Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Chuyên gia Cấn Văn Lực: Cần thêm gói hỗ trợ, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp
Nguyễn Lê - 27/09/2021 10:24
 
Bên cạnh gia hạn một số chính sách hỗ trợ hiện tại đến khi đạt tỷ lệ tiêm chủng người lớn 70%, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị Chính phủ xem xét ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo.
.
Toàn cảnh tọa đàm về kinh tế - xã hội tại đầu cầu Nhà Quốc hội.

Nên xem xét hỗ trợ cả các hãng hàng không tư nhân theo hướng cho phép cho vay theo lãi suất thỏa thuận, có ưu đãi đối với hãng hàng không đang bị thua lỗ nhưng triển vọng phục hồi trung - dài hạn là tích cực, TS Cấn Văn Lực khuyến nghị.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia là một trong số các chuyên gia có mặt tại Toạ đàm về kinh tế - xã hội do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì sáng nay (27/9).

Chỉ có thời gian 7 phút nên trong phần phát biểu trực tiếp, ông Lực không nói được hết các ý kiến đã chuẩn bị: kinh nghiệm quốc tế về triển khai các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ và khuyến nghị đối với Việt Nam.

Trong bản tham luận được phát hành tại tọa đàm, dẫn số liệu từ IMF (7/2021, thống kê từ 197 quốc gia, lãnh thổ), ông Lực cho biết tính đến hết quý 2/2021, thế giới đã cam kết chi 17.910 tỷ USD, tương đương 15,9% GDP toàn cầu năm 2020, trong đó khoảng 10.905 tỷ USD (9,7% GDP, chiếm 61% tổng các gói hỗ trợ) là các gói hỗ trợ tài khóa, còn lại 7.005 tỷ USD (6,2% GDP, chiếm 39%) là các giải pháp tiền tệ.

Với Việt Nam, nhằm đối phó với những tác động của đại dịch Covid-19, trong năm 2020 Việt Nam đã sớm đưa ra 4 gói hỗ trợ, tổng giá trị công bố khoảng 1,1 triệu tỷ đồng; tuy nhiên tổng giá trị thực - tức là tổng chi phí mà Chính phủ và các tổ chức tín dụng (TCTD) cam kết bỏ ra ước tính khoảng 184,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,94% GDP năm 2020.

Kết quả việc triển khai gói hỗ trợ tài khóa mới đạt khoảng 46% giá trị và gói an sinh xã hội mới đạt khoảng 63%, theo vị chuyên gia này là chậm, đã phần nào ảnh hưởng tới hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Nguyên nhân của tình trạng này được ông Lực đánh giá chủ yếu là do: điều kiện đặt ra ban đầu chưa phù hợp, chưa rõ ràng, chưa sát thực tiễn; qui trình, thủ tục còn phức tạp, xử lý lâu khiến nhiều doanh nghiệp e ngại; Nhiều DN rất khó khăn, làm ăn thua lỗ nên không phát sinh nghĩa vụ nộp thuế.

Ngoài ra còn có cả nguyên nhân do truyền thông, công khai minh bạch thông tin và mẫu biểu trên mạng chưa tốt, dẫn đến nhiều doanh nghiệp chưa biết cụ thể các chính sách hỗ trợ và việc phối kết hợp triển khai tại một số đơn vị, địa phương còn chậm.

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

Trong các chính sách hỗ trợ tài khóa của năm 2021, ông Lực đề cập khoản cho vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0%, thời hạn 1 năm (quay vòng tối đa 2 lần) hỗ trợ Vietnam Airlines; đã ký kết hợp đồng tín dụng ngày 7/7/2021; tổng giá trị ngân sách hỗ trợ (thông qua NHNN) khoảng 480 tỷ đồng (giả định quay vòng tối đa).

Ông Lực cũng cho biết, đối với lĩnh vực hàng không, đến nay đã có 88 quốc gia có nhiều biện pháp hỗ trợ với các doanh nghiệp trong ngành vốn bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.

Đưa ra nhiều khuyến nghị, ông Lực cho rằng, ngoài gói hỗ trợ 21,3 nghìn tỷ đồng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua, cần tăng khả năng tiếp cận vốn hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp. Theo đó, nên xem xét hỗ trợ cả các hãng hàng không tư nhân (theo hướng cho phép cho vay theo lãi suất thỏa thuận, có ưu đãi đối với hãng hàng không đang bị thua lỗ nhưng triển vọng phục hồi trung – dài hạn là tích cực). Tăng khả năng tiếp cận vốn, hỗ trợ thanh khoản đối với DNNVV có trọng tâm, trọng điểm, có thời hạn cụ thể.

Liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp, khi xem xét một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 trong phiên họp thứ ba của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý tiếp tục rà soát để xem chính sách tín dụng, lãi suất tiếp tục có thể cho một số ngành, một số lĩnh vực bị tác động rất lớn mà hiện nay chưa nằm trong danh sách ưu tiên của chúng ta.

Nên có thêm các gói hỗ trợ

Bên cạnh việc gia hạn một số chính sách hỗ trợ hiện tại ít nhất là đến khi Việt Nam đạt tỷ lệ tiêm chủng người lớn 70% (hết quý 2/2021), chuyên gia  Kinh tế trưởng BIDV khuyến nghị Chính phủ xem xét ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, với tổng giá trị bổ sung khoảng gần 40 nghìn tỷ đồng (0,62% GDP năm 2020), chưa kể giá trị các gói hỗ trợ hiện tại có thể còn gia tăng khi được điều chỉnh, gia hạn.

Cụ thể, mở rộng đối tượng hỗ trợ người lao động tới tất cả lao động phi chính thức (lao động tự do) với mức trợ cấp 1 triệu đồng/người với quy mô 29.300 tỷ đồng (khoảng 29,3 triệu người, chiếm 53,7% lực lượng lao động là lao động tự do), ngoài phần hỗ trợ riêng của các địa phương theo Nghị quyết 68.

Theo đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khâu đăng ký, thẩm định và chuyển tiền cho dân như: cho phép đăng ký qua mạng; tận dụng hệ thống thông tin, dữ liệu hiện có và tham khảo/đối chiếu qua hệ thống dữ liệu của các tổ chức khác (như BHXH, nhà mạng, doanh nghiệp điện, nước...) và tổ chức đoàn thể địa phương (nếu cần) để xác định đối tượng nhanh, trúng và đầy đủ hơn; kết hợp nhiều kênh chuyển tiền cho dân (qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử, dịch vụ tiền di động - mobile money...; ngoài kênh phát tiền trực tiếp như đang làm).

Với gói hỗ trợ tiền điện, ông Lực khuyến nghị nên mở rộng đối tượng và giảm mạnh hơn cho người dân và doanh nghiệp, tương đương năm năm 2020 (khoảng 10.900 tỷ đồng); theo đó, EVN có thể xem xét mở rộng đối tượng được giảm, với ngân sách giảm bổ sung khoảng 7.750 tỷ đồng.

Còn với gói hỗ trợ viễn thông, quan điểm của chuyên gia Cấn Văn Lực là nên thiết thực hơn để nhiều người có thể tiếp cận và được hưởng, chẳng hạn nên giảm giá cước 20-30% trong 3 tháng, thay vì cách hỗ trợ bằng nâng cấp hạ tầng, khuyến mại cho một số đối tượng như hiện nay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư