Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 23 tháng 06 năm 2024,
Chứng khoán chờ giải bài toán nâng hạng
Thanh Thủy - 13/06/2024 08:40
 
Nỗ lực thời gian qua của thị trường chứng khoán Việt Nam phần nào được ghi nhận, khi Công ty nghiên cứu dữ liệu đầu tư MSCI giảm số lượng tiêu chí cần cải thiện của thị trường từ 9 xuống 8.
Nhiều khả năng, chứng khoán Việt Nam được MSCI đưa vào danh sách xem xét nâng hạng trong chu kỳ sắp tới vào năm 2025

Những tiến bộ được ghi nhận

Thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thể gây bất ngờ trong Báo cáo đánh giá khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu của MSCI năm 2024 vừa được công bố. Tuy nhiên, điểm đáng mừng là, khác với năm 2023, MSCI đánh giá, Việt Nam đã có sự cải thiện trong xếp hạng đối với tiêu chí khả năng chuyển nhượng, chuyển từ trạng thái “cần cải thiện” sang “không có vấn đề lớn”.

“Việt Nam đã có sự cải thiện trong khả năng chuyển nhượng nhờ sự gia tăng giao dịch ngoài sàn (off-exchange) và chuyển nhượng hiện vật (in-kind transfer) từ các thay đổi về quy định”, MSCI chỉ ra.

Như vậy, sau khi giảm 1 tiêu chí, chỉ còn 8 tiêu chí mà thị trường chứng khoán Việt Nam chưa đáp ứng, gồm giới hạn sở hữu nước ngoài, “room” khối ngoại, quyền bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài, mức độ tự do của thị trường ngoại hối, đăng ký nhà đầu tư & thiết lập tài khoản, quy định thị trường, luồng thông tin và thanh toán bù trừ.

Bên cạnh S&P Down Jones (Standard & Poor’s) và FTSE Russell, MSCI là một trong 3 tổ chức lớn về xếp hạng thị trường với nhiều tiêu chí khó hơn cần được đáp ứng để nâng hạng thị trường. Tuy nhiên, thực tế, không nhất thiết phải đáp ứng tất cả các tiêu chí.

Điển hình, Philippines đã được MSCI xếp hạng là thị trường mới nổi, nhưng ở báo cáo tháng 6/2024, cũng còn tới 5 tiêu chí “cần cải thiện”. Giới chuyên gia Việt Nam dự báo, nhiều khả năng, Việt Nam sẽ được MSCI đưa vào danh sách xem xét nâng hạng trong chu kỳ sắp tới vào năm 2025, sau đó có thể chính thức được nâng hạng trong năm 2026.

Trong khi đó, mục tiêu ở tương lai gần mà chứng khoán Việt Nam nhắm đến là được FTSE Russell nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi thứ cấp sau nhiều năm nằm trong danh sách theo dõi từ tháng 9/2018. Ở lần công bố báo cáo gần nhất, vào tháng 3/2024, FTSE Russell đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam qua cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện quyết tâm nâng hạng.

Báo cáo cũng nhấn mạnh việc một nhóm công tác đang phối hợp cùng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá đề xuất về mô hình thanh toán mới và khuyến khích các cuộc gặp gỡ giữa các tổ chức Việt Nam và cộng đồng quốc tế để hiểu rõ hơn về những khó khăn khi tiếp cận thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Để đạt được mục tiêu nâng hạng vào năm 2025, Việt Nam phải sớm xác nhận và phổ biến rộng rãi về mô hình thanh toán mới, bao gồm hoàn thiện các vai trò và trách nhiệm cần thiết trong mô hình thanh toán. Cùng với đó, Việt Nam phải đưa ra lộ trình, với các cột mốc quan trọng cụ thể, để đạt mục tiêu”, FTSE Russell chỉ ra đường hướng cụ thể trong báo cáo gần nhất, bên cạnh những đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tiếp tục nỗ lực nâng hạng thị trường

Nhìn lại hành trình đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường trong gần nửa năm qua, ông Đỗ Thanh Tùng, Phó giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, nỗ lực xử lý vấn đề ký quỹ cho nhà đầu tư nước ngoài là chất xúc tác giúp việc nâng hạng có thể diễn ra trong thời gian tới. Các công tác chuẩn bị cho việc nâng hạng đã được triển khai tích cực. Tuy vậy, công tác đưa vào vận hành hệ thống KRX bị trì hoãn đã gây thất vọng đôi chút, nhưng kỳ vọng sẽ vẫn ở phía trước.

Phát biểu kết luận cuộc họp của Thường trực Chính phủ về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vào tuần trước, một trong các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh là tiếp tục nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán. Đây cũng là nội dung trọng tâm tại Hội nghị đầu tiên về phát triển thị trường chứng khoán do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vào cuối tháng 2 năm nay.

Việc triển khai hệ thống KRX được nhiều chuyên gia kỳ vọng tạo tiền đề giải quyết các nút thắt hiện nay của thị trường chứng khoán Việt Nam, để tiến tới được nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi. Vào cuối tháng 4/2024, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã có tờ trình lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc chấp thuận vận hành chính thức dự án trên, đồng thời gửi các công ty chứng khoán về kế hoạch chuyển đổi hệ thống giao dịch sang KRX.

Tuy nhiên, kế hoạch trên đã phải dừng lại do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho là chưa đủ cơ sở để chấp thuận đề nghị của HoSE. Ngoài phải báo cáo Bộ Tài chính, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX), các đơn vị thụ hưởng (HNX, VSDC) để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật hay văn bản của các thành viên về tính sẵn sàng kết nối, dự án còn cần có Biên bản nghiệm thu tổng thể. Hệ thống KRX cũng phải được phê duyệt cấp độ an toàn thông tin (cấp độ 4) theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Về mặt kỹ thuật, theo ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SHS, để vận hành hệ thống mới, cần ít hơn 1 ngày làm việc chuyển đổi dữ liệu từ hệ thống cũ sang hệ thống mới, do đó việc vận hành dự án KRX có thể thực hiện gần nhất là vào dịp nghỉ lễ 2/9. Các đầu việc còn thiếu mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ ra không ít. Chưa kể, các nhà đầu tư là người trực tiếp giao dịch trên hệ thống mới nên có quyền và cần tìm hiểu đầy đủ về sự khác biệt của hệ thống mới trước khi đưa vào vận hành.

Cần nhiều nỗ lực đưa dự án KRX vào vận hành, cũng như tiến đến mục tiêu nâng hạng. Đầu tháng 6 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phê duyệt Chương trình Hành động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.

Đây là văn bản tiếp sau Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 do Thủ tướng phê duyệt và Chương trình Hành động của Bộ Tài chính với các giải pháp được cụ thể hóa  thành các nhiệm vụ/đề án cụ thể gắn với từng giai đoạn phát triển, với sự phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng đơn vị thuộc và trực thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhằm đạt được các mục tiêu. Tăng tốc trên hành trình nâng hạng thị trường cũng không nằm ngoài các kế hoạch đề ra.

Rốt ráo cho mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán: Thêm nhiều cuộc gặp với các tổ chức ngoại
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa làm việc với World Bank và ASIFMA về dự thảo quy định liên quan đến các tiêu chí để nâng hạng thị...
Bình luận bài viết này
  • Hoàng Hiệp 08:27 | 21-06-2024
    Ông bà mình có câu: Trâu chậm uống nước đục. Đối với kinh tế và nhất là thị trường chứng khoán với biên độ “tính bằng giây “ mà chúng ta cứ mãi loay hoay dặm chân tại chỗ với các thủ tục thì rất khó cho cạnh tranh phát triển.
Xem thêm trên Báo Đầu Tư