Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cơ chế phải rõ mới mong hút vốn phát triển nguồn điện
Thanh Hương - 29/06/2022 08:56
 
Cần cơ chế, quy định rõ ràng, có khuyến khích, đồng lợi ích và chia sẻ rủi ro, mới mong phát triển được các nguồn điện mới.
Hiện chưa có quy định rõ ràng với điện gió ngoài khơi, chưa hoàn thành quy hoạch không gian biển quốc gia. Ảnh: Đức Thanh

Chờ chính sách

Việc điện mặt trời đã 18 tháng qua và điện gió cũng qua 8 tháng kể từ khi chính sách giá cố định (FIT) kết thúc mà chưa có chính sách mới được các chuyên gia cho là bất cập trong phát triển các nguồn điện này.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, trong khi điện mặt trời quy mô lớn chưa có quy định rõ ràng về cơ chế đấu thầu, thì điện mặt trời mái nhà cũng không có cơ chế khuyến khích phát triển. Chưa kể, cả hai loại nguồn điện mặt trời đều không quy hoạch phát triển trong 10 năm tới.

Với điện gió, tình hình không có gì sáng hơn khi cơ chế sau FIT chưa được ban hành, chưa có quy định rõ ràng với điện gió ngoài khơi, chưa hoàn thành quy hoạch không gian biển quốc gia. Với các nguồn điện được coi là sạch khác dù vẫn có nguồn gốc từ hoá thạch, như khí, tình trạng cũng không có gì sáng sủa.

Ông Tuấn đánh giá, 2 chuỗi dự án điện khí lớn nhất là Lô B - Ô Môn và Cá Voi Xanh - Quảng Nam, Quảng Ngãi đều bị chậm triển khai do các thủ tục phức tạp, hướng dẫn, quy định chưa rõ ràng, nhà đầu tư thượng nguồn (Cá Voi Xanh) kéo dài thời gian đàm phán.

Với nguồn điện sử dụng LNG nhập khẩu, ngoài việc số lượng dự án lớn, lên tới 17 dự án với tổng công suất 22.400 MW trong vòng 8 năm tới, câu chuyện về tính phức tạp, liên kết mắt xích của chuỗi nhiên liệu là điều không dễ giải trong thời gian ngắn.

“Yêu cầu hạ tầng tốn kém khi phát triển với quy mô không đủ lớn, hay giá LNG có xu hướng tăng, nhất là khi châu Âu chuyển từ mua khí đốt của Nga sang các nhà xuất khẩu khác”, ông Tuấn nêu thực tế này và nhận xét, thách thức lớn nhất là giá điện sẽ tăng cao khi nhập khẩu LNG với giá thị trường, dẫn tới kéo dài dàm phán hợp đồng mua bán điện; thời gian huy động của các nguồn điện than và khí sẽ giảm đáng kể khiến hiệu quả dự án giảm.

Ngay cả với thực trạng nhiều nước châu Âu xem xét tái khởi động nhiệt điện than thì việc triển khai nguồn điện này tại Việt Nam cũng không dễ dàng. Lý do được nhắc tới là, sau Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), nhiều quốc gia và tổ chức tài chính dừng cho vay các dự án điện than, kể cả với các nhà đầu tư BOT nước ngoài.

Ở phía nhà đầu tư, ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai các dự án điện than khá nhuần nhuyễn, đa số các chủ đầu tư dù thuộc doanh nghiệp nhà nước và nhất là tư nhân, đều thiếu kinh nghiệm, nhiều chủ đầu tư chỉ đăng ký chứ không thực sự triển khai.

Bên cạnh đó là sự không đồng thuận của các địa phương, mà chủ yếu là mối quan ngại về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Nút thắt từ giá điện?

Việc thu hút được nhiều tỷ USD đầu tư vào 16.500 MW điện mặt trời và khoảng 4.000 MW điện gió giai đoạn 2018-2021 có tác nhân chính là giá điện. Với giá điện được quy định cụ thể, được cho là hấp dẫn, quá trình đàm phán hợp đồng mua bán điện với EVN được rút ngắn nhiều, nên các nhà đầu tư tính ngay lợi nhuận có thể thu được và đổ xô vào đầu tư điện gió, điện mặt trời.

Có nhiều thách thức về chính sách, cơ chế để thực hiện và đảm bảo chuyển đổi năng lượng thành công, nhưng chi phí phải hợp lý nhất và nền kinh tế phải chịu đựng được.

- Ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN

Với nhà đầu tư đã hoàn thành công trình nhưng chưa bán điện lên lưới, việc chờ đợi chính sách mới khiến họ lúng túng. “Giá thấp hay cao thì ít ra cũng bán được điện, chứ không có giá, chính sách lại chưa rõ ràng, thì dự án phải nằm im gần cả năm nay. Chủ đầu tư chỉ biết ngồi chờ, rất áp lực và không giải thích được với các cấp cao hơn, cũng như cổ đông”, Nguyễn N., đến từ một quỹ đầu tư nước ngoài có dự án điện gió nằm chờ chính sách, chia sẻ. 

Công cuộc chờ đợi xem ra chưa có thời gian kết thúc khi ý tưởng về đấu thầu mua điện cho các dự án điện gió, điện mặt trời  đã làm xong mà chưa kịp phát điện để hưởng giá FIT mới đây đã nhận được chỉ đạo của Chính phủ là “làm đúng theo quy định của pháp luật”.

“Chúng tôi rất quan tâm tới động thái tiếp theo của Bộ Công thương sau khi có chỉ đạo của Chính phủ. Chính phủ/Bộ Công thương cần đưa ra phương án rõ ràng hơn để các nhà đầu tư có cơ sở thực hiện”, Nguyễn N. nói.

Ở các dự án điện khí, mọi con mắt đang đổ dồn vào LNG Bạc Liêu và LNG Nhơn Trạch 3-4 trong việc thu xếp vốn và các thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Tại Dự án LNG Bạc Liêu, các đề xuất về bảo lãnh, chuyển đổi ngoại tệ... chưa có lời giải vì chưa có tiền lệ nếu chiếu theo các quy định pháp luật hiện hành, cho dù trước đó có thể được thực hiện tại một số dự án điện BOT. Điều này khiến nhiều cơ quan liên quan chùn tay trong xử lý vướng mắc theo đề nghị của nhà đầu tư, vì không biết nên đề xuất theo hướng nào để tránh tạo ra lợi ích nhóm cho nhà đầu tư và làm thiệt hại với các bên khác.

Dự án LNG Nhơn Trạch 3-4 đang thực hiện thu xếp vốn tại châu Âu cũng được chú ý bởi có thể tạo ra một cách tiếp cận mới trong thu xếp vốn bằng hình thức Project Finance (nợ và vốn chủ sở hữu sử dụng để tài trợ cho dự án được trả lại từ dòng tiền được tạo ra bởi dự án đó). Nhưng để đạt được mục tiêu này, cần các cam kết nhất định từ bên mua điện về sản lượng, thời gian hoạt động của nhà máy, mà điều này xét đến cùng, cũng chính là chấp thuận giá bán ở mức nào.

Soi cơ cấu nguồn điện trong tổng công suất 146.000 MW vào năm 2030
Tổng công suất nguồn điện năm 2030 sẽ có 37.467 MW điện than, 23.900 MW điện khí LNG, 16.121 MW điện gió trên bờ, 7.000 MW điện gió ngoài khơi và 8.736...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư