Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Cổ đông FICO hy vọng gì ở Xuân Cầu?
Quang Hưng - 20/08/2016 20:49
 
Tổng Công ty Vật liệu xây dựng số 1 – Công ty TNHH Một thành viên (FICO) vừa phát hành thành công hơn 25 triệu cổ phần lần đầu (chiếm 19,69% vốn điều lệ) ra công chúng. Trước đó, 50,8 triệu cổ phần đã được Công ty cổ phần đầu tư Xuân Cầu mua để trở thành nhà đầu tư chiến lược của FICO.
.
FICO tại Triển lãm Vietbuild 2014.

Cuối tuần này (ngày 19/8), Tổng Công ty Vật liệu xây dựng số 1 – Công ty TNHH Một thành viên (FICO) phát hành thành công cổ phần lần đầu ra công chúng, với số lượng 25.006.300 cổ phần (chiếm 19,69% vốn điều lệ). Có 45 nhà đầu tư cá nhân tham gia phiên đấu giá cổ phần FICO. Mức giá thấp nhất giao dịch thành công là 10.500 đồng/cổ phần (bằng giá khởi điểm) và mức giá đặt mua cao nhất là 16.500 đồng/cổ phần. Toàn bộ 25.006.300 đã được các nhà đầu tư cá nhân mua hết.

Theo phương án cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2015, FICO có tổng vốn điều lệ là 1.270 tỷ đồng, tương đương 127.000.000 cổ phần. Sau khi cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ 50.800.000 cổ phần (chiếm 40%) vốn điều lệ, cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 50.800.000 cổ phần (chiếm 40% vốn điều lệ), cổ phần bán đấu giá công khai: 25.006.300 cổ phần (chiếm 19,69% vốn điều lệ), cổ đông là cán bộ công nhân viên lao động: 394.200 cổ phần (chiếm 0,31% vốn điều lệ).

Duyệt phương án cổ phần hóa FiCO

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Phương án cổ phần hóa và chuyển thành công ty cổ phần Công ty mẹ - Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 - FICO. 

Ngày sau khi phương án cổ phần hóa FICO được thông qua, Lãnh đạo Công ty TNHH Xuân Cầu ngay lập tức đã có các cuộc làm việc với Lãnh đạo Bộ Xây dựng, Ban lãnh đạo FICO để trở thành cổ đông chiến lược của Tổng công ty thứ 4 do Bộ Xây dựng quản lý được tiến hành cổ phần hóa trong năm 2016 (tiếp sau VNCC, COMA và CC1). Đến ngày 24/5/2016, Lãnh đạo FICO đã ký hợp đồng nguyên tắc mua bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty cổ phần Đầu tư Xuân Cầu (đơn vị thành viên của Công ty TNHH Xuân Cầu). Theo hợp đồng được ký kết, Xuân Cầu là đối tác sẽ nắm giữ 40% vốn của FICO.

Trước đó, Công ty cổ phần đầu tư Xuân Cầu được biết đến với các hoạt động chính là đầu tư xây dựng, phát triển và kinh doanh bất động sản; xây dựng các công trình dân dụng, kỹ thuật hạ tầng. Các dự án được triển khai dưới pháp nhân Công ty cổ phần đầu tư Xuân Cầu gồm: Dự án Khu biệt thự cao cấp Xanh Villas tại xã Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội; đầu tư xây dựng và phát triển khu nhà vườn sinh thái nghỉ dưỡng và khu resort cao cấp tại vùng bãi huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên với tổng mức đầu tư dự kiến gần 4.500 tỷ đồng; và dự án đầu tư trồng và phát triển rừng phòng hộ Lương Sơn.

.
Cơ cấu cổ đông của FICO sau cổ phần hóa. Ảnh: vietstock.vn

Chiến lược mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản – xây dựng, cung ứng vật liệu xây dựng của Công ty cổ phần đầu tư Xuân Cầu khi thâu tóm cổ phần của FICO là điều dễ hiểu khi FICO sở hữu hàng loạt công ty thành viên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng; xây lắp các công trình dân dụng và công nghiệp; kinh doanh vật tư phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác và chế biến khoáng sản. Đặc biệt, FICO còn sở hữu hàng loạt các khu đất rộng lớn tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Khánh Hòa.

Bản cáo bạch của FICO cho biết, đơn vị này đang sở hữu 7 khu đất tại TP. Hồ Chi Minh, 2 khu đất tại Đồng Nai, 2 khu đất ở Bình Dương, và 5 khu đất khác tại Khánh Hòa với tổng diện tích đất sau cổ phần hóa là gần 1,4 triệu m2. Tổng tài sản của FICO tính tới thời điểm 31/12/2015 ở mức gần 5.109 tỷ đồng, trong đó tài sản cố định 2.320 tỷ đồng.

Trước khi cổ phần hóa, FICO có 9 đơn vị phụ thuộc, 3 công ty con, 11 công ty liên doanh, liên kết và các khoản đầu tư dài hạn khác. Giá trị đầu tư của FICO vào công ty liên doanh liên kết ở mức gần 313,8 tỷ đồng, cùng hơn 96,5 tỷ đồng đầu tư vào các đơn vị khác. Năm 2015, FICO đạt doanh thu thuần 5.460 tỷ đồng, giảm 8% so với năm 2014; trong đó doanh thu từ bán hàng hóa, thành phẩm ở mức hơn 5.373 tỷ đồng, chiếm 98,4% tỷ trọng doanh thu, theo sau là doanh thu từ mảng cung cấp dịch vụ với 79,3 tỷ đồng và từ hoạt động bất động sản gần 6,8 tỷ đồng. Nguyên nhân là do FICO không còn các hợp đồng cung cấp vật liệu xây dựng cho các đối tác lớn như Cienco 1, Bê tông 6… như những năm trước, đồng thời còn khó cạnh tranh với sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới. Kết thúc năm 2015, FICO có lợi nhuận ròng là 71 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2014.

Theo phương án được FICO đưa ra, sau khi cổ phần hóa, trong giai đoạn 2016 – 2020, đơn vị này đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng gần 16%/năm, trong đó năm 2016 dự kiến doanh thu đạt 7.347 tỷ đồng và sẽ tiến tới mốc 12.201 tỷ đồng trong năm 2020.

Khó hiểu vụ ông trùm Piaggio kiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Tòa án nhân dân Hà Nội sẽ sớm mở lại phiên tòa xử vụ kiện hành chính giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Xuân Cầu và bị đơn là Tổng cục Đường bộ Việt Nam vào ngày 25/3. 

Về kế hoạch đầu tư, FICO dự kiến tổng mức đầu tư 5 năm tới, khoản 6.540 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu đầu tư sản xuất xi măng với 4.000 tỷ đồng, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (Khu nhà ở phức hợp Phan Huy Ích và Nhà ở xã hội quận 2) với tổng số tiền là 1.100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, FICO cũng chi 770 tỷ đồng đầu tư khai thác khoản sản, 270 tỷ đồng cho vật liệu không nung và 400 tỷ đồng cho các vật liệu xây dựng khác (Nhà máy gạch, đơn vị khai thác mỏ...). Lợi nhuận ròng FICO đặt ra cho các năm từ 2016 đến 2020 lần lượt là: 59,53 tỷ đồng (2016), 67,32 tỷ đồng (năm 2017), 94,17 tỷ đồng (2018), 110,94 tỷ đồng (2019) và 116,59 tỷ đồng (2020). Cùng với đó, FICO dự kiến tăng tỷ lệ cổ tức từ mức 4,5% trong năm 2016 lên mức 8,7% năm 2020.

FICO tiền thân là Công ty Vật liệu Xây dựng số 1, trực thuộc Bộ Xây dựng, được thành lập từ năm 1976. Năm 1980 đổi tên thành Liên hiệp các Xí nghiệp Gạch ngói Sành sứ, trực thuộc Bộ Xây dựng. Năm 1984 tổ chức lại thành Liên hiệp các Xí nghiệp vật liệu xây dựng số 1. Năm 1995, FICO được chính thức thành lập với tổng số 8 đơn vị thành viên, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính là sản xuất vật liệu xây dựng cơ bản như gạch, ngói xây dựng, gạch block, gạch ceramic, gạch ốp lát, cao lanh, sứ vệ sinh; xây lắp các công trình dân dụng và công nghiệp; kinh doanh vật tư phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác và chế biến khoáng sản.
Nhiều đại gia y tế tư nhân nhảy vào cuộc cổ phần hóa các bệnh viện giao thông
Đang có thêm nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực y tế tư nhân tham gia cuộc đua giành quyền kiểm soát hệ thống bệnh viện công lập ngành giao thông -...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư