Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Cổ đông lớn chốt lời, cổ phiếu Tencent rớt 1,5%
Diệu Linh - 10/04/2021 09:06
 
Prosus, cổ đông lớn nhất của Tencent, vừa bán 2% cổ phần tại hãng game lớn nhất thế giới Tencent, với mục đích gom vốn đầu tư vào các dự án sinh lời khác.
Trụ sở Tencent tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 7/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trụ sở Tencent tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 7/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Prosus, công ty con của Tập đoàn đầu tư truyền thông và internet Nam Phi Naspers, đã bán 2% cổ phần tại Tencent và thu về 114,2 tỷ đô la Hong Kong (tương đương 14,7 tỷ USD), hãng game Trung Quốc cho biết trong thông báo gửi Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong hôm 8/4.

Đến thời điểm này, đầu tư vào Tencent được xem là thương vụ thành công nhất của Nasper trong bối cảnh "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh trong năm tài khóa vừa qua, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv, giao dịch trên của Prosus là giao dịch bán lô lớn nhất từ trước đến nay. Các giao dịch bán lô lớn thường được thu xếp trực tiếp giữa các nhà đầu tư tổ chức nhiều hơn là giao dịch trên sàn chứng khoán.

Sau tin Prosus bán cổ phần, cổ phiếu Tencent giao dịch tại Hong Kong rớt 1,5% trong ngày 8/4. Tuy nhiên, nếu tính từ khi Prosus niêm yết trên sàn chứng khoán Amsterdam vào năm 2019, cổ phiếu Tencent đã tăng khoảng 80%.

Sau khi hoàn tất thương vụ bán 2% cổ phần, Prosus vẫn sẽ là cổ đông đơn lẻ lớn nhất của Tencent và nắm giữ 28,9% cổ phần. Thế nhưng, Prosus sẽ mất đi vị thế cổ đông kiểm soát vì theo quy định của chứng khoán Hong Kong cổ đông nắm quyền kiểm soát phải nắm giữ ít nhất 30% quyền biểu quyết.

Năm 2001, công ty mẹ của Prosus là Naspers đã mua 46,5% cổ phần tại Tencent với giá 32 triệu USD. Số cổ phần còn lại của công ty này tại Tencent hiện trị giá 221 tỷ USD. Mức lợi nhuận Naspers thu được có thể so ngang với khoản đầu tư 20 triệu USD của SoftBank vào Alibaba vào năm 2000.

Thương vụ chốt lời tại Tencent sẽ giúp Prosus tăng đáng kể lượng dự trữ tiền mặt. Cuối năm ngoái, công ty đầu tư có trụ sở tại Amsterdam này đã gom được lượng tiền mặt lên tới 4,3 tỷ USD.

"Prosus dự định dùng tiền bán cổ phần Tencent để cải thiện tính linh hoạt tài chính, đầu tư cho tăng trưởng và các mục đích chung khác", Prosus cho biết. Công ty này cũng khẳng định sẽ không bán thêm bất kỳ cổ phiếu Tencent nào trong ít nhất 3 năm tới.

Tháng trước, Tencent công bố lợi nhuận trong quý IV/2020 tăng vượt dự báo. Tuy nhiên, kết quả lợi nhuận của Tencent đã bị lu mờ do các nhà đầu tư lo ngại chính phủ Trung Quốc tăng cường kiểm soát các công ty công nghệ nước này.

Prosus chủ yếu đầu tư vào các doanh nghiệp internet tiêu dùng. Đây cũng là danh mục đầu tư đem lại tăng trưởng tốt cho Prosus khi Covid-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ.

Tại hội nghị công bố lợi nhuận tổ chức hồi tháng 11/2020, ông Basil Sgourdos, Giám đốc tài chính kiêm Giám đốc điều hành của Naspers cho biết: "Trọng tâm hiện nay là phát triển doanh nghiệp, cải thiện tính linh hoạt tài chính, và tăng cơ hội phân bổ vốn".

Tencent và Alibaba giành giật thị trường Việt Nam
Miếng bánh thị trường thương mại điện tử màu mỡ Việt Nam đang dành phần nhiều cho các đối thủ đến từ Trung Quốc.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư