Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Chuyện đời nữ võ sư trưởng môn sáng lập phái Uy Long
Minh Chiến (Vietnam+) - 01/01/2016 10:49
 
13 tuổi theo nghiệp võ, 16 tuổi đoạt huy chương quốc gia, 32 tuổi là võ sư trẻ nhất miền Bắc, 33 tuổi thành lập Uy Long phái, cuộc đời của Nguyễn Thị Thanh Tâm là những tháng ngày sống hết mình với đam mê võ thuật.
TIN LIÊN QUAN


Chân dung Nguyễn Thị Thanh Tâm - võ sư cấp 18 của Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam, trưởng môn sáng lập phái Uy Long. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)


Đây là câu chuyện về nữ võ sư Nguyễn Thị Thanh Tâm - trưởng môn phái Uy Long, nữ võ sư duy nhất miền Bắc, người sáng lập môn phái trẻ nhất Việt Nam và hiện là Tổng thư ký lâm thời của Liên đoàn võ cổ truyền Hải Phòng.

Tấm huy chương năm 16 tuổi

Là nữ võ sư sáng lập một phái võ cổ truyền nhưng võ cổ truyền không phải là “tình yêu đầu đời” của Nguyễn Thị Thanh Tâm. 13 tuổi, cô bé Tâm ngơ ngác lần đầu đến cung thiếu nhi Hải Phòng. Trong khi các bạn nữ cùng tuổi đều chọn múa hát, Thanh Tâm lại “kết” võ thuật. Môn võ đầu tiên cô tập là karatedo.

Ba tháng sau ngày đó, Thanh Tâm mới tạm biệt karatedo để đến với võ cổ truyền. Nghiệp võ và cũng là con đường cuộc đời của cô bắt đầu từ đây. Mối duyên ấy là lý do khiến Tâm luôn nói rằng: “Tôi không hề chọn võ thuật. Duyên và nghiệp đưa tôi tới với võ. Tôi không chọn võ mà lúc đầu chỉ đi tập vì nghĩ rằng vui. Cứ như thế, con đường võ đưa tôi tới ngày hôm nay.”

Nhà nghèo, không có xe cộ, những ngày đầu đi tập với Tâm khó khăn vô cùng. Cô phải đi nhờ bạn suốt mười mấy cây số trong suốt 3, 4 năm, không biết bao nhiêu lần bị thầy đuổi vì không có tiền đóng học phí. Kỷ niệm đáng nhớ nhất gắn liền với cái quần phăng tập võ: “Tôi đi tập còn không có tiền may quần võ, cứ phải mặc một cái quần phăng duy nhất. Ngày mặc đến tối giặt đi xong sáng hôm sau lại mặc tiếp. Ngày qua ngày như thế suốt 3 năm.”

Mọi thứ với Thanh Tâm chỉ sáng sủa hơn khi cô giành huy chương bạc Liên hoan võ cổ truyền toàn quốc năm 16 tuổi. Đó là tấm huy chương quý giá của đoàn Hải Phòng trong thời điểm võ thuật Hà Nội và Thành phồ Hồ Chí Minh đang chiếm thế thượng phong (1992). Thành công đầu tiên khiến Tâm thêm quyết tâm tin vào sự lựa chọn của mình. Thêm 5 năm nữa, cơ sở võ học đầu tiên do Thanh Tâm trực tiếp đứng lớp được lập nên. Hơn 20 tuổi, võ sỹ Thanh Tâm bắt đầu trở thành võ sư.

Uy Long phái ra đời năm 2009 tại Hải Phòng. Ý nghĩa của tên Uy Long: “Con trai tôi tên Triệu Uy. Tôi lại sinh năm 1976 - tuổi rồng. Uy hợp với Long thì tạo thành Uy Long môn.” (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)


Ra đời Uy Long phái

Uy Long phái ra đời năm 2009 là tâm huyết một đời của Thanh Tâm. Cô sáng lập võ phái, cô xây dựng triết lý cho nó, cô chiêu mộ môn sinh, cô trực tiếp đứng lớp... Tất cả những gì phải làm cho Uy Long, Thanh Tâm đã làm hết rồi. Với võ phái, cô vừa là cha, vừa là mẹ.

Giải thích cho cái tên Uy Long, cô tâm sự: “Con trai tôi tên Triệu Uy. Tôi lại sinh năm 1976 - tuổi rồng. Uy hợp với Long thì tạo thành Uy Long môn.”

Khác với cả trăm võ phái khác đang tồn tại ở Việt Nam, Uy Long môn có một hệ thống triết lý và binh pháp rất riêng. Ngoài những thứ gươm, đao, kiếm, kích, gậy... thông thường, Uy Long môn còn sử dụng cả vải mỏng (nhuyễn tiên), ghế, bàn, cuốc, xẻng, ô che mưa, cọc, rào, gậy gộc... Ai đi qua cung văn hóa Hải Phòng mà không biết trước nhất định sẽ tưởng lũ trẻ con đang nghịch ngợm, chơi đùa. Họ không biết rằng những đứa trẻ ấy đang miệt mài rèn võ còn mấy thứ lung tung kia thực sự là những binh khí nguy hiểm, đầy uy lực.

Nói về những thứ binh khí kỳ lạ của mình, Tâm mỉm cười: “Tôi cũng chẳng hiểu tại sao mình lại chọn những thứ binh khí ấy. Có lẽ bởi vì tôi thích thôi. Mỗi môn võ đều có những điểm riêng biệt được biến hóa dựa trên nền tảng tấn pháp, cốt, bộ cơ bản... Sự khác biệt của Uy Long nằm ở sự chuyên biệt về binh khí. Những bài võ của Uy Long không ai trên đời có được.”

Điểm đặc biệt của Uy Long phái là những thứ binh khí thô sơ, gần gũi như cuốc, xẻng, gậy gộc. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)


Có lẽ, những bài võ với thứ binh khí kỳ lạ của Thanh Tâm còn xuất phát từ tinh thần thực tiễn đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, của những thế hệ đã dùng mọi thứ vật dụng thân thuộc, gần gũi nhất để đánh giặc. Như Thanh Tâm luôn tự hào, cô là con cháu của nữ tướng Lê Chân (danh tướng của Hai Bà Trưng, tương truyền là người có công khai phá đất Hải Phòng ngày này).

Bài học từ Thiếu Lâm tự

Xây dựng cả một môn phái khi còn rất trẻ, Thanh Tâm đối diện với rất nhiều khó khăn: “Mình biết rằng mình đã làm được một việc mà rất nhiều người đàn ông không làm được. Nhưng dạy võ là việc dễ còn sáng tạo môn phái võ là thứ hoàn toàn khác. Tạo ra một thứ để mọi người nhìn vào là việc không hề đơn giản.”

Hiểu được điều đó, Thanh Tâm lập tức lên đường. Suốt hơn chục năm qua, cô đã lặn lội từ Bắc vào Nam, thăm hết môn phái này tới võ đường khác, gặp gỡ, giao lưu, đụng độ biết bao nhiêu cao thủ, tham dự nhiều Festival trong và ngoài nước. Mỗi chuyến đi, Tâm lại học được nhiều hơn. Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất vẫn là những lần theo đoàn võ sư Việt Nam tới chùa Thiếu Lâm Tự - nơi được mệnh danh “Thái Sơn Bắc Đẩu” của võ thuật Trung Hoa.

“Trên đường lên chùa Thiếu Lâm, suốt dọc chân núi, cứ cách chục mét lại có một nhóm võ sinh Thiếu Lâm Tự. Suốt cả chục cây số, cảnh tượng ấy lặp đi lặp lại. Người tập võ Thiếu Lâm 'đông như quân Nguyên.' Cả vạn người miệt mài tập trên con đường chúng tôi đi qua. Đoàn Việt Nam tới Thiếu Lâm đã là tập hợp những cái tên giỏi nhất nhưng vẫn chẳng là gì so với người Trung Quốc. Về kỹ thuật, người ta hơn hẳn Việt Nam mình. Họ cũng sở hữu tinh thần quyết tâm võ học, số lượng môn sinh đông đảo với cách quản lý cực kỳ chặt chẽ” - Thanh Tâm hồi tưởng.

Nữ võ Sư Thanh Tâm và Võ sư Trần Chung, Chưởng Môn Võ Đường Mai Thành Sơn (Hà Nội). (Ảnh: Uy Long môn)


Những kiến thức học được từ Thiếu Lâm tự đã từng bước đi theo Thanh Tâm khi trở về Việt Nam. Trong vài năm trở lại đây, Uy Long phái của võ sư Thanh Tâm liên tục đạt được các thành tích cao.  Năm 2010, Uy Long phái được mời biểu diễn trong chương trình phục vụ Đại lễ Thăng Long và giành 3 huy chương vàng. Năm 2012, Uy Long giành tiếp 4 huy chương vàng, 2 huy chương bạc cùng 11 huy chương đồng ở Giải võ thuật Hà Nội mở rộng, đứng 3/64 đoàn tham dự trong cả nước.

Năm 2011 là bước ngoặt của phái Uy Long khi Liên đoàn võ thuật Việt Nam chính thức công nhận môn phái. Từ đó tới nay, Uy Long tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở Hải Phòng còn bản thân võ sư Thanh Tâm liên tục được mời đi biểu diễn, giao lưu ở Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và châu Âu.

Hơn nửa đời người, những gì Thanh Tâm làm được thật đáng ngưỡng mộ.

“Tôi may mắn vì được chồng ủng hộ”

Thân nữ nhi tung hoàng võ nghệ, Thanh Tâm đối diện với rất nhiều khó khăn: Làm sao cân bằng được việc gia đình và võ thuật? Làm sao có thời gian cho gia đình, con cái? Làm sao lo toan được kinh tế, tiền bạc? May cho Tâm, phía sau cô là một “hậu phương” vô cùng vững chắc. Nhiều lần trong cuộc đối thoại với chúng tôi, Tâm đã nhắc đi nhắc lại: “Mình may mắn vì được ông xã ủng hộ”.

Gia đình nữ chưởng môn không có ai theo nghiệp thể thao chứ đừng nói tới võ thuật. Bản thân chồng cô cũng hoàn toàn xa lạ với võ nghiệp. Con trai cô cũng không hề thích võ. Thằng bé Triệu Uy nhìn gầy gò “đeo kính, gật gù, trông chẳng có tí võ nào”.

Nếu không có hậu phương gia đình vững chắc, nữ chưởng môn Thanh Tâm không thể làm người “vác tù và hàng tổng”. (Ảnh: Uy Long môn)


Ấy vậy mà môi trường “vô tính” ấy lại là nơi mang tới cho Tâm sự ủng hộ lớn nhất. Gia đình Tâm, chồng cô, gia đình chồng, tất cả đều một lòng ủng hộ Thanh Tâm. Nhờ có thời gian, tiền bạc và nhất là sự thông cảm từ họ, phái Uy Long mới được như ngày hôm nay.

Hiện tại, Uy Long có khoảng 100 võ sinh theo học chính quy ở Cung văn hóa Hải Phòng. Môn phái còn mở rộng mạng lưới tới các trường Đại học, mầm non và Tiểu học. Nhiều trường học ở Hải Phòng đã đưa võ Uy Long vào chương trình học chính khóa bên cạnh môn giáo dục thể chất thông thường. Từ một võ phái non trẻ, sau 6 năm thành lập, Uy Long môn đã xây dựng được cơ sở vững chắc tại Hải Phòng.

Để kết thúc cuộc đối thoại, Thanh Tâm trầm ngâm: “Nếu phải chọn lại một lần nữa, tôi vẫn sẽ theo nghiệp võ. Võ là danh, là cốt của mình. Tôi sẽ không chọn bất kỳ cái gì khác cả. Theo nghiệp võ là duyên của đời tôi.”/.

Nguyễn Thị Thanh Tâm là ai?

Nữ võ sư Nguyễn Thị Thanh Tâm sinh năm 1976 ở Hải Phòng, là võ sư cấp 18 của Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam, trưởng môn sáng lập phái Uy Long. Cô là nữ võ sư duy nhất của miền Bắc đồng thời là nữ võ sư sáng lập trẻ nhất Việt Nam. Hiện tại, Thanh Tâm là Tổng thư ký lâm thời của Liên đoàn võ thuật cổ truyền Hải Phòng.

Từ chối võ đường gần 1.000 m2

Ít ai biết rằng nữ chưởng môn trẻ tuổi đã từng từ chối một cơ ngơi cả nghìn mét đất với đầy đủ cơ sở vật chất, tiện nghi.

Nói về mong muốn xây dựng một võ đường, cô tâm sự: “Bản thân môn phái chưa có võ đường nên tôi mong mỏi sẽ tìm được một võ đường để định cư cho học sinh tập lâu dài, để có điều kiện mua các đồ tập, bao treo, binh khí. Còn bây giờ cứ tập ngoài sân thế này, không có võ đường, không có chỗ tập, không có chỗ treo, không có nơi đấm đá, không có bao cát thì làm sao khổ luyện được.

Như bên Trung Quốc, để khổ luyện, người ta treo người trên dây, trên xà, cúi người xuống nước, gập chân, gập tay cho cơ bắp cứng lên... Rất nhiều mô hình cần có để khổ luyện.

Hiện đã có một người bạn đầu tư cho tôi khoảng gần 1000 m2 và toàn bộ trang thiết bị tập như một võ đường nằm ngay ở Kiến Thụy, cách trung tâm Hải Phòng khoảng 15 km nhưng tôi vẫn chưa nhận lời. Tôi không thích phụ thuộc vào ai cả.”
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư