Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 02 tháng 08 năm 2024,
Chủ tịch UBND TP.HCM: Sở này lấy ý kiến sở khác khiến mọi việc vẫn trôi đi
Trọng Tín - 01/08/2024 16:56
 
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng Thành phố đã đề ra các mốc thời gian cho công việc nhưng sở này lấy ý kiến sở khác, mọi việc vẫn trôi đi.

Chiều 1/8, UBND TP.HCM tổ chức họp phiên thường kỳ tháng 7/2024 về kinh tế xã hội. Tại cuộc họp, ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho biết, các chỉ số trong tháng 7 đã chứng tỏ nền kinh tế Thành phố và cả nước đang phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Hiện có 2 kịch bản. Thứ nhất, Thành phố sẽ giữ mục tiêu tăng trưởng 7,5 - 8% trong năm nay để tạo tiền đề tăng trưởng 8 - 8,5% trong năm sau. Kịch bản thứ 2 là Thành phố giữ mức tăng trưởng 7 - 7,5%.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị Văn phòng UBND Thành phố kiểm tra lại và có văn bản nhắc nhở lần một, nếu tiếp diễn thì sẽ phê bình thủ trưởng các đơn vị. Ảnh: TTBC

Để đạt được mức tăng trưởng 7,5%, trong quý III, IV, đòi hỏi Thành phố sẽ phải nỗ lực lớn. Các điểm nghẽn rõ nét vẫn là tỷ lệ giải ngân đầu tư công, khả năng hấp thụ vốn, hay thúc đẩy xuất nhập khẩu còn nhiều vấn đề.

Theo ông Vũ, dựa trên những vấn đề đặt ra, UBND Thành phố đã có dự thảo Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm và thường xuyên trong tháng 7, tháng 8 và thời gian tới.

Các nhiệm vụ trọng tâm dự kiến là tập trung cho giải ngân đầu tư công, hấp thụ vốn, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án trọng điểm; cải cách hành chính và phân cấp, ủy quyền; đẩy mạnh chi tiêu công, mở rộng thị trường; bảo vệ môi trường và tìm kiếm động lực tăng trưởng mới.

Dựa trên các mục tiêu điều hành, dự thảo Chỉ thị có 7 nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, nhóm đầu tiên tập trung vào giải ngân đầu tư công và tăng cường khả năng hấp thụ vốn đầu tư.

Nhóm 2 là giải pháp cải cách hành chính và triển khai quyền hạn đã được phân cấp, ủy quyền của Thành phố trong Nghị quyết 98, cụ thể hơn là Nghị định 84 của Chính phủ.

Nhóm 3 là thúc đẩy chi tiêu công hiệu quả và đẩy mạnh tiêu dùng cũng như bình ổn thị trường. Nhóm 4 tập trung vào hoạt động xuất nhập khẩu. Nhóm 5 là về bảo vệ môi trường, thúc đẩy các dự án phục vụ an sinh xã hội.

Nhóm 6 là nhóm thúc đẩy động lực tăng trưởng mới. Nhóm 7 là ngoại giao kinh tế, hợp tác quốc tế.

Ông Vũ nhìn nhận, trong 7 nhóm này, sở, ban, ngành đóng vai trò rất quan trọng. Hiện Viên Nghiên cứu phát triển Thành phố đang tiếp tục ghi nhận các ý kiến từ các sở, ngành, đơn vị để hoàn thiện và trình UBND Thành phố ký ban hành.

Tại phiên họp, một trong những vấn đề quan trọng được lãnh đạo UBND Thành phố đề cập tới là siết chặt kỷ cương công vụ. Bởi thời gian qua, việc cụ thể hóa các kết luận, chỉ đạo các nội dung diễn ra chưa như kỳ vọng.

Ông Mãi cho biết, khi Thành ủy Thành phố sơ kết 6 tháng đã có nghị quyết và kết luận. Sau đó, UBND Thành phố cũng có văn bản số 3843 gửi thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện để cụ thể hóa các nội dung này.

Tuy nhiên, đến nay, về cơ bản thì các sở, ngành chưa thực hiện.

Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh, các nghị quyết, kết luận nêu trên là những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện từ nay đến hết nhiệm kỳ, các mục tiêu chính và giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu. Do đó, các đơn vị cần rà soát lại để cụ thể hóa và thực hiện.

“Thành phố đã đề ra các mốc thời gian cho công việc nhưng sở này lấy ý kiến sở khác, mọi việc vẫn trôi đi. Chúng ta phải siết chặt kỷ cương trong công việc, đầu tiên là thành viên UBND TP.HCM, người đứng đầu các sở, ngành", ông nói và đề nghị Văn phòng UBND Thành phố kiểm tra lại và có văn bản nhắc nhở lần một, nếu tiếp diễn thì sẽ phê bình các thủ trưởng.

Đề cập đến Chỉ thị mà ông Trương Minh Huy Vũ vừa trình bày, Chủ tịch Phan Văn Mãi nói Chỉ thị này nối tiếp Văn bản 3843. Văn bản 3843 đề cập đến những trọng tâm nhiệm vụ để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 11, còn Chỉ thị là thúc đẩy tăng trưởng từ động lực đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.

Cần dồn lực gỡ khó cho doanh nghiệp

Trong báo cáo thường niên “kinh tế TP.HCM phục hồi và thách thức” nhóm chuyên gia đến từ Trường Đại học kinh tế TP.HCM và Cục Thống kê Thành phố đánh giá có nhiều chỉ số cho thấy các doanh nghiệp nội địa đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và chưa có đầu hiệu hồi phục vững chắc trong hoạt động đầu tư.

Do vậy, trong những tháng cuối năm 2024, Thành phố cần phải tập trung nguồn lực để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp quốc nội nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân.

Cụ thể, trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có nhiều tài sản cầm cô giá trị sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng để duy trì và đầu tư mờ rộng sản xuất kinh doanh. Trong khuôn khổ chức năng của mình, Thành phố cần phải tìm ra những giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng.

Tiếp tục đẩy mạnh cái cách thủ tục hành chính để giảm thiểu thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong việc đăng ký đầu tư, sản xuất và kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản.

Thành phố cần phải nỗ lực hết sức trong các tháng cuối năm để giải ngân đầu tư công nhanh hơn, đặc biệt là các công trình, dự án trọng điểm. Bên cạnh đóng góp trực tiếp của các khoản chi đầu tư công vào tăng trưởng kinh tế, việc hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm sẽ góp phần giảm thiểu chi phí sản xuất kinh doanh và gia tăng lợi nhuận, từ đó góp phần thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Bảng giá đất mới của TP.HCM vẫn đang thấp hơn giá thị trường
Do từ ngày 1/8 không còn áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K), nên TP.HCM buộc phải điều chỉnh lại bảng giá đất để áp dụng, và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư