Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh: Lợi ích “kép” cho doanh nghiệp logistics
Lê Quân - 05/11/2024 15:32
 
Việc thực hiện chiến lược chuyển đổi số và chuyển đổi xanh không chỉ giúp các doanh nghiệp logistics tiết giảm chi phí, mà còn mở ra nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn vốn “xanh” để tăng tốc phát triển.
Mô hình cảng xanh Gemalink của Tập đoàn Gemadept tại Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) (Ảnh: Gemadept)
Mô hình cảng xanh Gemalink của Tập đoàn Gemadept tại Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) (Ảnh: Gemadept)

Nâng hiệu quả, tối ưu chi phí

“Cảng Gemalink tiếp nhận rất nhiều tàu có sức chở lớn vào làm hàng. Một tàu container sức chở 24.000 Teus, dài 400 m, gấp 4 lần chiều dài một sân vận động và cao bằng tòa nhà 22 tầng, nếu không ứng dụng công nghệ hiện đại, thì không tổ chức tiếp nhận và giải phóng tàu được”, ông Cao Hồng Phong, Phó tổng giám đốc Gemalink (thành viên của Gemadept) lấy ví dụ từ thực tế của doanh nghiệp khi đề cập xu hướng chuyển đổi số trong ngành logistics.

Theo chia sẻ của ông Phong tại Hội nghị Logistics Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi để bứt phá” do Báo Đầu tư tổ chức tại TP.HCM vào ngày 31/10, cùng với việc ứng dụng công nghệ vào tổ chức tiếp nhận và giải phóng hàng trên tàu, Gemalink đã ứng dụng công nghệ hiện đại vào vận hành, khai thác cảng với các phần mềm SmartPort (giao dịch trực tuyến thương vụ và tra cứu thông tin tàu, hàng hóa trực tuyến); RiverGate (đăng ký, xếp lịch tổ chức khai thác sà lan

online); SmartGate (kiểm soát cổng tự động). Những phần mềm này giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu làm thủ tục trực tuyến, chủ động được thời gian xuất nhập khẩu hàng hóa, giúp giảm thời gian chờ đợi và chi phí đi lại.

Đầu tư vào công nghệ mới, cải tiến quy trình vận hành và tăng cường liên kết trong hệ sinh thái logistics là yếu tố quyết định để doanh nghiệp có thể bứt phá.

- Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) 

“Việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động khai thác cảng và logistics không chỉ là xu hướng của ngành, mà còn là yếu tố sống còn để các doanh nghiệp phát triển bền vững”, ông Phong nhấn mạnh.

Có thể thấy, việc số hóa và tự động hóa ngày càng đóng vai trò then chốt, mang lại hiệu quả tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp.

Được ví như “cánh chim đầu đàn” của doanh nghiệp Việt trong ngành logistics, Viettel Post đang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để giảm chi phí logistics.

Chia sẻ về quá trình ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp, ông Đinh Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel Post cho biết, Viettel post đã số hóa toàn bộ quá trình chuyển phát và giao nhận. Việc số hóa sẽ giúp doanh nghiệp biết được quá trình bị nghẽn ở đâu để phân bổ nguồn lực hợp lý.

Đặc biệt, Viettel đã đưa hệ thống robot vào hoạt động trong kho phân loại hàng hóa, giúp hiệu quả làm việc tăng lên rõ rệt (tăng 20 - 30%). Robot là những “công nhân” có thể làm ngày, làm đêm trong các nhà kho. Khi các nhà kho tắt điện, robot vẫn có thể làm việc, giúp tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm chi phí. “Nhờ áp dụng số hóa, tự động hóa, tối ưu quy trình, doanh nghiệp đã cắt giảm được đáng kể chi phí giao hàng và tiết giảm được giá thành”, Phó tổng giám đốc Viettel Post khẳng định.

Với doanh nghiệp nước ngoài, DSV Air & Sea Việt Nam là một trong những công ty đang hoạt động tại Việt Nam đã thành công trong việc chuyển đổi số. Ông Eric

Herding, Tổng giám đốc DSV Air & Sea Việt Nam cho rằng, có 3 yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, đó là nhân sự về công nghệ thông tin, thay đổi quy trình và chất lượng dữ liệu. “DSV Air & Sea Việt Nam đầu tư chủ yếu vào con người, tiếp đó là đầu tư vào cơ sở vật chất và thiết bị được sử dụng để cung cấp dịch vụ cho khách hàng”, ông Eric Herding chia sẻ kinh nghiệm.

Bình luận thêm về câu chuyện hàng giá rẻ, vận chuyển nhanh từ Trung Quốc về Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của dư luận thời gian qua, ông Sơn khẳng định, Viettel Post cũng có thể làm được như mô hình mà các sàn thương mại điện tử Trung Quốc đang làm. Tuy vậy, muốn rút ngắn được thời gian giao hàng và tiết kiệm được chi phí cho cả hai bên, thì hàng hóa của người bán phải có sẵn trong kho. Còn hiện nay, nếu mỗi người chọn một mảng, một kho và hàng hóa khác nhau, thì rất khó có thể tiết kiệm được thời gian và chi phí.

“Ở Việt Nam không có giá vận chuyển rẻ nhất, mà phải đi tìm giá vận chuyển rẻ hơn cho khách hàng. Viettel Post đã tiết kiệm thời gian cho khách hàng cũng như tiết giảm được giá thành”, ông Sơn nói.

Chủ động xanh hóa

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, doanh nghiệp logistics buộc phải thực hiện quá trình chuyển đổi kép, gồm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để bứt phá vượt lên. Đây là thách thức không nhỏ, bởi hầu hết các doanh nghiệp logistics Việt Nam đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh nghiệm, nguồn vốn, trình độ nguồn nhân lực… còn hạn chế. Tuy nhiên, đây cũng là động lực để các doanh nghiệp nỗ lực chuyển đổi nhanh hơn. Trong “cuộc đua” này, doanh nghiệp nào nắm bắt tốt cơ hội sẽ vượt lên.

Chia sẻ về định hướng chiến lược xây dựng cảng xanh, thông minh, ông Cao Hồng Phong cho biết, Gemadept thực hiện phát triển bền vững bắt đầu từ những việc đơn giản như thành lập Ban ESG, thực hiện việc kiểm kê phát thải khí nhà kính tại các cảng của Gemadept hàng năm, sau đó xây dựng lộ trình giảm phát thải, phát triển cảng xanh.

Về trang thiết bị, Gemadept chuyển đổi sử dụng nhiều thiết bị điện thay thế dầu diesel, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Đặc biệt, Gemadept đã thực hiện sáng kiến trồng rừng tại Vĩnh Long.

Nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn đặt câu hỏi rằng, tiền đâu để làm cảng thông minh, phát triển xanh? Câu trả lời là, hiện có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp về chi phí để phát triển logistics xanh.

Ông Eric Herding, Tổng giám đốc DSV Air & Sea Việt Nam cho biết, DSV Air & Sea thực hiện chuyển đổi xanh trước tiên bằng việc tạo dữ liệu và tính toán để lập cơ sở phát thải CO2 cho các dịch vụ đang có. Với dữ liệu quan trọng đó, doanh nghiệp phân tích và đánh giá để tìm ra cơ hội giảm phát thải. Sau đó, dành quỹ đầu tư các thiết bị và phương tiện bền vững hơn.

Không chỉ thực hiện chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp của mình, DSV Air & Sea Việt Nam còn có thể hỗ trợ các đối tác phát triển bền vững. “Chúng tôi có thể nộp đơn xin tài trợ để cùng các đối tác của mình đầu tư pin năng lượng mặt trời trong các nhà kho, xe tải điện, xe tải giao hàng… nhằm giải quyết vấn đề giảm phát thải khí nhà kính”, ông Eric Herding cho biết thêm.

Khi thực hiện phát triển bền vững, ngoài lợi ích được hưởng trực tiếp, trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội lớn hơn. Câu chuyện của Gemadept là minh chứng rõ nhất cho chiến lược phát triển bền vững và được đối tác, thị trường công nhận.

Vào cuối tháng 5/2024, Ngân hàng TNHH MTV HSBC (Việt Nam) và Gemadept đã ký kết thỏa thuận tài trợ tín dụng liên kết bền vững. Thỏa thuận tài trợ này cũng đánh dấu khoản tín dụng liên kết bền vững đầu tiên mà HSBC thu xếp thành công cho một doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực khai thác cảng và logistics.

Quan sát thực tế việc chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp logistics Việt Nam, ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp rất chủ động trên hành trình xanh hóa ngành logistics bằng việc chủ động phát triển các công cụ tính toán, đo lường carbon, hay như nỗ lực làm giàu rừng để tạo ra tín chỉ carbon mới.

Tuy vậy, so với các doanh nghiệp quốc tế, doanh nghiệp trong nước cần phải cải thiện thêm về quy mô, chất lượng dịch vụ và khả năng ứng dụng công nghệ. “Đây là thời điểm các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần nhanh chóng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và tái cấu trúc mô hình kinh doanh để bắt kịp xu hướng phát triển toàn cầu. Đầu tư vào công nghệ mới, cải tiến quy trình vận hành và tăng cường liên kết trong hệ sinh thái logistics là yếu tố quyết định để doanh nghiệp có thể bứt phá”, ông Khoa nhấn mạnh.

Cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, Chủ tịch VLA cho rằng, để phát triển logistics xanh, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc đầu tư hạ tầng liên kết vùng và cơ cấu lại các loại hình vận tải, tăng cường các hoạt động vận tải thân thiện với môi trường như vận tải thủy nội địa…

Doanh nghiệp cũng mong muốn, Chính phủ kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi đối với ngành logistics thông qua cải cách thủ tục hành chính. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp logistics trong nước có thêm động lực và điều kiện để phát triển logistics xanh, bền vững hơn.

Đoàn doanh nghiệp dự Hội nghị Logistics 2024 đến tham quan Cảng Quốc tế Long An
Ngày 1/11, Cảng Quốc tế Long An tổ chức đón gần 80 đại biểu đến từ các tổ chức, doanh nghiệp, dối tác tham gia trong chuỗi sự kiện Hội nghị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư