Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Có bằng chứng Việt Nam đã dính bẫy thu nhập trung bình
Nguyên Đức - 14/04/2014 15:35
 
Không còn là một nguy cơ xa xôi, mà bẫy thu nhập trung bình, theo Giáo dư Kenichi Ohno, đã trở thành thực tế cho Việt Nam. Đã có những bằng chứng cho thấy Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Xác định rõ kinh tế Việt Nam đã thị trường đến đâu?
Năm 2014: Cần tư duy chịu trả giá để làm thật
Tránh nguy cơ tụt hậu và bẫy thu nhập trung bình
Việt Nam chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình

Giáo sư Kenichi Ohno, Việt Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS), người đã có nhiều năm gắn bó với Việt Nam và có nhiều nghiên cứu về các vấn đề kinh tế - xã hội ở Việt Nam, rất thẳng thắn đã bày tỏ quan điểm rằng, sau một vài năm đạt được thu nhập trung bình thấp, thì bẫy thu nhập trung bình không còn là một nguy cơ xa xôi, mà đã trở thành thực tế cho Việt Nam.

  Có bằng chứng Việt Nam đã dính bẫy thu nhập trung bình  
  Giáo sư Kenichi Ohno  

"Có bằng chứng cho thấy Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình, hoặc khả năng để vướng vào bẫy đó đã thực sự hiện hữu", Giáo sư Kenichi nói.

Dẫn câu chuyện từ năm 2008, khi Việt Nam đạt được mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.070 USD và trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nhiều nhà nghiên cứu và các chuyên gia đã bắt đầu thảo luận nghiêm túc về nguy cơ vướng bẫy trung bình, Giáo sư Kenichi cho biết, lúc ấy vướng bẫy thu nhập trung bình dường như chỉ là một nguy cơ trong tương lai.

Thậm chí, vào thời điểm đó, có quan điểm còn cho rằng, tranh luận như vậy là quá sớm đối với Việt Nam.

"Nhưng hiện nay, chúng ta không có thời gian để bàn về cái bẫy nữa, mà phải làm sao nhanh chóng hành động để vượt qua nó", Giáo sư Kenichi nói.

Vị giáo sư này cũng đã chỉ ra 5 "triệu chứng" của việc vướng bẫy thu nhập trung bình, bao gồm tăng trưởng chậm lại, năng suất sản xuất mờ nhạt, thiếu hụt của dịch chuyển cơ cấu theo đúng nghĩa, khả năng cạnh tranh trong bảng xếp hạng không có dấu hiệu tăng, và xuất hiện các vấn đề do tăng trưởng gây ra.

Phân tích kỹ hơn, Giáo sư Kenicho cho biết, bằng chứng đầu tiên của vướng bẫy thu nhập trung bình là tăng trưởng chậm lại. Sau năm 2006, tăng trưởng GDP của Việt Nam có xu hướng đi xuống, thay vì tốc độ tăng trưởng như dự kiến là 7-8%, giảm xống còn 5-6%.

"Tại Indonesia, người ta nói rằng, tăng trưởng dưới 6% là không thể chấp nhận, bởi vì đó sẽ là nguyên nhân gây ra nạn thất nghiệp và các vấn đề xã hội liên quan. Tại Việt Nam, cũng là một nền kinh tế tương đối trẻ với tiềm năng lớn cho phát triển hơn nữa, thì tăng trưởng dưới 5-6% cũng cần xem như một cuộc khủng hoảng xã hội", Giáo sư Kenichi bày tỏ quan điểm.

Bên cạnh các vấn đề về năng suất thấp, thiếu sự chuyển dịch cơ cấu theo đúng nghĩa..., những vấn đề được coi là điểm nghẽn của kinh tế Việt Nam, thì theo Giáo sư Kenichi, Việt Nam đang phải đối mặt với một loạt vấn đề do tăng trưởng gây ra.

Đó là lạm phát, bong bóng chứng khoán và bất động sản, nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước, mức sống giảm ở một bộ phận dân cư...

Liên quan đến vấn đề bẫy thu nhập trung bình, đã có nhiều quan điểm trái chiều. Tuy nhiên, cũng đã không ít chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước bày tỏ nguy cơ Việt Nam mắc bẫy thu nhập trung bình sớm hơn so với dự kiến.

Để tránh bẫy thu nhập trung bình, ngày mai (15/4/2014), Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổ chức một hội thảo xung quanh vấn đề này.

Khi đó, các vấn đề sẽ được xới xáo, làm rõ liệu Việt Nam đã mắc bẫy thu nhập trung bình hay chưa và làm sao để tránh nó.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư