Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
CNBC: Thị trường chứng khoán châu Á giảm sau khi lạm phát Mỹ nóng hơn dự kiến
Nga Cao tổng hợp - 15/02/2023 15:28
 
Tình trạng lạm phát ở Mỹ đang tiếp tục làm xáo trộn thị trường chứng khoán tại khu vực châu Á.
Một góc của thành phố Tokyo, Nhật Bản, Nguồn: Jezael Melgoza

Các thị trường chứng khoán tại khu vực châu Á giao dịch ở mức thấp hơn vào hôm nay (thứ Tư, 15/2 theo giờ địa phương) sau khi các dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố nóng hơn dự kiến. Điều này càng thúc giục Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng giảm 1,38% và chỉ số Hang Seng Tech giảm 0,61%.

Tại Trung Quốc đại lục, Shenzhen Component giảm 0,34% và Shanghai Composite giảm 0,26%.

Tại thị trường chứng khoán Australia, S&P/ASX 200 giảm 1,06%, đóng cửa ở mức 7352,2 khi tài chính bị lỗ nặng sau tuyên bố của Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Australia Philip Lowe khi cho rằng lạm phát vẫn còn “quá cao”.

Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giao dịch thấp hơn 0,47% và Topix giảm 0,32%.

Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 1,41% và Kosdaq cũng giảm 1,16%.  

Trái lại, các thị trường chứng khoán trên Phố Wall đóng cửa với hai trạng thái khác nhau.

Trong khi, Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones và S&P 500 đóng cửa ở mức thấp, Nasdaq Composite đã kết thúc ngày giao dịch ở mức cao hơn nhờ sự hỗ trợ từ các cổ phiếu công nghệ, bao gồm Tesla và Nvidia.

Chỉ số CPI tại Mỹ thay đổi qua các năm, tính đến tháng 1/2023. Nguồn: U.S. Bureau of Labor Statistics

Trước đó, ngày 14/2, Bộ Lao động Mỹ đã báo cáo về tình trạng lạm phát tăng cao trong đầu năm 2023. Theo đó, trong tháng 1, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,5% so với tháng 12/2022 và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do giá nhà ở, khí đốt và nhiên liệu tăng cao. 

Báo cáo cho thấy chi phí nhà ở gia tăng đã chiếm khoảng một nửa mức tăng hàng tháng, tăng 0.7 % trong tháng 1 và tăng 7.9% so với một năm trước.

Năng lượng cũng là tác nhân quan trọng khi chiếm tới  2% mức tăng trong tháng 1 và  tăng 8.7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi chi phí lương thực tăng lần lượt 0,5% và 10,1%.

Giá cả tăng cũng là áp lực lớn cho đồng lương của người lao động. Theo một báo cáo của BLS (Cục Thống kê lao động Mỹ), thu nhập trung bình mỗi giờ đã giảm 0,2% trong tháng vừa qua và giảm 1,8% so với một năm trước. 

Những chỉ số nêu trên cho thấy, lạm phát vẫn đang là một trở lực lớn của nền kinh tế Mỹ, có nhiều khả năng đẩy nước này vào hố sâu suy thoái trong năm nay. 

Đây cũng là một thách thức lớn với Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ngân hàng này đã phải tăng lãi suất cơ bản 8 lần kể từ tháng 3/2022, khi lạm phát tăng lên mức cao nhất trong 41 năm. 

Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas, bà Lorie Logan hôm thứ Ba (14/2) đã cảnh báo rằng, Ngân hàng Trung ương có thể cần phải đẩy lãi suất cao hơn dự kiến, đặc biệt nếu lạm phát siêu lõi vẫn ở trong mức 4% - 5%.

Trong một bài phát biểu ở Prairie View (Texas), bà Dallas cũng đưa ra dự báo “sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian dài hơn nếu cảm thấy đó là việc làm cần thiết để ứng phó với những biến động trong triển vọng của nền kinh tế hoặc để bù đắp lại tổn thất không mong muốn trong điều kiện kinh tế thị trường”.

Báo cáo CPI tháng 1/2023 của Mỹ sẽ còn mất một khoảng thời gian nữa để phân tích. Tuy nhiên, dựa trên số liệu hiện tại, rõ ràng là Fed sẽ vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Lạm phát Mỹ tăng 0,5% trong tháng 9
Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi của Mỹ vẫn tăng mạnh trong tháng 9 nhưng nằm trong ngưỡng dự đoán, theo Cơ quan Phân tích Kinh tế (BEA).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư