Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
“Chuyển đổi số là chìa khoá để tiếp cận chương trình giáo dục chất lượng cao”
Hồng Phúc - 12/03/2021 18:55
 
Chuyển đổi số giúp giảm chi phí và ai cũng có thể tiếp cận chương trình giáo dục chất lượng cao nhưng theo giám đốc quốc gia ELSA tại Việt Nam, có những rào cản nhất định cần giải quyết.

Theo báo cáo PISA năm 2020 do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố, việc học trực tuyến để phòng, chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Cụ thể, có 79,7% học sinh phổ thông tại Việt Nam được học trực tuyến. 

Còn trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, giáo dục và đào tạo là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện. 

Với quy mô hơn 53.000 cơ sở giáo dục đào tạo, 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,4 triệu giáo viên, ngành giáo dục xác định thực hiện tốt chuyển đổi số sẽ góp phần triển khai thành công Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đóng góp cho nền kinh tế số, xã hội số và hình thành quốc gia số.

Baodautu.vn có cuộc trao đổi với ông Michael Ngô, giám đốc quốc gia tại Việt Nam của ELSA về xu hướng dạy và học trực tuyến cũng như giải pháp cần thực hiện để quá trình dạy và học trên môi trường số đạt hiệu quả hơn. 

.
Ông Michael Ngô, giám đốc quốc gia tại Việt Nam của ELSA (Nguồn: ELSA).

Theo ông, tại sao cần dạy và học trực tuyến?

Dạy và học trực tuyến sẽ đảm bảo được sự linh hoạt cần thiết cho người dạy lẫn người học, để nhanh chóng thích nghi với các tình huống có thể xảy ra bất ngờ, đặc biệt trước tình hình dịch bệnh khó lường như thời gian qua. 

Nhưng xa hơn là, tận dụng sự hỗ trợ từ công nghệ cho phép chúng ta xoá bỏ được những rào cản tưởng chừng không thể vượt qua trước đây, có thể kể đến như khó khăn về thời gian, khoảng cách, chi phí, đều có thể được giải quyết bằng việc chuyển đổi sang dạy và học trực tuyến. 

Giờ đây, chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi từ những người dạy giỏi nhất hoặc từ những kho tài nguyên tốt nhất thế giới với lịch trình linh hoạt, ngay tại nhà, mà không cần phải di chuyển giữa các quốc gia hay các thành phố. 

Một bài học, khoá học hay một chứng chỉ đã từng có chi phí lên đến hàng ngàn đô la, giờ chỉ tốn một phần nhỏ so với trước đây, vì mức độ tiếp cận đã vượt ra khỏi khuôn khổ của bất kỳ khoảng cách vật lý nào có thể có được. 

Đại dịch khiến nhiều địa phương đưa ra yêu cầu dạy - học trực tuyến nhưng theo ông quan sát của ông, cả giáo viên cũng như học sinh có hưởng ứng việc này chưa?

Thậm chí là trước khi đại dịch xảy ra, chuyển đổi số vốn đã là một chủ đề sôi nổi. Theo tôi, dịch bệnh không làm thay đổi kế hoạch chuyển đổi số, mà thay vào đó giúp mọi việc xảy ra nhanh hơn. 

Trong bối cảnh đối đầu với dịch bệnh, với tư cách một quốc gia, Việt Nam chúng ta đã có những cống hiến tuyệt vời nhằm ngăn chặn sự lây lan, và vì thế tôi cho rằng mỗi giáo viên và học sinh đều cần chung tay với đất nước, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người.

Cá nhân tôi rất vui khi chứng kiến nhiều tổ chức giáo dục, trường học, trung tâm giảng dạy có những phương pháp thích nghi nhanh và hiệu quả trong quá trình chuyển đổi số này. 

ELSA đã và đang nhận được sự quan tâm ngày một gia tăng từ các đơn vị giáo dục, như một giải pháp hữu hiệu cho việc dạy và học trực tuyến. 

Học sinh không cần phải đến lớp, vẫn có thể sử dụng ứng dụng để tự luyện tập tiếng Anh và tiến bộ mỗi ngày và giáo viên có thể theo dõi thường xuyên quá trình học tập của học sinh thông qua bộ giải pháp B2B của ELSA. 

Đang có những bất cập hay khó khăn nào (cả chủ quan lẫn khách quan) cản trở quá trình dạy - học trực tuyến tại Việt Nam trở nên chất lượng hơn?

Chuyển đổi số giúp cắt giảm chi phí và là chìa khoá để bất cứ ai cũng có thể tiếp cận chương trình giáo dục chất lượng cao. 

Tuy nhiên, theo tôi vẫn có những rào cản nhất định mà chúng ta cần vượt qua, bao gồm khả năng tiếp cận internet, thiết bị truy cập, và hơn hết là sự tiếp nhận rộng rãi của phương pháp học trực tuyến.

Nói về việc dạy và học trực tuyến, chúng ta có thể thấy điều này dần trở thành lẽ thường trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Và xu hướng này chắc chắn sẽ trở nên phổ biến trong thời gian tới khi giáo dục Việt Nam tiếp tục phát triển. 

.
Ảnh minh hoạ: Giáo viên sử dụng phần mềm VNPT E-Learning  dạy học trực tuyến.

Vậy theo ông, từ các cấp chính quyền đến lãnh đạo trường, từ giáo viên đến người học, thậm chí là phụ huynh cần phải làm gì để góp phần cho việc dạy - học trực tuyến trở nên hiệu quả hơn?

Theo tôi, điều đầu tiên và quan trọng hơn hết chính là tư duy.

Chúng ta cần phải cởi mở hơn khi nhìn nhận về những lợi ích mà dạy và học trực tuyến mang lại, nhưng đồng thời cũng chuẩn bị đầy đủ để giải quyết những thách thức đi kèm, luôn có kế hoạch hành động sẵn sàng. 

Điều này cũng không khác gì việc dạy và học ngoại tuyến (offline), ở đâu cũng sẽ có điểm tốt và điểm cần khắc phục. 

Khi có thể, tôi nghĩ các cơ sở giáo dục nên tận dụng phương pháp học kết hợp điểm mạnh của online và offline với nhau. Từ đó, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội sẽ có được lợi ích tốt nhất. 

Liệu có cần kết hợp giữa dạy - học online kết hợp offline theo một tỷ lệ nhất định trước khi chuyển hoàn toàn dạy học trực tuyến?

Tôi không nghĩ là có một cách thức hay một tỷ lệ cụ thể nào có thể đảm bảo hoàn hảo được. Tất cả đều phù thuộc vào các tình huống thực tế của các trường học, của học sinh và các gia đình. 

Theo tôi, điều cần thiết là các cơ sở giáo dục cần linh hoạt chuyển đổi và sẵn sàng nhiều hình thức, sản phẩm, công cụ và giáo trình online khác nhau. 

Đồng thời, so sánh kỹ lưỡng với mô hình, nội dung offline đang hiện hữu tại cơ sở, để đưa ra giải pháp cân bằng tốt nhất và phù hợp nhất với nhu cầu thực tiễn của đơn vị.

Điển hình như hiện nay, nhiều đối tác của chúng tôi khi kết hợp ELSA vào chương trình giảng dạy của họ, đã chủ động nghiên cứu ứng dụng và xây dựng bộ bài giảng tương thích nhất với điều kiện của nhà trường, của giáo viên và học sinh. 

Không đơn vị nào giống hoàn toàn với đơn vị nào và vì dù cho là ngôn ngữ nào, dù cho bạn học trực tiếp với giáo viên hay tự học 100%, mấu chốt nằm ở chất lượng. 

Có hai luận điểm: (1) Đại dịch buộc mọi người học trực tuyến nhưng thị trường giáo dục trực tuyến Việt Nam sẽ không tăng trưởng nhanh cho đến khi chất lượng giảng dạy online đạt chuẩn ngang ngửa với offline và (2) công nghệ chỉ là công cụ hỗ trợ, còn tính tương tác và nội dung bài giảng mới là yếu tố trọng tâm của dạy-học, bất kể off hay online. Quan điểm của ông như thế nào về hai luận điểm trên?

Cả hai luận điểm đều thú vị. Nhưng cá nhân tôi không hoàn toàn đồng ý cụ thể luận điểm nào, vì tôi cho rằng cả hai đều làm vấn đề trở nên đơn giản quá mức. 

Học trực tuyến có nhiều dạng khác nhau, với nhiều giải pháp và cách thức thực hiện khác nhau.

Ví dụ, trong luận điểm 1, việc “đại dịch buộc mọi người học trực tuyến” chủ yếu nói về việc thực hiện các lớp học offline trên nền tảng trực tuyến. Nên “chất lượng” mà chúng ta bàn đến ở đây là nội dung giảng dạy cốt lõi, bởi vì dù offline hay online thì trong trường hợp này học sinh vẫn sẽ tiếp thu những nguyên liệu học không khác nhau. 

Công nghệ khi đó sẽ có thể được sử dụng để tăng cường trải nghiệm học tập cho học sinh, giúp các em tương tác với nội dung nhiều hơn, từ đó gia tăng mức độ ghi nhớ và sự hào hứng học tập.

Với luận điểm 2, tôi có phần đồng tình nhiều hơn là phản đối, khi nói đến tính tương tác và nội dung bài giảng là yếu tố trọng tâm của dạy và học, bất kể online hay offline. 

Nhưng theo tôi thì đó không hẳn là yếu tố quan trọng duy nhất. Trong thời đại ngày nay, không khó để chúng ta có thể nhìn nhận rằng công nghệ không đơn thuần chỉ là một công cụ hỗ trợ. 

Có ý kiến rằng “cách bạn nói cũng quan trọng như điều bạn muốn nói”, do đó cách mà các bài giảng được thiết kế và trình bày đến học sinh sẽ tạo ra tác động to lớn đối với các em. 

Việc sử dụng các công nghệ tiên tiến hiện nay, như trí tuệ nhân tạo theo cách mà ELSA đang làm, sẽ có thể giúp cho bài giảng có độ cá nhân hoá cao hơn đến với từng học sinh, tối ưu khả năng học tập và lưu giữ kiến thức của các em.

Trong những trường hợp như thế, trí tuệ nhân tạo có thể trở thành một công cụ rất thiết thực và hữu hiệu. 

Một giáo viên sẽ khó có thể theo sát từng học sinh riêng lẻ, nhưng với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, giáo viên hoàn toàn có thể có những hướng dẫn và sâu sát hơn với từng em. 

Và thông qua dữ liệu học tập thu thập được người giáo viên đó sẽ chủ động hơn trong việc chuẩn bị các nội dung giảng dạy hiệu quả. 

Xin cảm ơn ông.

"Tìm kiếm Đại sứ E-Learning Việt Nam" đánh thức cảm hứng dạy và học trực tuyến
Tập đoàn Hương Việt phối hợp cùng Báo Giáo Dục và Thời Đại đồng tổ chức và phát động chương trình "Tìm kiếm Đại sứ E-Learning Việt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư