Những vấn đề đã đặt ra mà chưa đủ cơ sở pháp lý, chưa đủ độ chín, chưa có kết luận của Trung ương thì chưa đưa vào luật này, anh nào đưa vào là vi phạm",  Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Theo ông Vương Đình Huệ, có những vấn đề không thể thực hiện được hoặc chưa đủ độ chín để Trung ương ra nghị quyết thì không đưa vào phương án để xin ý kiến, như thế là sai nguyên tắc.

Chủ tịch lấy ví dụ được quy định ở Điều 70 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, bao gồm cả các dự án khác được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý.

Cơ chế một dự án đang tự thỏa thuận là quan hệ về dân sự, giờ bảo 80% đồng ý rồi, còn 20% không đồng ý thì áp dụng cơ chế thu hồi đất, như vậy làm sao được. Dân sự là dân sự, hành chính là hành chính, không thể cộng vào để thu hồi đất, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

"Trung ương có chủ trương thế đâu, vì thỏa thuận là thỏa thuận, thu hồi là thu hồi", ông Huệ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội đồng thời nêu rõ quan điểm, sửa đổi Luật Đất đai lần này cần đảm bảo nguyên tắc nhất quán trên cơ sở kế thừa các quy định về đất đai qua các thời kỳ đã được chứng minh là đúng mà không có vấn đề gì.

"Sửa đổi nhưng đảm bảo tính thực tiễn. Tuyệt đối tránh hợp thức hóa những vi phạm hiện nay; những vấn đề mang tính hiện tượng, sự vụ, nhỏ lẻ. Không phải bất cứ đơn vị cá nhân A, B, C nào đề xuất thì đưa vào đây”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Vẫn theo ông Vương Đình Huệ, quá trình xây dựng luật cần tách bạch quan hệ đất đai mang tính công, đất đai mang tính chất tư (giao dịch, cho thuê, thừa kế, tặng, cho), phải tường minh, không lẫn lộn việc này sang việc kia.

Về áp dụng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần xem xét để làm sao vừa thể hiện Luật Đất đai là bộ luật cơ bản về đất đai nhưng cũng phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản về quy phạm pháp luật trong thực hiện pháp luật.

Lần sửa đổi này, giá đất và cơ chế tài chính về đất đai, theo Chủ tịch Quốc hội là khó nhất. Vì thế cần quy định để vận hành được trong thực  tế, khi bỏ khung giá đất rồi thì bảng giá đất ra sao, vai trò của HĐND thế nào, của các cơ quan tham mưu ra sao...

Định nghĩa thế nào về giá theo nguyên tắc thị trường còn mang định tính rất lớn, Chủ tịch Quốc hội nhận xét.

Phát biểu sau đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đồng tình với nhận xét của Chủ tịch Quốc hội là một số quy định chưa đủ rõ.

Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng,dự thảo Luật gần như kế thừa quy định Luật Đất đai năm 2013 theo hướng liệt kê cụ thể từng loại dự án cần thu hồi mà chưa thể hiện rõ mục đích, điều kiện, tiêu chí cụ thể để thu hồi đất như yêu cầu của Nghị quyết 18, ông Tùng nhận xét.

Cũng quan tâm đến thu hồi đất, một chế định quan trọng trong Luật Đất đai, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị  cần phải quy định chặt chẽ nội dung này, thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết 18-NQ/TW để đảm bảo tính minh bạch.

Bà Nga đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để quy định chặt chẽ hơn về nội dung thu hồi đất. Trong đó lưu ý nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể, tiêu chí cụ thể đến Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW; rà soát kỹ lưỡng các trường hợp thu hồi đất để đảm bảo tính chính xác và phù hợp tránh việc lạm dụng trong thực tiễn.

Luật Đất đai (sửa đổi) lên bàn Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 240 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 38 điều và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư