Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Có nên truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân?
Duy Hữu - 19/05/2015 14:44
 
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có một số thay đổi lớn liên quan trực tiếp đến cộng đồng doanh nghiệp, như truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân; hạn chế phạt tù, mở rộng phạt tiền đối với tội phạm kinh tế… Theo chương trình Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII, Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) sẽ được thảo luận ở hội trường. Báo Đầu tư giới thiệu ý kiến trao đổi về một số nội dung sửa đổi của Bộ luật được xem là có ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Theo
Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp vi phạm xả thải ra hệ thống sông ngòi, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh kế của người dân chỉ bị xử phạt hành chính. Ảnh minh hoạ: Nguồn Internet

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã đưa ra một chế định rất mới, lần đầu tiên áp dụng, đó là truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Nội dung này đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận cũng như giới luật gia.

Xưa nay, để xử lý hình sự, phải cá thể hóa hành vi, bởi chỉ có cá nhân mới có thể đi tù, chứ không có tổ chức đi tù, nhưng Dự thảo Bộ luật Hình sự lần này lại quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Vậy hình phạt áp dụng với pháp nhân phạm tội ra sao, có nên truy cứu hình sự pháp nhân hay không… là những câu hỏi đang gây tranh cãi trong dư luận cũng như trong giới luật gia.

Theo ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hành chính - hình sự (Bộ Tư pháp), lý do cần phải bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân xuất phát từ tình hình vi phạm pháp luật của pháp nhân ở Việt Nam trong những năm gần đây đã mang tính phổ biến, với mức độ ngày càng cao, gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế - xã hội và đời sống người dân, nên đòi hỏi phải có giải pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn.

Trong khi đó, hệ thống pháp luật hiện hành còn nhiều bất cập khi xử lý hành vi vi phạm của pháp nhân, như mức xử phạt, trình tự, thủ tục  áp dụng biện pháp xử phạt hành chính, hay nghĩa vụ tự mình phải chứng minh thiệt hại trong thủ tục bồi thường thiệt hại trong pháp luật dân sự, đang làm cho việc xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân không  hiệu quả, gây khó khăn cho người dân - đối tượng bị thiệt hại chính.

Chẳng hạn, những năm qua đã xảy ra nhiều vụ doanh nghiệp xả thải ra hệ thống sông ngòi, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh kế của người dân trong khu vực. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà chỉ bị xử phạt hành chính, nên không đủ sức răn đe. Hơn nữa, người dân bị các doanh nghiệp gây ảnh hưởng, khi kiện đòi các doanh nghiệp bồi thường thì phải chứng minh được thiệt hại bao nhiêu, phải lượng hóa được mức độ thiệt hại và thiệt hại đó là do doanh nghiệp gây ra, chứ không phải nguyên nhân khác. Điều này gây khó khăn cho người dân, bởi phương pháp tính kiểu gì, trên cơ sở nào và ai công nhận? Như vậy, nếu áp dụng luật dân sự để xử lý việc này thì vụ việc dây dưa mất rất nhiều thời gian và người bị thiệt hại thường không được bồi thường.

Theo Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), hình phạt mà pháp nhân phải chịu gồm: phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn.

Luật sư Lê Việt Hà, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Vinh Đức cho biết, nhiều nước đã quy định điều này (hiện có 119 nước là thành viên Công ước Quốc tế về chống tham nhũng đã quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân). Nếu chúng ta không quy định thì sẽ xảy ra tình trạng doanh nghiệp Việt Nam có thể bị xử lý hình sự khi đầu tư kinh doanh ở nước ngoài nếu vi phạm pháp luật nước sở tại, song doanh nghiệp nước ngoài làm ăn ở nước ta vi phạm pháp luật lại chỉ bị xử phạt hành chính hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại về dân sự. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, chế định mới này cũng còn rất nhiều điều cần phải cân nhắc. Nếu như xử lý hình sự pháp nhân, như  tước giấy phép vĩnh viễn chẳng hạn, sẽ ảnh hưởng đến nhiều người lao động. Thử tưởng tượng, một doanh nghiệp có hàng ngàn lao động mà bị tước giấy phép hoạt động thì sẽ gây nên sự bất ổn lớn đến thế nào. Lúc đó, ai chịu trách nhiệm trong việc giải quyết việc làm cho người lao động? Nếu cho người lao động nghỉ việc thì ai phải đền bù hợp đồng, vì doanh nghiệp lấy cớ họ không đuổi lao động, nên không phải đền? Lúc đó, doanh nghiệp sẽ đổ trách nhiệm sang cơ quan tố tụng, vì cơ quan tố tụng tước giấy phép hoạt động, nên doanh nghiệp mới giải tán…

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông Dương Ngọc Ngưu cũng cho rằng, cần phải cân nhắc khi đưa điều này vào luật. Theo ông Ngưu, việc xử lý với pháp nhân vi phạm hiện đã có phạt tiền (mức phạt đã được nâng lên theo Luật Xử lý vi phạm hành chính mới, cao nhất tới 2 tỷ đồng đối với pháp nhân), rút giấy phép hoặc giải thể, người có trách nhiệm cũng có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự… “Như vậy, đã có đầy đủ cơ chế xử lý, nên không cần đưa vào luật quy định truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân”, ông Ngưu nêu quan điểm.

Được biết, khi thảo luận về chế định này, các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đều phân vân, bởi không phải luật hành chính, luật dân sự hiện hành không đủ quy định để xử lý các hành vi vi phạm của pháp nhân, mà chính là do khâu tổ chức thực hiện chưa nghiêm. Nếu kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, xử lý đúng và ngay lập tức khi pháp nhân có hành vi vi phạm, thì áp dụng luật hành chính cũng đủ sức răn đe.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Huy Nguyện, giám đốc một công ty thủy sản cho rằng, chúng ta đang cố gắng giảm bớt việc hình sự hóa, vậy liệu có nên treo thêm “cái búa” hình sự trên đầu pháp nhân?

Kỳ II: Xóa bỏ “bẫy” kinh doanh trái phép

Một chủ doanh nghiệp trốn thuế bị khởi tố hình sự
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Phan Văn Minh,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư