Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 01 năm 2025,
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt mở rộng hợp tác với ngành điện, điện tử Trung Quốc
Nhung Bùi - 02/11/2023 15:11
 
Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu thụ tiềm năng của các sản phẩm điện, điện tử Trung Quốc.
TIN LIÊN QUAN

Hiểu được điều đó, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã tận dụng cơ hội tham gia Triển lãm Quốc tế Điện tử và Thiết bị Thông minh Việt Nam tại Hà Nội (IEAE Hà Nội) để thâm nhập thị trường Việt Nam, mở rộng đơn hàng.

Chính thức khai mạc vào ngày 2/11/2023 dưới sự tổ chức của công ty Vinexad (trực thuộc Bộ Công Thương) và công ty Chaoyu Expo, triển lãm IEAE Hà Nội có diện tích trưng bày lên tới 10.000 m2 với sự tham gia của hơn ​​200 doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc.

Chia sẻ tại lễ khai mạc, ông Tô Ngọc Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và mức sống của người dân đang dần được cải thiện là những yếu tố đưa Việt Nam thành thị trường tiêu thụ tiềm năng của nhiều sản phẩm điện tử. 

Trong các đối tác thương mại của Việt Nam, Trung Quốc là quốc gia tiêu biểu, xuất khẩu kim ngạch lớn nhóm các sản phẩm điện tử và thiết bị thông minh sang Việt Nam. Năm 2022, kim ngạch nhập khẩu máy tính, sản phẩm điện tử, hàng điện gia dụng và linh kiện của Việt Nam từ Trung Quốc đạt trên 33 tỷ USD, chiếm hơn 31% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm sản phẩm này nói chung.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực đứng trước nhiều khó khăn, hoạt động thương mại các mặt hàng điện tử và thiết bị thông minh cũng chịu tác động không nhỏ. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng này của Việt Nam với Trung Quốc đạt khoảng 43 tỷ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 13,6%, ở mức 22,1 tỷ USD.

“Tôi tin rằng, các hoạt động xúc tiến thương mại như triển lãm lần này sẽ mở thêm cơ hội hợp tác cho cộng đồng doanh nghiệp, góp phần khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế toàn cầu và khu vực, đồng thời giúp quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc không ngừng phát triển”, ông Tô Ngọc Sơn đánh giá.

Về phía Trung Quốc, đại diện đơn vị tổ chức, Công ty Chaoyu Expo cho biết đây là triển lãm điện, điện tử thứ 2 mà họ tổ chức trong năm nay, sau sự kiện triển lãm tại TP.HCM vào tháng 7/2023.  Theo Chaoyu Expo, Trung Quốc và Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng của nhau, chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng của hai nước gắn bó sâu với nhau, dự báo thương mại song phương sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh.

“Vì vậy, chúng tôi luôn có niềm tin và kỳ vọng rất lớn vào thị trường tiêu dùng của Việt Nam. Chúng tôi mong muốn thông qua triển lãm lần này để tăng cường trao đổi kinh tế và thương mại với Việt Nam, làm sâu sắc hơn hợp tác hai nước và thúc đẩy sự phát triển chung”, đại diện Chaoyu Expo khẳng định.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Triển lãm IEAE Hà Nội là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam thiết lập quan hệ, mở rộng hợp tác với đối tác trong ngành điện, điện tử Trung Quốc; đẩy nhanh sự phát triển của toàn ngành.

Trong khuôn khổ triển lãm, Hội thảo "Cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu" đã được tổ chức để thảo luận sâu hơn về cơ hội, thách thức với doanh nghiệp Việt.

Theo các diễn giả, doanh nghiệp Việt Nam đang sở hữu cơ hội vàng để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, khi nhiều tập đoàn lớn có xu hướng dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia như Việt Nam hay Ấn Độ. Ưu điểm của Việt Nam là thị trường lớn, dân số trẻ, chi phí lao động rẻ và tay nghề lao động ngày càng được nâng cao.

Chính phủ Việt Nam có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, ủng hộ mạnh mẽ xu hướng chuyển đổi số cũng như hỗ trợ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Tuấn, nhà sáng lập, CEO Công ty Sao Kim (Sao Kim Branding) đánh giá doanh nghiệp Việt vẫn đối diện với nhiều thách thức nếu muốn tham gia cuộc chơi toàn cầu. Ông Tuấn chỉ ra rằng nhiều doanh nghiệp chưa thật sự thấu hiểu thị trường nước ngoài.

Ví dụ, với các thị trường như Mỹ, Canada, doanh nghiệp cần in bao bì có nhãn mác to gấp 3, 4 lần khi bán trong nước. Đây tưởng như là chi tiết nhỏ nhưng lại là insight vô cùng quan trọng, vì khách hàng ở các quốc gia này thường di chuyển những khoảng cách xa, và mua hàng ngay trên đường. Bao bì cần thiết kế chữ to để khách hàng có thể đọc được.

Một số doanh nghiệp cũng chưa chuẩn bị tốt về mặt thương hiệu như chưa chú ý bảo hộ thương hiệu tại nước ngoài, hoặc giữ nguyên ký hiệu Việt Nam nên khách hàng không tiếp cận được. Ngoài ra, nếu so với Trung Quốc, ông Nguyễn Thanh Tuấn đánh giá cách tổ chức công việc của Việt Nam đang kém hơn. Doanh nghiệp Trung Quốc có thể phân chia làm 2 ca, ca sáng phục vụ Đông bán cầu, ca tối phục vụ Tây bán cầu; còn Việt Nam vẫn làm việc theo giờ hành chính. Đó cũng là một cản trở khi doanh nghiệp Việt muốn hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Là người vừa trở về từ chuyến công tác Trung Quốc, ông Khổng Văn Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty điện tử Suntech, đơn vị gia công trực tiếp cho Foxconn, đánh giá doanh nghiệp Trung Quốc cập nhật công nghệ nhanh, và chuyên môn hóa cao. Mỗi xưởng sản xuất chỉ làm 1-2 sản phẩm sau đó hợp tác với nhau, chứ không làm toàn bộ. Có những doanh nghiệp Trung Quốc tuy quy mô nhỏ, nhưng đã xuất khẩu được ra nước ngoài.

Vì vậy, đại diện Suntech cho rằng để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi doanh nghiệp Trung Quốc ở tinh thần sáng tạo và đoàn kết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư