Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 09 năm 2024,
Cơ hội tích lũy cổ phiếu bán lẻ
Tùng Linh - 13/07/2022 07:55
 
Cầu tiêu dùng nội địa đón nhận yếu tố tích cực từ việc mở cửa trở lại nền kinh tế. Nhóm doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ được kỳ vọng hưởng lợi từ sự hồi phục này.

Cầu nội địa trước áp lực lạm phát

Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố cuối tháng 6 cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II/2022 ước đạt hơn 1.395.000 tỷ đồng, tăng 5,5% so với quý trước và tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Kể từ sau khi rơi sâu hồi quý III/2021 do ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh, hoạt động bán lẻ đã liên tiếp ghi nhận sự phục hồi.

Tuy vậy, giá cả hàng hóa leo thang trên toàn cầu đã và đang tác động tới thương mại và đẩy lạm phát lên cao. Theo nhận định của Bộ phận Phân tích HSBC toàn cầu, dù áp lực giá cả của Việt Nam chưa rõ ràng như những quốc gia khác trong khu vực, nhưng đà lạm phát vẫn tăng nhanh chóng. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo đà lạm phát có thể vượt mức trần 4% ở một vài thời điểm và đạt mức trung bình 3,5% trong cả năm 2022.

Phân tích ảnh hưởng của lạm phát đến xu hướng tiêu dùng, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Chuyên gia cao cấp chiến lược đầu tư Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) chỉ ra hành vi của người tiêu dùng khi lạm phát bắt đầu ảnh hưởng nhiều, có thể theo ba cấp độ.

Người tiêu dùng sẽ kiểm soát chi tiêu nhiều hơn với xu hướng săn hàng khuyến mãi, chuyển sang tiêu dùng hàng vừa túi tiền, hoặc giảm chi tiêu tùy vào độ thiết yếu của hàng hóa. “Lạm phát sẽ tác động và gây ra nhịp chững lại về tăng trưởng cầu nội địa. Tuy nhiên, việc mở cửa trở lại nền kinh tế là yếu tố tích cực bù đắp lực cầu”, ông Tâm nhấn mạnh.

Đứng từ góc độ doanh nghiệp, ông Đoàn Hồng Việt, nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld) cho rằng, từ nay đến cuối năm, cầu nội địa của Việt Nam vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. So với bối cảnh giãn cách, số liệu tăng trưởng GDP và việc làm đều đang tốt trở lại. Bên cạnh sự cải thiện thu nhập của người dân, mức lạm phát 2-3% của Việt Nam không gây nhiều ảnh hưởng đến cầu tiêu dùng nội địa.

Với các sản phẩm Digiworld đang kinh doanh, ông Việt đánh giá, cầu sản phẩm không bị ảnh hưởng đáng kể. Nguyên nhân là đối với người mua iPhone, việc giá sản phẩm tăng 2% do biến động tỷ giá sẽ không ảnh hưởng tới quyết định mua. Còn với các sản phẩm điện thoại giá thấp, đây là hàng mặt hàng thiếu yếu, khách hàng buộc phải mua mới khi sản phẩm đang dùng hỏng hóc.

Cơ hội tích lũy cổ phiếu bán lẻ

Đưa ra dự báo về mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2022 đang tới gần, chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI đánh giá, bán lẻ là một trong các ngành sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tốt nhờ nhu cầu tiêu dùng hồi phục, bên cạnh ngành hóa chất phân bón, thủy sản hưởng lợi giá xuất khẩu cao, hay ngành logistics, cảng và vận tải biển.

Bán lẻ tiêu dùng cũng là nhóm cổ phiếu được ông Tâm đánh giá là có thể mua cho mục tiêu từ 2 đến 3 năm thông qua việc tận dụng nhịp điều chỉnh, tích lũy thêm cổ phiếu. “Các cổ phiếu đầu ngành trong lĩnh vực này là nhóm rất tốt để có thể cân nhắc giải ngân với mục tiêu 2-3 năm. Cầu nội địa sẽ tốt hơn cùng kỳ, do năm ngoái ngành chịu ảnh hưởng khi thực hiện giãn cách xã hội. Với các doanh nghiệp đầu ngành, tăng trưởng có thể duy trì trong năm 2022 và năm 2023”, vị chuyên gia này cho hay.

Tăng trưởng cũng là trăn trở của người đứng đầu Digiworld. Ông Việt nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng nhất của ông là đảm bảo tốc độ tăng trưởng của thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu (EPS). Mục tiêu cụ thể được đặt ra là mức tăng trưởng bình quân 25%/năm cho 10 năm kế tiếp.

Chia sẻ về kết quả kinh doanh nửa đầu năm, ông Việt cho biết, Digiworld đã thu về 11.800 tỷ đồng doanh thu và 351 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng lần lượt 28% và 58% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 45% kế hoạch cả năm. Với lịch sử thường chỉ hoàn thành khoảng 38-40% kế hoạch cả năm trong nửa đầu năm, người đứng đầu Digiworld khá tự tin với việc hoàn thành kế hoạch đề ra.

Chiến lược cho mục tiêu tăng trưởng là tiếp tục tăng trưởng cả chiều dọc và chiều ngang, bằng cách mở rộng các thương hiệu kinh doanh mới (trong ngành hàng cũ) và thêm các ngành hàng mới.

Đa dạng hóa các ngành hàng cũng là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của Digiworld ngay ở quý II/2022. Trong khi xu hướng tiêu dùng các sản phẩm điện tử có sự sụt giảm trong quý II, đặc biệt là laptop, thì các chân kiềng khác của Digiworld, gồm nhóm hàng chăm sóc sức khoẻ và tiêu dùng (FMCG), ghi nhận sự tăng trưởng tốt hơn.

Ông Việt cũng thừa nhận, ở một số mảng như FMCG, Digiworld chưa có được uy tín như ngành hàng điện tử, do Công ty mới gia nhập thị trường. Tuy nhiên, Công ty đang lên kế hoạch M&A để bổ sung nhanh dải sản phẩm.

Ngoài ra, Digiworld có kế hoạch phát triển thêm mảng đồ ăn thức uống (F&B) ở nửa cuối quý IV/2022 và thiết bị công nghiệp vào năm 2023. Đối với ngành hàng điện tử truyền thống, ngoài Apple và Xiaomi, Công ty sẽ hợp tác với một hãng nữa trong thời gian tới.

“Digiworld phát triển ngành hàng mới nhưng không bỏ qua ngành hàng cũ, đồng thời không chuyển trọng tâm mà chỉ mở rộng”, người đứng đầu Digiworld nhấn mạnh về chiến lược cho mục tiêu tăng trưởng tham vọng của mình.

Bùng nổ nhờ nhu cầu tăng đột biến, doanh nghiệp bán lẻ đang cảm thấy bấp bênh?
Sau một năm hưởng lợi từ nhu cầu đột biến trong đại dịch, Thế giới di động, FPT Retai hay Petrosetco đang nhìn thấy thách thức của việc duy trì...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư