Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chủ tịch Quốc hội: Ưu tiên làm nhân sự ngay đầu kỳ họp thứ tư của Quốc hội
Nguyễn Lê - 12/10/2022 17:12
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ tư của Quốc hội khóa XV.
.
Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc phiên bọp thứ 16 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Chiều 12/10, trước khi bế mạc phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

Theo dự kiến chương trình, kỳ họp này sẽ  khai mạc vào ngày 20/10, bế mạc vào ngày 15/11.

Bên cạnh các công việc như thường lệ về xây dựng pháp luật, giám sát, quyết định các vấn đề kinh tế, xã hội, ngân sách... ở kỳ họp này, Quốc hội sẽ thực hiện quy trình miễn nhiệm, bầu và phê chuẩn các chức danh: Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải.

Công tác nhân sự được ưu tiên ngay từ đầu kỳ họp (hoàn thành vào chiều 21/10) để các vị mới được bầu và phê chuẩn còn trình các nội dung thuộc trách nhiệm của mình, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Về một số nội dung mới được đề xuất, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đối với tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15, nếu Chính phủ kịp hoàn thiện hồ sơ bảo đảm chất lượng thì sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp này; trường hợp không chuẩn bị kịp thì trình Quốc hội tại kỳ họp sau (kỳ họp thường lệ hoặc bất thường).

Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị chưa đưa vào dự kiến chương trình kỳ họp thứ tư để trình Quốc hội thông qua tại phiên họp trù bị.

Đối với nội dung về đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM Tổng Thư ký Quốc hội kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép kéo dài việc thực hiện Nghị quyết số 54 đến khi Chính phủ tổng kết toàn diện và đề xuất cơ chế mới vào kỳ họp sau (vào kỳ họp tháng 5/2023) và nội dung này sẽ được thể hiện trong Nghị quyết chung của kỳ họp.

Về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, Tổng thư ký nêu rõ, theo quy định tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022, nội dung này phải hoàn thành trong năm 2022. Tuy nhiên, do hiện nay, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 mới cho ý kiến định hướng, trên cơ sở đó Chính phủ sẽ phải chuẩn bị bảo đảm chất lượng, tính khả thi cao, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra, nên nội dung này đề nghị chưa đưa vào chương trình kỳ họp thứ tư.

Vẫn theo Tổng Thư ký, ngày 9/10/2022, Chính phủ có Tờ trình số 387/TTr-CP đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ tư theo ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội để kịp thời thể chế hóa Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm, bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ trong tổ chức thực hiện và nguyên tắc thượng tôn pháp luật.

Nội dung này đã được Ủy ban Pháp luật thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến tại phiên họp này. Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết này vào dự kiến chương trình kỳ họp thứ 4.

Đối với nội dung về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, ông Cường cho hay, do Chính phủ gửi tài liệu quá muộn không đảm bảo đủ thời gian để các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa kịp cho ý kiến. Vì vậy, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị chưa đưa vào dự kiến chương trình kỳ họp thứ tư.

Về thời gian bố trí phiên chất vấn, căn cứ chương trình công tác của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và đề nghị của đại biểu, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến bố trí phiên chất vấn trong 2,5 ngày (từ chiều ngày 3 đến ngày 5/11/2022).

Tại kỳ họp này, trong công tác lập pháp, Quốc hội xem xét thông qua 7 dự án Luật, 4 dự thảo Nghị quyết : Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi);  Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở;  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện;  Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) (theo quy trình tại 1 kỳ họp).  Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) (theo quy trình tại 1 kỳ họp), Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức. 

7 dự án luật cho ý kiến gồm:  Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 1); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi);  Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.

Bên cạnh các nội dung như thông lệ (nghe báo cáo và thảo luận về kinh tế, xã hội, ngân sách, chất vấn...) Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư