Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 10 tháng 12 năm 2024,
Chuyển đổi số đặt ra nhiều vấn đề mới đối với nghề luật và đào tạo luật
Kỳ Thành - 07/11/2024 21:13
 
Sự phát triển công nghệ, chuyển đổi số đã đặt ra nhiều vấn đề mới, xuất hiện các lĩnh vực pháp lý mới, đòi hỏi sự cập nhật và thích ứng trong đào tạo nhân lực nghề luật.
PGS.TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học quốc gia “Đào tạo Luật trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam”.

Ngày 7/11, Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ phối hợp với Trường đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Đào tạo Luật trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam”. Đây là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, lãnh đạo và quản lý cùng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về những yếu tố lý luận và thực tiễn trong việc đào tạo pháp lý ở thời đại công nghệ số.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, sự phát triển công nghệ, chuyển đổi số đã đặt ra nhiều vấn đề mới, xuất hiện các lĩnh vực pháp lý mới. “Chưa bao giờ xuất hiện nhiều tình huống pháp lý mới chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi phát triển tư duy pháp lý linh hoạt và sáng tạo để đưa ra các giải pháp pháp lý phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức nghề luật”, PGS.TS Trần Quang Tiến cho hay.

Phân tích từ góc độ Luật Dân sự, TS. Kiều Thị Thùy Linh, Phó trưởng Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, trong bối cảnh chuyển đổi số, những vấn đề pháp lý mới xuất hiện như các loại tài sản mới, các dạng thức mới của hình thức giao dịch dân sự.

“Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo, blockchain, nhiều dạng thức mới đã hình thành và thậm chí đặt ra vấn đề nên thừa nhận đó là tài sản như tiền mã hóa, tài sản ảo, các bức tranh, bài hát được sáng tạo bởi trí tuệ nhân tạo (AI). Bên cạnh đó, quan niệm truyền thống về hình thức giao dịch dân sự gồm văn bản, lời nói (miệng) và hành vi dường như dần trở nên ‘lạc hậu’. Các giao dịch được thực hiện trên các nền tảng khác nhau như mua bán hàng trực tuyến hay kết hợp những hình thức như trao đổi bằng thư điện tử, bằng các ứng dụng nhắn tin, điện thoại đặt ra việc phải có quan niệm mới về hình thức giao dịch dân sự để đáp ứng nhu cầu thực tiễn”, TS. Kiều Thị Thùy Linh dẫn chứng và khẳng định, dù còn nhiều vấn đề mà luật chưa quy định, nhưng trong giảng dạy Luật Dân sự, giảng viên đã phải lồng ghép các vấn đề mới này.

TS. Kiều Thị Thùy Linh cho biết, chuyển đổi số làm xuất hiện những vấn đề pháp lý mới.

Cũng theo các chuyên gia tại hội thảo, công nghệ trí tuệ nhân tạo đã và đang tạo ra những thay đổi sâu rộng trong cách thức hoạt động của ngành luật.

Trong các ứng dụng ở cấp độ thấp, nơi có hệ thống quy tắc rõ ràng và đơn giản cùng với chuẩn hóa bằng chứng cao, công nghệ trí tuệ nhân tạo pháp lý có khả năng thay thế công việc của nhiều người hành nghề luật. Trong các ứng dụng cấp cao, trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ hoặc thậm chí thay thế một phần công việc của các chuyên gia pháp lý trong các tình huống phức tạp, tạo ra một chế độ xử lý vụ án hợp tác giữa con người và máy tính.

Để nâng cao chất lượng đào tạo luật trong bối cảnh hiện nay, theo TS. Đào Mạnh Hoàn, Viện Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Tài chính Ngân hàng Hà Nội, cần xây dựng khung năng lực số cho sinh viên nói chung và sinh viên ngành luật nói riêng.

Sinh viên ngành Luật cần có Khung năng lực số riêng vì: Sinh viên truy cập vào cơ sở dữ liệu trực tuyến để tiếp cận các tài liệu pháp lý, luật, pháp luật và các công trình nghiên cứu, xác minh hiệu lực pháp luật của các văn bản quy phạm pháp luật, từ đó phát hiện văn bản đã hết hiệu lực, chồng chéo, mâu thuẫn hay các văn bản còn thiếu, phát hiện ra các lỗ hổng pháp lý; sử dụng công cụ phân tích để xử lý và phân tích dữ liệu về các vụ án, vụ việc phức tạp; kiểm tra và phân tích tính chính xác của các văn bản luật; sinh viên sử dụng các công cụ để thu thập tài liệu, chứng cứ và xác minh tính chân thực của tài liệu, chữ ký và các bằng chứng số; tham gia vào các mô phỏng tình huống pháp lý, các phiên tòa giả định, phiên tòa trực tuyến…, TS. Đào Mạnh Hoàn đề nghị.

Các ý kiến và kết quả từ Hội thảo có thể được sử dụng để định hướng chính sách đào tạo luật trong bối cảnh chuyển đổi số.

Đối với giảng viên, TS. Nguyễn Đức Toàn, Phó viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, để việc giảng dạy đạt hiệu quả, các giảng viên cần thường xuyên cập nhật, bổ sung nguồn tài liệu nhất là tài liệu điện tử, giáo án điện tử, sách điện tử vào giảng dạy và nghiên cứu giúp sinh viên truy cập tài liệu một cách dễ dàng, hiệu quả và tiết kiệm chi phí.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh chuyển đổi số, các trường luật cần cập nhật chương trình đào tạo luật phù hợp với kỷ nguyên số, xây dựng môi trường học tập và nghiên cứu pháp lý số, phát triển chương trình học liên ngành kết hợp giữa lĩnh vực pháp lý và công nghệ thông tin, hỗ trợ sinh viên tham gia vào dự án nghiên cứu công nghệ pháp lý…, TS. Nguyễn Đức Toàn đề nghị.

ChatGPT đặt ra nhiều thách thức trong vấn đề quyền sở hữu trí tuệ
ChatGPT không chỉ là một chương trình máy tính mà đang đặt ra nhiều thách thức đối với góc độ pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ như bản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư