Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Cố gắng không tăng giá điện, dùng quỹ bình ổn giá xăng dầu để đảm bảo CPI năm 2018 tăng dưới 4%
Thanh Huyền - 02/06/2018 21:01
 
Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/6.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/6 (Ảnh: VGP)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/6 (Ảnh: VGP)

Thông báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018 do Thủ tướng Xuân Phúc chủ trì, diễn ra cùng ngày tại Trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đánh giá, kinh tế-xã hội nước ta tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý, nhiều địa phương đã năng nổ, chủ động tìm ra nhiều giải pháp, cách làm hay; có thể nói đã hình thành một không khí thi đua tăng trưởng, phát triển mới trên cả nước, hầu hết các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đều có kết quả tăng so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn không ít khó khăn thách thức. Mặc dù nền kinh tế nhìn chung có dấu hiệu khởi sắc, phục hồi nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,55% so với tháng trước, mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây (do tăng giá giao thông 1,72%, dịch vụ ăn uống 0,88%)tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,61% so với tháng 12 năm trước.

Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá rất tốt việc điều hành về giá cả trong 5 tháng qua của các cơ quan có liên quan và đặc biệt là của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ trực tiếp do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng ban.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải (Ảnh: VGP)
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải (Ảnh: VGP)

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, với mức tăng CPI 0,55% thì đây là mức tăng lớn nhất trong 6 năm qua, vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo là từ nay đến cuối năm chúng ta cố gắng đạt được mức Quốc hội giao cho Chính phủ là tăng CPI dưới 4%. Liên quan đến những mặt hàng thiết yếu có thể ảnh hưởng rất lớn không những đến CPI mà trước hết đến sản xuất của các doanh nghiệp kinh doanh, người làm nghề, người dân, người tiêu dùng… như mặt hàng điện, Thủ tướng Chính phủ cũng có chỉ đạo cố gắng từ nay đến cuối năm không tăng giá điện.

"Đối với mặt hàng xăng dầu, đây là một trong những mặt hàng hiện nay chúng ta đã điều hành theo cơ chế thị trường và có sự quản lý và điều hành của Nhà nước nên đương nhiên chúng ta mua đắt thì bán đắt, mua rẻ bán rẻ, nhưng rất ưu tiên sử dụng các biện pháp bình ổn, mà vừa qua chúng ta đã làm rất tốt", ông Hải nói.

Trong 5 tháng vừa qua, mặc dù giá tính trung bình so với 5 tháng của 2017, các mặt hàng giá xăng dầu tăng khoảng 28-38%. Tuy nhiên, do chúng ta sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu và chúng ta đã chi để bù vào giá tăng, như vậy là giá tháng 5 vừa qua là mức cao nhất trong 5 tháng, nhưng so với cuối tháng 12/2017 thì giá xăng dầu chỉ tăng 9,3%. Còn số chính xác chỉ là 1.697 đồng, chưa đến 1.700 đồng. "Đây là cố gắng điều hành rất lớn của liên bộ Công Thương-Tài chính", ông Hải nói.

Chính vì vậy, Thủ tướng đã giao là từ nay đến cuối năm phải tập trung dùng quỹ bình ổn và các biện pháp khác để cố gắng tăng mức xăng dầu thấp nhất để đảm bảo mức tăng CPI của năm 2018 dưới 4% theo đúng chỉ tiêu mà Quốc hội đã giao.

CPI Hà Nội tăng 0,71% trong tháng 5
Theo báo cáo của Cục Thống kê thành phố Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố trong tháng 5 tăng 0,71% so với tháng trước và tăng 2,98% so...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư