Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 05 năm 2024,
Chuyển đổi số ngân hàng: Loạt giải pháp mới sẽ ngăn tội phạm lợi dụng lừa đảo
Thùy Liên - 08/05/2024 14:02
 
Tại sự kiện chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 diễn ra sáng 8/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an tin rằng các giải pháp chuyển đổi số mới sẽ loại bỏ hoàn toàn các điều kiện để tội phạm mạng lợi dụng.

87%người trưởng thành đã có tài khoản tại ngân hàng

Đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017 – 2023 đạt trên 100%/năm.

Hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830.000 tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính & bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày. Các công nghệ số mới, thành tựu của cuộc CMCN 4.0 cũng được ứng dụng mạnh mẽ để phục vụ nhu cầu phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân, doanh nghiệp.

Hiện Việt Nam đã hoàn thành kết nối thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan, Campuchia và đang triển khai với Lào, dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng ra các nước trong và ngoài khu vực Asean.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết thêm, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, tiếp tục triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, bố trí nguồn lực hợp lý cho hoạt động chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số…  

An ninh, an toàn hệ thống là thách thức lớn nhất

Cơ sở dữ liệu là trái tim của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng. Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, tính đến hết tháng 4/2023, Bộ Công an đã thực hiện cấp số định danh cá nhân cho 100% công dân với trên 104 triệu dữ liệu; 86 triệu thẻ căn cước công dân cho 100% công dân đủ điều kiện trên toàn quốc; 75,16 triệu hồ sơ định danh điện tử; kích hoạt trên 53,88 triệu tài khoản định danh điện từ. Với những kết quả nổi bật như trên, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã trở thành "trái tim" của chuyển đổi số.

Thời gian qua, lãnh đạo ngành Ngân hàng đã chủ động phối hợp Bộ Công an, xây dựng và ký kết Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN để ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.  

Ngoài hoàn thiện khung pháp lý, ngành ngân hàng đã thực hiện xác thực, làm sạch 49 triệu dữ liệu của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, 3,5 triệu dữ liệu của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, ví điện tử và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai làm sạch với số dữ liệu còn lại. Đồng thời, phối hợp triên khai xác minh những tài khoản nghi ngờ giả mạo phục vụ công tác quản lý nhà nước, phòng chống rửa tiền, phòng chống tội phạm, xây dựng lòng tin của người dân.

Ngành cũng ứng dụng giải pháp xác thực thẻ căn cước công dân gắn chip sớm, nhanh và phổ cập nhất (với việc sử dụng các thiết bị đọc xác thực tại các quầy giao dịch, xác thực trên thông tin qua đọc NFC giải mã các thông tin lưu trữ trong chip của thẻ Căn cước công dân thay thế công nghệ cũ truyền thống trước đây tiềm ẩn nhiều rủi ro khi người dân mở tài khoản), đến nay, đã sử dụng và đưa vào nghiệp vụ lõi để định danh một cách an toàn, hiệu quả với 1,5 triệu lượt sử dụng dịch vụ. Trung bình mỗi tháng từ 300 - 500 nghìn lượt (tăng trưởng 30% hàng tháng). Chất lượng và trải nghiệm dịch vụ đã đọc và xác thực thành công với các thiết bị đầu đọc chưa đến 2 giây và trên điện thoại từ 3 - 5 giây.

“Với giải pháp này, tôi tin tưởng rằng sẽ từng bước thay thế hoàn toàn các giải pháp truyền thống như trước đây và loại bỏ hoàn toàn các điều kiện để tội phạm lợi dụng phạm tội, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ”, Thứ trưởng chia sẻ.

Mặc dù đánh giá cao nỗ lực chuyển đổi số của ngành ngân hàng, song Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng cho rằng, việc đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống là thách thức không nhỏ tron gkhi nguy cơ bị tấn công ngày càng gia tăng.

Mặt khác, cũng chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông... trong việc giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống, bảo vệ dữ liệu khách hàng, người dân, doanh nghiệp...

“Đây là những nguyên nhân căn cơ dẫn đến chậm tiến độ đề ra gây lãng phí tài nguyên cơ sở dữ liệu, đánh mất cơ hội được sử dụng các tiện ích, văn minh xã hội mà người dân đáng ra phải được hưởng, gây mất niềm tin của nhân dân vào quá trình chuyên đối số quốc gia” Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhận định.

Trước những hạn chế trên, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc kiến nghị, thời gian tới ngành ngân hàng cần tiếp tục hoàn thiện cần tập trung hoàn thành số hóa, làm sạch dữ liệu để phục vụ xác thực, kết nối, khai thác dữ liệu "gốc" là dữ liệu về dân cư, căn cước, định danh điện tử.

Cùng với đó, về hạ tầng, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin là vấn đề quan trọng đặc biệt là trong bối cảnh các hệ thống lớn liên tục bị tấn cộng, rủi ro về tài chính là vấn đề rất nghiêm trọng đối với việc phát triển kinh tế tại các quốc gia.

Phó Thống đốc: Chuyển đổi số ngân hàng phải gắn với tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng
Thống đốc vừa ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng năm 2030. PGS.TS Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN trao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư