Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Chuỗi giá trị dệt may sẽ được cải thiện nhanh hơn nhờ TPP
Thế Hoàng - 06/10/2015 10:45
 
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoàn tất quá trình đàm phán, đây là thông tin khiến cho cộng đồng DN trong nước rất hứng khởi, đặc biệt là những ngành có cơ hội gia tăng xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, thủy sản..

Là một trong những doanh nghiệp sản xuất hàng dệt kim lớn trong ngành dệt may, Công ty TNHH Một thành viên Dệt kim Đông Xuân cho rằng, dù còn không ít thách thức với ngành dệt may do hạn chế về khả năng cung ứng nguyên phụ liệu, nhưng với cú hích từ hoàn tất đàm phán TPP, quá trình cải thiện chuỗi giá trị trong ngành dệt may bằng việc gia tăng thực hiện các dự án đầu tư nguyên phụ liệu để tận dụng ưu đãi sẽ được đẩy nhanh hơn.

Ngành dệt may sẽ cải thiện nhanh hơn chuỗi giá trị với cú hích từ TPP.
Ngành dệt may sẽ cải thiện nhanh hơn chuỗi giá trị với cú hích từ TPP.

Bà Trương Thị Thanh Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Dệt kim Đông Xuân cho biết thêm, việc không sản xuất đồng bộ từ khâu nguyên phụ liệu của ngành dệt may trong những năm qua dẫn đến việc các DN khó được hưởng lợi từ quy tắc “từ sợi trở đi trong TPP”.

Tuy vậy, Việt Nam hội nhập và là một trong những nước thành viên TPP, không có cách nào khác, mỗi doanh nghiệp trong ngành phải tự khắc phục khó khăn, nâng cao trình độ sản xuất, năng lực cung ứng để tận dụng cả cơ hội về thị trường, gia tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu và quan trọng hơn là tận dụng ưu đãi, một trong những lợi ích quan trọng nhất mà các FTA mang lại.

Còn theo ông Đặng Triệu Hoà, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Sợi Thế Kỷ, việc TPP hoàn tất đàm phán, chờ tới thời điểm ký kết và có hiệu lực sẽ mang lại nhiều hứng khởi với Sợi Thế Kỷ trong việc đầu tư gia tăng năng lực sản xuất, tìm kiếm khách hàng, gia tăng xuất khẩu.

“Một trong những dự án lớn được Công ty đầu tư đón đầu các FTA trong đó có TPP vừa được đưa vào hoạt động trong tháng 9 vừa qua tại KCN Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh có quy mô 30.000 tấn sợi/năm, tổng vốn đầu tư hơn 735 tỷ đồng”, ông Hòa nói.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), doanh nghiệp đóng góp khoảng 13% trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngành cho rằng, TPP  là cơ hội lớn cho ngành thương mại Việt Nam, trong đó các doanh nghiệp dệt may sẽ có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu và gỡ bỏ hàng rào thuế vốn rất nặng nề như hiện nay.

Theo thoả thuận đạt được trong đàm phán TPP, đối với mặt hàng dệt may, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, các bên tham gia TPP nhất trí xóa bỏ thuế quan đối với hàng dệt may. Các loại quan đối với các mã hàng dệt may sẽ được xóa bỏ ngay lập tức hoặc theo lộ trình.

Ngay sau khi kết thúc đàm phán TPP, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng khẳng định, ngành dệt may có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

Do đó, khi tham gia TPP nghĩa là ngành dệt may của Việt Nam có cơ hội phát triển nhanh hơn. Đồng thời, mang lại lợi ích cho người nghèo vì ngành cần đến hàng triệu lao động trong ngành.

Còn theo dự báo của Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), sản lượng ngành dệt may sẽ tăng 21% và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ có thể đạt kỷ lục 90% vào năm 2020.

Không chỉ là động lực giúp các ngành sản xuất cải thiện nhanh chuỗi cung ứng, khắc phục những hạn chế vốn có, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng còn cho biết, tham gia TPP sẽ giúp ta có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi TPP có hiệu lực.

Đặc biệt, các nước TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, lại bao gồm các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành.

Thêm vào đó, cam kết trong TPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. ​

Cần phải nói thêm, thời gian qua, nhiều đối tác lớn đến từ Nhật Bản, điển hình là Tập đoàn Itochu đã "bơm vốn" mạnh vào ngành dệt may Việt Nam với mục tiêu tận dụng cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đang đàm phán, trong đó có TPP.

Hay như mới đây, Vinatex ký kết với  Công ty Toms (Nhật Bản) lập liên doanh thực hiện dự án Cụm liên hợp Dệt – Nhuộm – May Dệt Kim tại huyện Hải Lăng (Quảng Trị).

Cụ thể, Vinatex sẽ cùng Toms cùng liên kết đầu tư sản xuất mặt hàng T-shirt bodysize, mặt hàng chủ lực của hãng Toms tại Cụm công nghiệp Diên Sanh,  huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng trị theo hình thức sản xuất liên tục từ Dệt – Nhuộm và Hoàn tất – May với tổng mức đầu tư 12 triệu USD, gồm 3 nhà máy: Nhà máy Dệt nhuộm hoàn tất công suất 2500 tấn vải dệt kim/năm; Nhà máy may công suất hơn 10 triệu sản phẩm/năm và Nhà máy xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn công suất 1.200m3/ngày.

Về mặt kinh tế, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. X uất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025.

Vì sao TPP được đánh giá là hiệp định có tính chất bước ngoặt?
TPP trở thành một hiệp định mang tính bước ngoặt của thế kỷ 21, tạo ra một tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu trong khi vẫn đề cập tới...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư