Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Cô gái trẻ độc thân mua được nhà với chiến lược "lấy mỡ nó rán nó"
Thanh Ngân (VnExpress) - 22/02/2019 08:48
 
"Khoản trả góp mua nhà hàng tháng hiện nay còn ít hơn số tiền tôi ăn ngoài, mua đồ vô ích trước đây", Ngân (Hà Nội) chia sẻ.

Bài viết dưới đây là chia sẻ của Thanh Ngân, 26 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội) về cách cô khắc phục được vấn đề làm ra nhiều tiền nhưng không giữ lại được bao nhiêu.

Tôi quê Hải Dương, gia đình làm nông nghiệp. Từ lúc ra Hà Nội học đại học, tôi luôn xác định phải tự lập. Sau khi ra trường, tôi xin vào làm nhân viên bán hàng cho một công ty bất động sản và không ngại vất vả, xông xáo đi khắp nơi, gặp gỡ mọi khách hàng. Suốt năm đầu, tôi hầu như chỉ học việc là chính, bán được ít hàng, thu nhập không đáng bao nhiêu. Vì thế, tôi chi tiêu dè sẻn, chỉ sắm cái gì cần thiết. 

Sang năm 2016, đã có chút kinh nghiệm và các mối quan hệ, thị trường cũng sôi động nên công việc của tôi gặt hái tốt, lương tháng tăng, phần trăm hoa hồng được hưởng cũng tỷ lệ thuận. Chỉ trong hai năm, tôi đã tích lũy được 300 triệu.

Ở quê lên, với tôi, số tiền như vậy là quá lớn. Tôi ăn uống khá tằn tiện, vẫn ở trong ký túc xá, chung phòng với 5 người khác, tiền thuê nhà cộng điện nước mỗi tháng chưa tới một triệu. Tôi không mua sắm gì nhiều nên ngoài việc thỉnh thoảng gửi về quê đỡ đần bố mẹ, hầu như tôi dành dụm hết. Tiền tích lũy tôi gửi tiết kiệm hoặc cho người thân vay xây nhà, làm ăn... 

Ảnh: Thoughtcatalog.
Ảnh: Thoughtcatalog.

Nhưng từ giữa 2017, quen với việc kiếm được tiền khá, tôi bắt đầu chi xài phóng tay. Do công việc thỉnh thoảng gặp khách hàng ngoài giờ, hay phải về muộn, tôi không tự nấu nữa mà ăn hàng hoàn toàn. Bữa trưa đi ăn với đồng nghiệp, thỉnh thoảng tụ tập trà sữa, cà phê. Buổi tối, nếu không có hẹn công việc, tôi mỗi hôm đi ăn với một nhóm, lúc là hội bạn thân hồi đại học, khi là mấy người cùng công ty, lúc lại là nhóm đồng hương... Bên công ty tôi toàn là hội trẻ, hay rủ nhau đi ăn nhậu. Tôi rảnh rỗi nên chẳng bao giờ từ chối. Đi ăn nhiều thì góp phải đóng góp nhiều. Tiền ăn vì thế có tháng lên tới gần chục triệu. 

Tôi cũng hay mua sắm bốc đồng hơn. Thường buổi tối nếu đi ăn cùng đám bạn gái, chúng tôi lại tiện thể đi ngắm đồ ở cửa hàng rồi sắm thật. Hay thỉnh thoảng lướt mạng thấy món gì hay hay là tôi đặt. Giày dép, quần áo nhiều thứ tôi mua về lại để xó. Có những tháng, tôi đổ vào trang phục, giày dép, mỹ phẩm tới 6 - 7 triệu. Tôi tự viện ra đủ thứ lý do cho việc mua sắm đó: Công ty có sự kiện, phải tậu đồ đẹp để diện; Công việc của mình gặp khách hàng cần giữ hình ảnh đẹp...

Bình thường thẻ tín dụng của tôi có hạn mức là 10 triệu đồng để chi trong một tháng. Nhưng vì tôi chăm tiêu nên đến thời điểm, thẻ được nâng hạng lên gấp đôi mà tôi không biết. Tôi cứ giữ thói quen cà thẻ khi đi mua đồ, trả ăn hàng. Tới tháng sau, khi sao kê, tôi hốt hoảng nhận ra mình đã tiêu gần 20 triệu đồng. 

Nhìn lại quãng thời gian đó, tôi thấy thu nhập của mình tăng nhiều nhưng khoản tiết kiệm lại không bằng trước. Tôi không thể để bản thân tiếp tục lối sống như vậy. 

Tôi bắt đầu có ý định mua nhà vào đầu 2018, và thực sự mua vào giữa năm. Trước đây, tôi không nghĩ tới việc này. Mọi người xung quanh đều cho rằng phụ nữ trẻ, lại còn độc thân, thì không cần, và thậm chí không nên quá tập trung vào vấn đề tài chính, thay vào đó nên tìm anh chồng lo đủ cho mình. Tôi lại nghĩ khác. Phụ nữ hay nam giới thì đều cần tự chủ được về công việc, kinh tế, khi cần có thể hỗ trợ cho nhau thì càng tốt. 

Căn nhà tôi mua chỉ hơn 50 m2, nằm ở ngoại thành - huyện Hoài Đức - nhưng giao thông rất thuận tiện vào nội đô, cách trung tâm thành phố chưa đầy 20 km. Căn hộ giá hơn 800 triệu đồng nên ngoài số tiền đã có là hơn 450 triệu (gom lại hết từ các nguồn), tôi phải vay thêm ngân hàng 350 triệu.  

Nhận nhà xong, tôi không dọn về ở vì chỗ thuê hiện nay gần công ty, thuận lợi cho công việc hơn. Tôi cho thuê căn hộ đã mua được 3,5 triệu một tháng. Tiền trả lãi, gốc mỗi tháng chưa tới 4 triệu, nên hầu như tôi "lấy mỡ nó rán nó". 

Mua nhà xong, tính tới khoản trả lãi gần bằng số tiền gốc nếu để nợ lâu, tôi quyết tâm phải nhanh chóng tất toán. Động lực này giúp tôi cố gắng cân đối lại chi tiêu, dồn tiền để sớm trả hết nợ. Suốt nửa cuối năm 2018, tôi chỉ may hai bộ vest, không sắm thêm bất cứ trang phục nào. Tiền ăn cũng cắt giảm. Tháng tôi chỉ ra ngoài ăn cùng bạn bè vài lần, còn lại ăn tại ký túc xá, mỗi suất ăn chỉ 15.000 đồng. Vì cơ quan gần nhà nên buổi tối, dù phải làm thêm hay ra ngoài gặp khách hàng, tôi vẫn tạt về ăn cơm đã, xong mới tiếp tục công việc. 

Tôi cài chế độ tiết kiệm tự động trong tài khoản, tiền về là ngắt ngọn trừ ngay. Theo dự định, cứ được một khoản to, tôi đập vào trả bớt gốc tiền vay và hy vọng trong vòng 2 năm nữa sẽ trả hết nợ. 

Tôi nghĩ rằng tuổi còn trẻ thì cố gắng làm việc cật lực, vừa tích lũy kiến thức, vừa sớm độc lập tài chính, sau này khi có gia đình, con cái cũng không quá bị áp lực chuyện tiền nong.

Sau thời gian điều chỉnh việc chi tiêu, tôi cũng nhận ra, không nhất thiết phải tốn nhiều tiền mới có cuộc sống sôi động, duy trì được các mối quan hệ tốt. Ít đi ăn với nhau hơn nhưng tôi và các bạn vẫn thường xuyên trò chuyện qua mạng, chia sẻ. Bạn cũng không cần quá dè sẻn, ky cóp mới giữ được tiền. Chỉ cần mình chủ động, có kế hoạch, biết rõ đồng tiền của mình đi đâu, về đâu là vừa có thể vẫn chi tiêu đủ mà vẫn có khoản dành cho tương lai. 

Tư vấn 10 cách để buộc bản thân tiết kiệm thành công
Những mẹo sau có thể là lời giải cho tình cảnh bạn cố gắng tiết kiệm nhưng mãi không thành công.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư