Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Có nên lo lắng thái quá về tác động của Brexit?
Thùy Vinh - 04/07/2016 08:05
 
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, việc Anh rời EU (Brexit) chưa có những tác động cần lưu ý đối với Việt Nam, kể cả vấn đề giao thương và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, cũng không thể không lo ngại đến vấn đề này. Việc cần làm là cần phải chấn chỉnh được tâm lý của thị trường.

Theo ông, Brexit sẽ ảnh hưởng ra sao đến Việt Nam?

Đây là sự kiện lớn ảnh hưởng lớn đến Anh và EU. Với Việt Nam, tác động Brexit đối với thị trường tài chính cũng tức thời, nhưng nói ảnh hưởng cần lưu ý thì còn quá sớm. Để đánh giá được một cách đầy đủ những tác động, cần phải có thời gian và xem lộ trình mà Anh ra khỏi EU kéo dài như thế nào, những đàm phán giữa Anh và EU sẽ ra sao...

Thực tế cho thấy, nhiều người vẫn lo ngại Brexit sẽ có những tác động nhất định đến Việt Nam, trong đó có thị trường tài chính, ngoại hối?

Tôi cho rằng, Brexit sẽ không tác động nhiều đến Việt Nam, kể cả vấn đề về giao thương, tài chính hay tỷ giá. Điều quan trọng là chúng ta phải làm sao để chấn chỉnh được tâm lý của thị trường, người dân trước sự kiện này. Trong đó, với thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi sát thị trường để có những biện pháp can thiệp kịp thời, tránh tình trạng bầy đàn lấn át hoặc đầu cơ về vàng, ngoại tệ…

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính, tiền tệ quốc gia
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính, tiền tệ quốc gia

Về việc Anh rời EU, Thủ tướng đương nhiệm Anh không làm các thủ tục này mà là người kế nhiệm. Tuy nhiên, để hoàn tất thủ tục phải mất 2 năm. Theo tôi, chúng ta cũng đừng lo lắng thái quá về tác động của Brexit, để vấn đề tâm lý sẽ ảnh hưởng đến thực tế chung.

Theo ông, việc đồng yên đang tăng giá khá mạnh có ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam?

Nếu đồng yên tiếp tục tăng giá thì rất bất lợi cho việc thu hút dòng vốn từ Nhật Bản vào Việt Nam. Tuy nhiên, mức tăng giá của đồng yên hiện nay vẫn chưa thành trở lực làm giảm dòng vốn này, bởi lượng vốn này chiếm tỷ lệ quá nhỏ so với hoạt động đầu tư của Nhật Bản vào bất động sản trên thế giới.

Trước bối cảnh thị trường hiện nay, nên chọn kênh đầu tư nào để hạn chế được rủi ro trong thời kỳ hậu Brexit?

Nhiều ý kiến cho rằng, hậu Brexit sẽ tác động mạnh đến vàng và tỷ giá. Nhưng tôi cho rằng, tỷ giá sẽ không bị tác động nhiều bởi Brexit, mà sẽ chịu tác động trực tiếp khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh lãi suất. Tuy nhiên, một khi sức khỏe đồng bảng Anh sụt giảm thì Fed chưa sớm điều chỉnh lãi suất.

Đối với vàng, hiện sức khỏe USD đang tăng, nên vàng cũng khó có cơ hội tạo sóng lớn. Sau Brexit, giá vàng thế giới có thể có biến động, nhưng khó tăng cao. Do đó, bỏ vốn vào vàng trong bối cảnh này cũng nên thận trọng.

Về bất động sản, theo tôi, trong năm 2016, không có biến động nào đáng kể đối với thị trường và cũng không có kỳ vọng về sự khởi sắc mạnh mẽ. Tuy nhiên, với những nỗ lực thực hiện chính sách nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp, thì từ nay đến cuối năm nay và sang năm 2017, phân khúc thị trường này sẽ khởi sắc hơn.

Thận trọng khi đổ tiền mua vàng hậu Brexit
Sau khi tăng vọt lên mức đỉnh cao nhất 27 tháng nhờ trợ lực từ sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) – Brexit, giá vàng đã nhanh chóng hạ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư