Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chủ tịch, Tổng giám đốc Vietravel hé lộ kế hoạch lập hãng hàng không
Hải Hà - 02/05/2019 16:33
 
Riêng ngành du lịch có tới 90% doanh nghiệp tư nhân đang tham gia phát triển. Thị trường cũng đang chứng kiến việc các doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu mở rộng lĩnh vực kinh doanh, riêng việc lấn sân sang lĩnh vực hàng không, sau Thiên Minh, Vietravel đã sẵn sàng cho một hãng hàng không của riêng mình.

Liên quan tới nội dung này, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Vietravel đã dành riêng cho phóng viên Baodautu.vn cuộc phỏng vấn liên quan tới nội dung này.

.
Ông Kỳ khẳng định, khi ra nhập thị trường hàng không sẽ đảm bảo đầy đủ các điều kiện về máy bay khai thác, bộ máy, vốn, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm theo quy định.

Được biết, Vietravel đang có kế hoạch  mở hãng hàng không? Vậy đâu là lý do khiến doanh nghiệp nhảy vào cuộc chơi lớn hơn việc chỉ kinh doanh du lịch thuần túy?

Khi khai thác sản phẩm du lịch, phương tiện vận chuyển luôn là vấn đề cốt cõi. Trong đó, vận chuyển bằng đường hàng không luôn chiếm tỷ trọng cao, đặc biệt đối với các tour liên tuyến trong nước và tour du lịch nước ngoài gần như 80% hành trình sử dụng đường hàng không để vận chuyển khách.

Trên thực tế, các doanh nghiệp lữ hành đang gặp khó đối với các thị trường các điểm đến du lịch không có sự kết nối phương tiện vận chuyển, như thiếu vắng đường bay thẳng dẫn đến phải quá cảnh, thời gian hành trình kéo dài, tần suất tổ chức tour không nhiều do một số khách ngại việc bay nối chuyến nhiều lần; chi phí dịch vụ cao dẫn đến giá tour bán ra không hấp dẫn.

Trong khi đó, vận chuyển hàng không cần sự linh hoạt tối đa, để thỏa hành trình bay và giá trong thời gian cao điểm du lịch. Việc không có đường bay thẳng cũng khiến doanh nghiệp lữ hành bị động khi đặt vé máy bay, phải chia đoàn khách làm hai vì máy bay không còn đủ chỗ trống trong mùa cao điểm. Nếu chỉ có một hãng hàng không khai thác đường bay đến một nơi, cũng sẽ khiến giá thị trường thiếu cạnh tranh.

Đây là những nguyên nhân chính yếu tác động tới việc doanh nghiệp lữ hành buộc phải nghiên cứu, xây dựng kế hoạch dài hạn, gia nhập vào thị trường hàng không Việt Nam nhằm mang tới cho khách hàng các sản phẩm đa dạng, đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng.

Bên cạnh đó là những thuận lợi có thể kể tới như cơ sở hạ tầng vận chuyển hàng không đã cải thiện, nhiều chính sách tích cực liên quan tới mở cửa bầu trời, các chính sách phù hợp về visa… cũng như xu hướng đầu tư đội bay riêng của các doanh nghiệp du lịch thế giới mà các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam phải tham khảo, học hỏi.

Ngoài các nguyên nhân, hệ quả cũng như xu hướng thế giới; hiện dịch vụ vận chuyển của công ty đã đủ lớn mạnh, nên Vietravel cần chủ động và chuyên nghiệp hơn và xác định cần đưa vào khai thác vận chuyển hàng không tư nhân.

Trước đó, thông tin trên báo giới có khẳng định, nếu được thành lập, Vietravel sẽ chỉ khai thác dịch vụ bay “thuê bao nguyên chuyến” sẽ sử dụng các nguồn cung ứng có sẵn từ những hãng hàng không khác cho dịch vụ này. Tuy nhiên, câu chuyện là hiện tại, Vietravel vẫn đang khai thác rất tốt loại hình dịch vụ này? Tại sao lại cần có hãng bay riêng khi vốn tối thiểu để mở hãng bay theo yêu cầu phải đạt tới 300 tỷ khi khai thác 10 tàu bay?  

Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện có 68 hãng nước ngoài từ 25 quốc gia/vùng lãnh thổ cùng 5 hãng nội địa là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco và Bamboo Airways đang khai thác thị trường hàng không Việt Nam.

Năm 2018 cũng là năm chứng kiến nhiều hãng bay quốc tế liên tục mở thêm những đường bay mới tới Việt Nam.

Cụ thể, giữa tháng 11/2018, Edelweiss Air của Thụy Sĩ mở chuyến từ Zurich tới TP HCM với tần suất hai chuyến một tuần. Cũng trong tháng 11, Air Asia đã mở tuyến Kuala Lumpur (Malaysia) - Phú Quốc với tần suất bốn chuyến một tuần. Đến 19/12, Qatar Airways đã có chuyến bay thẳng bằng Boeing B787 đến sân bay Đà Nẵng. Ba ngày sau đó, Jeju Air (Hàn Quốc) mở tuyến nối Đà Nẵng với Daegui với tần suất 7 chuyến mỗi tuần.

Riêng Hàn Quốc có tới 7 hãng hàng không đang hoạt động ở Việt Nam gồm Korean Air, Asiana Airlines, Jeju Air, Air Busan, Jin Air, Eastar Jet, T'way Air.

Trong khi đó, theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam trong những năm qua đã trở thành thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, dự kiến sẽ đạt 150 triệu lượt khách vào năm 2035. Xu hướng thế giới cũng cho thấy, các hãng du lịch lớn nước ngoài đang hoàn thiện hệ sinh thái kinh doanh du lịch của họ với việc đầu tư đội bay riêng.

So với quy mô dân số gần 100 triệu dân và lượng khách du lịch quốc tế tăng đều hằng năm và đạt mức 15,5 triệu lượt khách, việc Việt Nam có 5 hãng hàng không là còn ít. Do đó, tôi vẫn nhìn thấy nhiều tiềm năng cho thị trường này.

Vậy ông có dự định đầu tư bao nhiêu tàu bay? Lý do nào khiến ông lựa chọn Thừa Thiên Huế làm nơi đặt trụ sở cho hãng hàng không của mình?

Là địa phương có nhiều di sản, thắng cảnh đẹp, tỉnh Thừa Thiên - Huế từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Với việc hoàn thiện đề án thành lập Công ty Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines), có trụ sở đặt tại tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ giúp Vietravel khai thác tốt các tiềm năng thị trường du lịch Huế. Một điểm khác là, hàng không tại Huế còn nhiều cơ hội để phát triển.   

Chắc chắn khi gia nhập kinh doanh vận tải hàng không, Vietravel sẽ xúc tiến các nội dung triển khai phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không, đáp ứng các điều kiện về phương án bảo đảm có máy bay khai thác, tổ chức bộ máy, vốn, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm theo quy định.

Khác với dịch vụ của các hãng bay thương mại phải duy trì chuyến bay trong mọi hoàn cảnh, Vietravel sẽ linh động các tuyến bay theo nhu cầu di chuyển của hành khách để tiết giảm chi phí, không bắt buộc sân bay lớn nhỏ, trong hay ngoài nước, chủ yếu các tuyến ngắn phục vụ các tour lữ hành, những nơi mà các hãng hàng không thương mại khó bay đến vì lượng khách quá nhỏ để thu hồi chi phí. Việc lựa chọn thành lập hãng bay theo mô hình charter sẽ giúp Vietravel tăng khách du lịch nhưng không tốn chi phí đầu tư hàng không nhiều.

Song song đó, Vietravel hướng tới đầu tư hoàn thiện, hình thành mạng lưới 13 văn phòng đại diện ở các thị trường nước ngoài, sẽ là những điểm kết nối (hub) cho dịch vụ lữ hành và vận chuyển hành khách trong tương lai.

Vậy hàng không có phải là yếu tố quyết định cho phát triển du lịch không? Theo ông, chính sách liên quan tới phát triển lĩnh vực đặc thù này cần thực hiện ra sao để tạo đà cho du lịch phát triển?

 Thực tế, Vietravel đã thực hiện nhiều chuyến bay charter theo diện hợp đồng. Tính trong năm 2018, Vietravel thực hiện gần 300 chuyến bay charter để vận chuyển hành khách theo hợp đồng thuê bao chuyến với các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet và Jestar Pacific. Trong năm 2018, Vietravel đón 852.000 lượt khách, tăng 10% và đạt doanh thu 7.476 tỉ đồng, tăng 18% so với năm trước. Dự kiến công ty sẽ đạt 930.000 lượt khách trong năm 2019 để phấn đấu trong nhóm đầu châu Á; bước tiến xa hơn là đứng vào top 10 châu Á vào năm 2025. Trong đó, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của hàng không trong quá trình xác lập hiệu quả kinh doanh du lịch.

Có thể thấy rằng hiện Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển ngành hàng không.Tuy nhiên tốc độ phát triển hạ tầng hàng không hiện nay tạm thời chưa theo kịp lực cầu tăng, dẫn đến việc nhiều sân bay bị “nghẽn” trong những giai đoạn cao điểm.

Tại thời điểm này, không chỉ các sân bay lớn như sân bay Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP. HCM), mà một số sân bay địa phương lớn tại Đà Nẵng, Cam Ranh, Quy Nhơn hay Quảng Bình… cũng quá tải cục bộ khi lượng khách đột ngột tăng vọt.

Theo báo cáo năm 2018, sân bay Tân Sơn Nhất công suất 28 triệu hành khách/năm nhưng đã đón hơn 38,3 triệu hành khách, sân bay Cam Ranh công suất khoảng 6,5 triệu hành khách/năm nhưng đã đón 8,2 triệu hành khách, sân bay Đồng Hới công suất 400 nghìn hành khách nhưng đã thông qua gần 800 nghìn lượt hành khách. Tình trạng này tạo ra áp lực đến hạ tầng hàng không nói chung, có thể dẫn đến nhiều vấn đề như chậm chuyến, hủy chuyến…, khiến hành khách gặp phiền toái.

Để bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng nói trên, quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, chính phủ Việt Nam phê duyệt sẽ có 26 sân bay với tổng mức đầu tư 10,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, làm sao nâng cao công suất các cảng hàng không và nới quy mô phát triển đội tàu bay trong vòng 3 năm tới mới là hai điều kiện cần để mở ra cơ hội cho thị trường hàng không phát triển.

Ngoài ra chúng ta cần phải cân bằng cán cân thị trường hàng không bằng cách mở rộng đầu tư, tăng cường thành lập các hãng hàng không nội địa, tận dụng tốt nhất những ưu thế sẵn có trên sân nhà đến từ chính người dân, du khách người Việt, hành lang pháp lý nhà nước; tiếp thu nhanh nhất xu hướng đa dạng hóa cung cấp dịch vụ vận chuyển, đầu tư vào các đội bay riêng của các công ty lữ hành có đủ tiềm lực, vật lực - đang ngày càng hoàn thiện hệ sinh thái của mình để bước ra thế giới.

Khai thác dư địa thị trường hàng không nội địa: Vùng vẫy trong khung trời hẹp
Dù được đánh giá là còn nhiều dư địa phát triển, nhưng sân chơi thị trường hàng không nội địa ngày một khắc nghiệt, không dễ tìm kiếm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư