Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Chưa có Luật Đăng ký tài sản, khó "đụng" vào tài sản bất minh
Nguyễn Lê - 24/10/2021 14:01
 
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí hồi âm ý kiến đại biểu về thu hồi tài sản tham nhũng.
.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí phát biểu cuối phiên thảo luận.

Nếu chưa có Luật Đăng ký tài sản thì với các tài sản đối tượng tham nhũng nhờ người khác đứng tên xe ô tô, nhà đất…  sẽ không “đụng” vào được, dù nguồn gốc tài sản đó là bất minh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí hồi âm ý kiến đại biểu về thu hồi tài sản tham nhũng.

Sáng 24/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về các báo cáo tư pháp, báo cáo phòng, chống tham nhũng...Một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm là tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt quá thâp.

Thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, chỉ được 5%, trong khi năm 2020 con số này là 43,42%. Báo cáo của Chính phủ cũng không thấy đề cập nguyên nhân tại sao việc thu hồi tài sản tham nhũng giảm nhiều như vậy, có phải là do số vụ việc thi hành không đủ điều kiện thi hành hay do nguyên nhân khách quan dịch bệnh không thi hành được, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Bến Tre) đặt vấn đề.

Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết thời gian qua với chủ trương của Đảng và quyết tâm chính trị đã yêu cầu các cơ quan tố tụng phải làm tốt hơn nữa công tác thu hồi tài sản tham nhũng và thất thoát của nhà nước.

“Những năm gần đây chúng ta đã làm tốt hơn, tích cực hơn. Tuy nhiên so với yêu cầu chúng ta vẫn chưa hài lòng. Vì rõ ràng cái mất và cái lấy lại chưa tương xứng”, ông Trí nói.

Theo Viện trưởng, vấn đề đặt ra là dù có quyết tâm kê biên, thu hồi thì cũng phải theo pháp luật hiện hành. Mà, hệ thống pháp luật hiện hành không phải lúc nào cũng cho phép niêm phong, kê biên được, nhất là khi các cơ quan còn phải chịu trách nhiệm bồi thường của nhà nước. 

“Kê biên không đúng người ta có quyền khởi kiện chúng ta. Làm thì khẩn trương, quyết tâm chính trị nhưng cũng phải chặt chẽ, chính xác. Hệ thống pháp luật hiện nay thì phải tiếp tục rà soát để hoàn chỉnh, hoàn thiện hơn. Không phải dễ gì muốn thu là thu”,  ông Trí nhấn mạnh.

Sau đó, Viện trưởng thông tin là tại hội nghị tổng kết 8 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng, ông đã đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật Luật Đăng ký tài sản.

“Hiện chúng ta mới kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị chúng ta thôi, còn đối tượng ngoài xã hội đang đứng tên, chiếm hữu tài sản, có chứng minh nguồn gốc hợp pháp hay không thì chúng ta còn bỏ một khoảng trống rất lớn ngoài xã hội”, ông Trí nói và cho rằng nếu chưa có Luật Đăng ký tài sản thì các đối tượng có thủ đoạn che giấu, ẩn nấp, nhờ người khác đứng tên xe ô tô, nhà đất…  sẽ không “đụng” vào được, dù biết không giải trình được nguồn gốc tài sản đó là bất minh nhưng chúng ta cũng không làm gì được.

“Không có luật thì còn là một khoảng trống hết sức khó khăn”, ông Trí nói tiếp.

Ngoài ra, ông Trí cũng kiến nghị Chính phủ nên có lộ trình cho việc hạn chế sử dụng tiền mặt ở mức độ ngày càng cao hơn, các hoạt động kinh tế minh bạch thì chống tham nhũng, thu hồi tài sản mới tốt được.

“Quyết tâm chính trị nhưng vừa làm vừa lo. Không thu không được nhưng thu cũng không được, sợ người ta kiện. Kê biên không đúng người ta kiện, phải xác minh mà trong quá trình xác minh tài sản bị tẩu tán mất rồi”, ông Trí phân trần với Quốc hội.

Viện trưởng quả quyết, “thời gian qua các cơ quan tố tụng, các khâu tố tụng đều quan tâm việc này. Thu rất tốt nhưng kết quả vẫn không đạt. Không đạt không có nghĩa là không làm mà do vướng những vấn đề trên”, ông Trí nói và một lần nữa đề nghị hoàn thiện pháp luật hiện hành và hoàn thiện pháp luật về đăng ký tài sản.

Trong 10 phút phát biểu, Viện trưởng Lê Minh Trí nêu việc gần đây có một số đối tượng có hành vi thông qua hoạt động từ thiện, tranh chấp nhau, xung đột, có hành vi lợi dụng mạng xã hội gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục, gây phản cảm trong đời sống xã hội.

“Theo điều  331 Bộ luật Hình sự là tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân”- ông Trí nói và cho biết thời gian tới các cơ quan tố tụng sẽ xem xét hành vi này, xử lý làm sao để bảo đảm trật tự kỷ cương của xã hội.

Một vấn đề nữa cũng được Viện trưởng đề cập, đó là trước đó một số đại biểu nhắc cơ quan tố tụng chú ý xem xét xử lý các vụ án bị kéo dài như vụ án Hồ Duy Hải, vụ  sản xuất phân bón của công ty Thuận Phong (Đồng Nai) và vụ gỗ trắc (Quảng Trị).

“Với trách nhiệm của các cơ quan tố tụng, mỗi cơ quan có phần trách nhiệm giải trình của mình. Riêng với trách nhiệm của VKS, Viện trưởng đã chuẩn bị khá đầy đủ những nội dung có liên quan đến vấn đề này. Do thời gian có hạn, Viện trưởng chỉ muốn báo cáo lại, có những việc chúng tôi đang xin ý kiến cấp có thẩm quyền. Có những vụ  việc, vụ án, chúng tôi đang tiến hành các biện pháp tố tụng điều tra, làm rõ theo đúng luật định. Khi có kết quả chúng tôi sẽ thông tin đầy đủ đến cho đại biểu”, ông Trí cho biết.

Viện trưởng Lê Minh Trí kiến nghị xây dựng Luật Đăng ký tài sản
Viện trưởng Lê Minh Trí kiến nghị Quốc hội bổ sung xây dựng Luật Đăng ký tài sản vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư