Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chứng khoán châu Á có giữ được xu hướng tăng giá?
Tư Thuần - 22/02/2023 17:09
 
Thị trường châu Á liệu còn khả năng giữ xu hướng tăng, sau những phiên điều chỉnh gần đây, với mức giảm hơn 5% kể từ đỉnh mới đạt được vào tháng 1/2023?

Đánh mất xu hướng tăng?

Đà tăng của khu vực châu Á trong thời gian qua được hỗ trợ từ kỳ vọng thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại. Theo đó, các thị trường chứng khoán châu Á bước vào thị trường giá tăng (bull market) vào tháng 1/2023 khi chỉ số chung thị trường MSCI châu Á – Thái Bình Dương tăng 20%. Vậy nhưng kể từ đỉnh tháng 1/2023 tới nay, chỉ số này đã quay đầu giảm hơn 5%.

Trong bối cảnh này, các nhà kinh tế tại Nomura cho rằng, chỉ số chung vẫn còn dư địa để tiếp tục tăng trưởng. Chetan Seth, chiến lược gia thị trường chứng khoán khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Nomura cho rằng, chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương sẽ kết thục năm ở mức 700 điểm, cao hơn 8% so với mức kết thúc phiên giao dịch ngày 22/2/2023.

“Chúng tôi cho rằng, định giá của cổ phiếu châu Á vẫn ở mức khiêm tốn. PE thị trường châu Á – Thái Bình Dương đang ở 12,9 lần, so với thị trường Mỹ là 18,5 lần”, Chetan Seth đánh giá.

Diễn biến chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) trong 6 tháng qua

Đồng quan điểm, JPMorgan dự báo, chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) sẽ kết thúc năm ở 700 điểm.

“Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương sẽ thử nghiệm lại các ngưỡng hỗ trợ trong năm 2023 trong quý II. Một số dự báo cho thấy có nhiều khó khăn trong quý III, nhưng sau đó thị trường sẽ hồi phục vào cuối năm, phản ánh kỳ vọng tăng trưởng cho năm tiếp theo”, Wndy Liu, chiến lược gia trưởng thị trường chứng khoán châu Á tại JPMorgan chia sẻ.

Nhiều yếu tố khó đoán định phía trước

Mối lo ngại suy thoái kinh tế đối với khu vực châu Âu và Mỹ có phần mờ nhạt hơn, tuy nhiên lo lắng là hiện hữu khi các ngân hàng trung ương mạnh tay nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát. Các yếu tố bất ổn trong quá trình Trung Quốc chuyển trục từ zero-Covid sang mở cửa cũng sẽ xuất hiện.

Tuy nhiên, xét riêng thị trường châu Á, có nhiều lý do để các chuyên gia kinh tế kỳ vọng vào đà tăng của thị trường. Minyue Liu, chiến lược gia đặc biệt với hoạt động đầu tư tại thị trường châu Á và các nền kinh tế mới nổi tại BNP Paribas cho rằng, định giá ở mức thấp, các yếu tố vĩ mô ổn định và tâm lý nhà đầu tư tích cực sẽ tạo lực hỗ trợ giúp chứng khoán châu Á chống trọi trước các biến động ngắn hạn.

Đáng chú ý, các chính sách của thị trường Trung Quốc tiếp tục là “chìa khoá” thúc đẩy tăng trưởng của thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương.

Tina Teng, chuyên gia phân tích tại CMC Markets cho biết, đà giảm gần đây của chứng khoán châu Á là bởi nhà đầu tư có phần vội vã với kỳ vọng Trung Quốc mở cửa.

“Theo đó, việc thị trường đi xuống trong tháng 2 có thể là điều chỉnh kỹ thuật sau các tháng tăng trước đó và thị trường có phần phản ứng tích cực quá đà với thông tin Trung Quốc mở cửa trở lại. Tôi vẫn kỳ vọng thị trường chứng khoán châu Á sẽ có màn biểu diễn vượt trội so với thị trường chứng khoán Mỹ trong ngắn hạn”, Tina Teng cho biết.

Mỹ: Số lượng triệu phú giảm hơn 80% so với mức trước đại dịch
Theo nghiên cứu của công ty tư vấn nhập cư Henley & Partners có trụ sở tại London (Anh), số người có giá trị tài sản lớn sinh sống tại Mỹ đã giảm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư