Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Chuỗi nhà thuốc An Khang đang làm ăn ra sao?
Minh Khôi - 12/02/2024 14:26
 
Chuỗi nhà thuốc An Khang của Thế Giới Di Động tăng trưởng doanh thu hai chữ số vào năm ngoái, nhưng vẫn chưa đạt điểm hoà vốn bởi tốn nhiều chi phí nâng cấp cửa hàng và thử nghiệm để tìm "công thức thành công".

Chuỗi nhà thuốc An Khang tiền thân là nhà thuốc Phúc An Khang, được Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) mua lại năm 2017. Suốt 4 năm sau đó, Thế Giới Di Động không phát triển mạnh mảng dược phẩm vì tập trung cho nhiều mảng kinh doanh khác. Nhà bán lẻ điện thoại và điện máy lớn nhất cả nước bắt đầu dồn lực cho dược phẩm từ cuối năm 2021 và thực sự tăng tốc từ đầu năm 2022 khi mở đến 340 điểm bán mới chỉ trong nửa năm.

Thời điểm đó, lãnh đạo Thế Giới Di Động bày tỏ sự tự tin về khả năng bành trướng của chuỗi nhà thuốc này, thể hiện qua việc công bố mục tiêu cuối năm 2022 có 800 cửa hàng và nâng lên 2.000 cửa hàng vào cuối năm 2023. Sau khi thử nghiệm chiến lược mở nhà thuốc cạnh các cửa hàng bán lẻ điện máy để tăng lưu lượng khách cho cả hai, Công ty lên kế hoạch giảm phụ thuộc cho An Khang bằng việc mở nhà thuốc độc lập len lỏi trong khu dân cư.

"Diện tích một nhà thuốc chỉ 30-60 m2, không lớn như cửa hàng Thế Giới Di Động hay Điện Máy Xanh nên việc tìm mặt bằng khá đơn giản. Hơn nữa, chúng tôi có kinh nghiệm, hiểu ngành bán lẻ, năng lực tài chính, nhân sự... nên không thấy khó khăn gì lớn trong việc phát triển chuỗi này", ông Đoàn Văn Hiểu Em, người đứng đầu chuỗi nhà thuốc này, chia sẻ vào giữa năm 2022.

Ông cũng ước tính thị trường bán lẻ dược phẩm ở Việt Nam có quy mô 7-8 tỷ USD và số lượng điểm bán khoảng 60.000. Kênh bệnh viện và nhà thuốc nhỏ có số lượng áp đảo, trong khi chuỗi nhà thuốc hiện đại mới chiếm khoảng 5% nên dư địa phát triển còn rất lớn. 

Tuy nhiên, kế hoạch mở rộng mạng lưới An Khang không thuận lợi như dự tính. Theo báo cáo kinh doanh cuối năm 2023, chuỗi này hiện có 527 nhà thuốc, tăng 27 điểm bán với thời điểm đầu năm. Dù vậy, đây chưa phải là con số cao nhất trong năm bởi có những tháng công ty ghi nhận mạng lưới lên đến 540 cửa hàng, nhưng sau đó phải tạm ngưng mở rộng và đóng cửa những nơi kinh doanh không hiệu quả để tập trung tăng doanh thu và cải thiện hiệu quả hoạt động trên mỗi cửa hàng nhằm đạt mục tiêu hoà vốn. 

Chuỗi nhà thuốc này mang về doanh thu cả năm 2.200 tỷ đồng, tăng trưởng 43% so với năm trước. Doanh thu bình quân hàng tháng vào cuối năm 2023 là khoảng 450 triệu đồng mỗi cửa hàng, tăng đáng kể so với mức 280 triệu hồi đầu năm. 

Nhà thuốc An Khang ở quận Gò Vấp, TP HCM. Ảnh: Website công ty.
Nhà thuốc An Khang ở quận Gò Vấp, TP HCM. Ảnh: Website công ty.

Trả lời câu hỏi của cổ đông vì sao doanh thu tăng trưởng ổn định nhưng chuỗi này vẫn lỗ, trong phiên họp nhà đầu tư vào cuối quý III/2023, ông Hiểu Em cho biết chuỗi này không mở mới cửa hàng nhưng gần đây đã nâng cấp về danh mục sản phẩm, hình ảnh thương hiệu, đội ngũ dược sĩ, hàng tồn kho… Việc nâng cấp cộng thêm thực hiện nhiều chương trình để thu hút khách hàng trở lại mua sắm làm tăng đáng kể chi phí hoạt động. 

“Tuy nhiên, nhìn về tương lai, những chi phí này sẽ giảm trong khi doanh thu vẫn giữ nguyên hoặc tăng thêm. Việc hoà vốn có thể hơi chậm, nhưng lúc này chúng tôi quan trọng những bước đi chắn chắn. Khi tìm được công thức thành công thì mở rộng nhanh là điểm mạnh từ xưa đến giờ của chúng tôi”, ông Hiểu Em nói.

Trong định hướng kinh doanh năm 2024, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động xác định mô hình kinh doanh của An Khang là chuỗi nhà thuốc ở những vị trí thuận tiện, dễ tiếp cận, có diện tích nhỏ gọn trong khoảng 30-40 m2 nhưng vẫn đảm bảo yếu tố trưng bày và đủ thuốc để phục vụ hầu hết nhu cầu của khách hàng. Ước tính, thuốc sẽ chiếm khoảng 65-70% danh mục sản phẩm kinh doanh. 

Ban lãnh đạo Công ty kỳ vọng chuỗi nhà thuốc này sẽ tăng trưởng doanh thu hai chữ số, gia tăng thị phần và đạt điểm hoà vốn trước cuối năm. Công ty cho biết sẽ đầu tư theo chiều sâu để biến An Khang trở thành chuỗi dược phẩm hàng đầu về chăm sóc sức khoẻ, đa dạng hoá danh mục sản phẩm, đảm bảo đủ thuốc, nâng cao chất lượng đội ngũ dược sĩ và ứng dụng công nghệ để mang đến giải pháp chăm sóc sức khoẻ thuận tiện nhất cho khách hàng.

“Năm nay, An Khang có thể bước vào giai đoạn mở rộng nếu vận hành ổn định, có hiệu quả và xây dựng được mô hình kinh doanh thành công”, lãnh đạo Công ty nói.

Mỗi cửa hàng điện máy của Thế Giới Di Động ở Indonesia thu 4,5 tỷ đồng/tháng
Bình quân mỗi cửa hàng điện máy Erablue tại Indonesia có diện tích 250 - 300 m2 hằng tháng thu 4,5 tỷ đồng, trong khi cửa hàng diện tích nhỏ hơn khoảng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư