Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chủ tịch Tập đoàn Sao Mai cam kết "móc tiền túi để bù" nếu hộ nuôi cá tra liên kết với Tập đoàn bị lỗ
Phú Khởi - 15/03/2016 23:25
 
“Tại hội nghị khách hàng năm rồi tôi đã hứa nếu hộ nuôi cá liên kết với Tập đoàn Sao Mai mà bị lỗ, tôi sẽ móc tiền túi để bù, nhưng rất mừng là đến bây giờ tôi chưa phải bù lỗ cho ai cả !”, ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai đã mở đầu bài phát biểu của mình như thế tại hội nghị khách hàng năm 2016.

Ngon giấc vì không sợ lỗ

Ông Chương Văn Khanh, ở cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ, một trong 60 hộ nuôi cá liên kết với Công ty cổ phần đầu tư đa quốc gia (IDI)- thành viên của Tập đoàn Sao Mai cho biết, ông có 5 ha nuôi cá tra liên kết với IDI, năm rồi sản lượng đạt trên 2.000 tấn, lợi nhuận trên 2 tỷ đồng, tính ra mỗi tháng gia đình tôi có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Nhiều hộ nuôi cá giỏi được vinh danh tại hội nghị khách hàng
Nhiều hộ nuôi cá giỏi được vinh danh tại hội nghị khách hàng

Ông Huỳnh Thanh Bình, ở quận Thốt Nốt cũng có 5 ha ao nuôi cá liên kết với IDI chia sẻ: “Theo phong trào ở địa phương, hơn 10 năm trước ông đã đào 3 ao để nuôi cá tra, kể từ đó đến nay cuộc sống “thăng trầm” theo con cá tra. Ngày xưa ít người nuôi thì muốn bán đâu cũng được, bây giờ diện tích tăng lên quá nhiều, nếu nuôi mà không có địa chỉ đầu ra thì “chết chắc”. Chính tôi mấy năm trước cũng vì nuôi tự phát nên cũng bao phen “lên bờ, xuống ruộng” phải treo ao. Kể từ khi nuôi liên kết gia công cho IDI, mỗi vụ tôi tốn chút ít để vệ sinh ao nuôi và thả con giống, còn lại các chi phí khác đều do công ty lo, khi thu hoạch công ty trả tiền khoán gia công được gần 5.000đồng/kg nên kiếm cũng được vài tỷ. Nuôi gia công cho công ty mình phải lo gì về giá cả mà rất an tâm, nuôi tốt, cá lớn nhanh là hốt bạc”.

Ông Nguyễn Cao Phong, phụ trách phát triển vùng nguyên liệu của IDI cho biết,  mặc dù trong hai năm gần đây, giá cá tra liên tục sụt giảm, có lúc giá cá xuống dưới giá thành, nếu Công ty mua nguyên liệu bên ngoài về chế biến vào thời điểm đó  thì sẽ có lợi hơn về mặt giá cả (thấp hơn khoảng 2.000 đồng/kg, so với đầu tư nuôi). Theo tính toán, nếu trong năm 2015, Công ty chỉ cần giảm đầu tư vùng nuôi, tăng mua nguyên liệu bên ngoài 20% thì đã tiết kiệm chi phí nguyên liệu đến 18 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chủ trương của Công ty không vì cái lợi trước mắt mà phải có tầm nhìn dài hạn, cần xây dựng vùng nuôi bền vững. Với mô hình khoán nuôi gia công (cung cấp thức ăn, bao tiêu sản phẩm), chia sẻ lơi nhuận hợp lý hướng dẫn kỹ thuật tận tình đã kích thích những hộ nuôi tăng số lượng từ một hai ao ban đầu lên từ 10-12 ao hiện tại. Năm 2015, tổng diện tích nuôi liên kết với Công ty lên đến 142ha ( 154 ao) với sản lượng gần 50.000 tấn đáp ứng 80% nguyên liệu cho nhà máy.

Với mức giao khoán từ 4.600-4.800 đồng/kg thì hộ nuôi cá liên kết có lãi từ 900-1.500 đồng/kg. Như vậy, với sản lượng mỗi hộ ít nhất 800 tấn và nhiều nhất 4.000 tấn/năm thì mức thu nhập đạt từ 1-4 tỷ đồng/hộ/năm, tính ra mỗi hộ nuôi đạt mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng, đây là mức thu nhập “khủng” so với hộ làm nông nghiệp hiện nay.

Ngoài ra, từ khi chính thức đưa sản phẩm ra thị trường, nhãn hàng dầu cá Ranee ( tinh luyện từ mỡ cá tra) thành viên của Tập đoàn Sao Mai cũng đã quyết định trích lợi nhuận mỗi năm hàng tỷ đồng để trợ giá thêm 200 đồng/kg cá nguyên liệu cho những hộ nuôi cá giỏi chất lượng tốt, đây cũng là việc làm ý nghĩa nhằm khích lệ, động viên người nuôi cá gắn bó hơn với nghề nghiệp của mình.

“Nở nồi” nhờ con cá tra

Ông Nguyễn Hữu Khánh, Nguyên Bí thư tỉnh ủy An Giang, nguyên Chủ tịch Hiệp hội thủy sản Việt Nam- người có nhiều tâm quyết với con cá tra cho rằng, nghề nuôi, chế biến cá tra xuất khẩu đã hình thành 20 năm nhưng nhìn lại thì chúng ta đã làm được gì? Thị trường tiêu thụ không ổn định, doanh nghiệp lao đao, thu nhập của người nuôi cá rất bấp bênh, nhiều hộ đã phải “buôn tay” với con cá tra. Đó không phải là do con cá tra không có tiềm năng phát triển mà nguyên nhân chính là chúng ta tổ chức sản xuất chưa hợp lý, mạnh ai nấy làm, phát triển rời rạc, cạnh tranh theo kiểu đạp nhau để đi lên.

Trong bức tranh ảm đạm đó, cách làm của Tập đoàn Sao Mai như ánh sáng lóe lên ở cuối đường hầm. Với quy trình “liên kết phát triển nguyên liệu, rồi chế biến, tận dụng phụ phẩm tinh luyện dầu ăn cao cấp, sản xuất thức ăn thủy sản quay lại phục vụ cho nuôi trồng, nói chung là khép kín sản xuất như thế không chỉ tăng lợi nhuận mà còn đáp ứng được các quy định của nhà nhập khẩu, đây là xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới.

Ông Lê Hoàng Vũ, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Đồng Tháp đánh giá rất cao mô hình nuôi cá liên kết và khép kín chuỗi sản xuất của Công ty IDI và cho  rằng hướng đi của Tập đoàn Sao Mai đáng được điển hình và nhân rộng, mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết như thế sẽ tạo nên chất lượng sản phẩm đồng bộ, giảm giá thành, tăng lợi nhuận, chia sẻ rủi ro. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới thì sự liên kết trong sản xuất như thế là xu hướng tất yếu, sống còn của doanh nghiệp.

Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch Tập đoàn Sao Mai cho biết, trong năm 2016, Tập đoàn Sao Mai sẽ đưa nhà máy thức ăn thủy sản Sao Mai công suất 360.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng vào hoạt động, đáp ứng nguồn thức ăn cho vùng nuôi của nhà máy và cung ứng cho thị trường, đóng góp vào doanh thu cho tập đoàn khoảng 3.500 tỷ đồng.Trong thời gian hoàn thiện nhà máy này, Tập đoàn đã thuê nhà máy để sản xuất nhằm cung cấp cho các vùng nuôi đồng thời cũng tập dượt cho đội ngũ quản lý vận hành nhà máy mới. Dự án nằm trong chiến lược đầu tư chiều sâu trong lĩnh vực nuôi trồng – chế biến thủy sản của Tập đoàn, là một bước tiến trong lộ trình khép kín sản xuất ngành hàng cá tra, nâng cao chuỗi giá trị hướng đến sự phát triển bền vững, tạo nền tảng vững chắc đón đầu cơ hội kinh doanh khi "cánh cửa" TPP chính thức được mở ra. Tập đoàn cũng đã lên kế hoạch đầu tư phòng thí nghiệm ương tạo giống, tiến tới chủ động về nguồn cung cấp con giống cho các vùng nuôi, ông Thuấn tiết lộ.

Ông Lê Văn Cảnh, Phó tổng giám đốc IDI cho biết, sản phẩm thủy sản xuất khẩu của IDI đã vươn rộng ra đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, IDI tiếp tục được FSIS (Cơ quan thanh tra an toàn thực phẩm – Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) cấp phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Cuối năm 2015, IDI vừa đưa vào vận hành nhà máy chế biến thủy sản thứ 2, có công suất 300 tấn/ngày. Do đó, nhu cầu về nguồn nguyên liệu sẽ tăng gấp đôi (600 tấn ngày cho cả 2 nhà máy 1và 2). Định hướng trong thời gian tới Công ty vẫn tiếp tục mở rộng diện tích nuôi liên kết với các chính sách hỗ trợ bao tiêu ngày càng hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, Công ty cũng sẽ đầu tư hầm nuôi mới tại huyện Thanh Bình- tỉnh Đồng Tháp với quy mô giai đoạn I là 13ha.

Tập đoàn Sao Mai hiện có 12 công ty thành viên với tổng vốn điều lệ hơn 4.400 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 7.000 lao động, trong đó phần lớn làm việc trong lĩnh vực liên quan đến thủy sản.

10 điểm nhấn của Sao Mai Group trong năm 2015
Năm 2015 đã khép lại trong bối cảnh nền kinh tế còn rất nhiều thách thức, cộng đồng doanh nghiệp trong nước hoạt động gặp nhiều khó khăn....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư