Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Chương trình Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội: Kỳ họp nào cũng nêu tiến độ giải ngân chậm
Khánh Linh - 25/05/2024 10:52
 
Tiến độ giải ngân nhiều dự án đầu tư sử dụng vốn của Chương trình Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đang ảnh hưởng lớn tới kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15.
,
Đại biểu Nguyễn Quang Huân, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương phát biểu tại Hội trường sáng 25/5

Đại biểu Nguyễn Quang Huân, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đề nghị làm rõ nguyên nhân giải ngân chậm

"Cần phân tích thêm nguyên nhân ngải ngân chậm, vì từ khi tôi tham gia quốc hội đến giờ, hầu như kỳ họp nào cũng nêu tiến độ giải ngân chậm, nhưng phân tích vẫn hơi mang tính định tính”, đại biểu Nguyễn Quang Huân phát biểu tại hội trường sáng nay, 25/5, về báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Trong báo cáo giám sát của do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát báo cáo trước Quốc hội vào đầu phiên thảo luận, bên cạnh những kết quả tích cực là cơ bản, một số tồn tại, hạn chế đã được chỉ rõ.

Công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án chậm, chưa đảm bảo tính sẵn sàng để thực hiện, giải ngân vốn theo yêu cầu về thời hạn của Nghị quyết số 43.

Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn nhiều dự án không bảo đảm thời hạn quy định trong 2 năm 2022 - 2023, đặc biệt, các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin có tiến độ rất chậm nên Chính phủ đã kiến nghị và được Quốc hội chấp thuận, cho kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn của Chương trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.  

Một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra như: chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đạt tỷ lệ giải ngân thấp (chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch); chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (đạt 56% kế hoạch), phải chuyển nguồn để thực hiện chính sách khác.

Chính sách hỗ trợ người dân, người lao động tại một số địa phương còn chậm, lúng túng; việc thẩm định và giải quyết chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng gặp nhiều khó khăn, chậm so với yêu cầu đề ra...

“Chúng ta đã nói nhiều lý do, đều đúng, nhưng lý do nào gây ra chậm bao nhiêu phần trăm, phải tính cụ thể thì mới có giải pháp cụ thể”, đại biểu Huân đề nghị.

Ví dụ, với nguyên nhân nền kinh tế khó hấp thụ ảnh hưởng đến việc giải ngân các dự án nào, tỷ lệ bao nhiêu phần trăm. Nguyên nhân thời gian ngắn quá, nền kinh tế không hấp thụ được, thì tại sao cũng có nơi hấp thụ được.

“Nếu làm rõ được nguyên nhân như vậy, thì nếu xác định nơi nào chậm hấp thụ thì sẽ đưa vào những vùng, dự án có thể hấp thụ được, như phần giải phóng mặt bằng của các dự án trọng điểm, dự án quan trọng...”, đại biểu Huân kiến nghị và cho rằng, cách này sẽ đạt được mục tiêu bơm tiền vào nền kinh tế.

Đại biểu Huân nhắc đến nguyên nhân chậm tiến độ do quy trình, thủ tục. “Trong báo cáo nhắc đến việc Chính phủ đã 5 lần trình Ủy ban thường vụ Quốc hội danh mục dự án. Theo tôi hiểu, nếu đã đưa ra tình trạng khẩn cấp, thì Quốc hội chỉ cần phê duyệt chủ trương, ngân sách, còn chọn dự án nào là việc của Chính phủ, Quốc hội giám sát, kiểm tra thực hiện... Chứ Chính phủ phải trình 5 lần, mà cho đến giờ vốn mới bố trí được 72%, giải ngân được 61%. Cần phải phân tích liệu xem quy trình như vậy có phải gây ra chậm trễ không?”, đại biểu Huân nhấn mạnh.

Đáng nói là, theo đại biểu Huân, thủ tục của cơ chế đặc thù còn chậm vậy thì nếu không có cơ chế đặc thù thì thủ tục sẽ rất lâu.

“Cần nghiên cứu thủ tục để đảm bảo giải ngân nhanh”, đại biểu Huân kiến nghị.

Cũng thảo luận vào những vẫn đề còn tồn tại trong thực hiện Nghị quyết 43, đại biểu Mai Văn Hải, đoàn Thanh Hóa, nhắc đến do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt.

“Các văn bản hướng dẫn phân bổ vốn, trình tự thủ tục giải ngân còn phức tạp. Việc áp dụng cơ chế đặc thù có việc còn vướng mắc và không ít cán bộ có tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm”, đại biểu Hải nhấn mạnh.

Đây là lý do đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. 

Đặc biệt, ông đề nghị Quốc hội xem xét tiếp tục mở rộng áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù không chỉ áp dụng cho các công trình quan trọng quốc gia, đường cao tốc mà cả các công trình quan trọng khác của quốc gia, của tỉnh.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp còn nhắc đến nguyên nhân từ công tác chuẩn bị đầu tư các dự án còn chậm. "Đây là nguyên nhân chính của việc giải ngân thấp", đại biểu Hòa nhấn mạnh. Ngoài công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập thì cần phải làm rõ các danh mục đầu tư trình Quốc hội chưa sát thực tế dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần, ảnh hưởng tới công tác phân bổ vốn, tiến độ thi công và giải ngân của các dự án

Một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện Chương trình Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
(1) Một số chính sách chưa thực sự khả thi; trong thực tế triển khai, một số chính sách chưa bảo đảm yêu cầu “nguồn lực đưa ra có khả năng giải ngân, hấp thụ nhanh”.
(2) Quan điểm Nghị quyết đề ra là xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ; tuy nhiên, có những đối tượng cần hỗ trợ khi xác định cũng chưa bảo đảm tính chính xác, dẫn đến phải hủy, hoãn, không tổ chức thực hiện; có chính sách xác định số lượng đối tượng quá lớn so với thực tế.
(3) Công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án chưa đảm bảo tính kịp thời, khi có vốn mới tiến hành các thủ tục đầu tư; lựa chọn các dự án đầu tư chưa gắn với khả năng hấp thụ vốn, dẫn đến chậm trễ trong hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ vốn, phải kéo dài thời gian giải ngân vốn đến 31/12/2024 và khả năng tiếp tục phải kéo dài hết năm 2025 làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của Chương trình.
(4) Một số chính sách có kết quả thực hiện thấp, số liệu đánh giá tình hình thực hiện các chính sách cụ thể cho thấy, có 07 chính sách có chỉ tiêu định lượng đề ra theo Nghị quyết số 43 triển khai thực hiện không đạt kế hoạch đề ra . Trong đó, một số chính sách lớn theo Nghị quyết số 43 được ưu tiên dành nguồn lực lớn nhưng kết quả đạt được rất thấp.
Nguồn: Kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Cần nhân rộng các chính sách đặc thù có hiệu quả
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần đẩy mạnh phân cấp, bỏ xin - cho, giải quyết nhanh cho các dự án đang bị tắc là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư