Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hình sự hóa quan hệ kinh tế: Nỗi sợ hãi của doanh nghiệp
Duy Hữu - 25/04/2015 08:38
 
Nhiều doanh nghiệp thường phải vay mượn vốn để sản xuất, kinh doanh. Nhưng khi không trả được nợ, thì nhiều trường hợp bị quy vào hành vi chiếm đoạt tài sản, bị truy tố trước tòa. Đây chính là hiện tượng hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, gây nên án oan sai, là nỗi sợ hãi của doanh nghiệp.

Cách đây 2 năm, một vụ án khiến dư luận chú ý là vụ ông Nguyễn Hữu Khai, Chủ tịch Tập đoàn Bảo Long, bị bắt vì bị quy là có hành vi chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản mà Tập đoàn Bảo Long đã bán cho cho Tập đoàn Bảo Sơn.

Cụ thể, Tập đoàn Bảo Sơn đã chuyển 227,5 tỷ đồng để mua cổ phần tại Tập đoàn Bảo Long và phần góp vốn bổ sung của các cổ đông, cùng quyền sử dụng hơn 53.000 m2 đất, tài sản hình thành trên đất tại xã Cổ Đông.

 

Sau đó, ông Khai không thực hiện được đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng chuyển nhượng giữa hai bên. Cơ quan chức năng cho là ông Khai chiếm giữ những tài sản này và khởi tố ông về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, trước đó, ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Sơn, đã khởi kiện ông Khai và Tập đoàn Bảo Long ra Tòa Kinh tế TAND TP. Hà Nội. Sau đó, nguyên đơn rút đơn kiện với lý do cần có thêm thời gian để củng cố tài liệu, chứng cứ và có thêm thời gian để thỏa thuận với bị đơn.

Vậy, có thể xem đây  là vụ việc kinh tế, tòa án đang giải quyết nhưng bị hình sự hóa.

Giới luật sư cho rằng, hai tập đoàn có làm hợp đồng, khi hai bên xảy ra tranh chấp xung quanh việc thực hiện hợp đồng, thì đây là tranh chấp kinh tế và nếu một trong hai bên khởi kiện ra tòa, thì Tòa Kinh tế sẽ thụ lý, giải quyết. Lúc đó, tòa sẽ xác định hợp đồng có vô hiệu hay không, công nhận hay hủy bỏ hợp đồng, chấp nhận hay bác bỏ yêu cầu của nguyên đơn, xác định lỗi của các bên để tính mức bồi thường thiệt hại…

TS. Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cũng kể về một trường hợp oan sai do bị hình sự hóa một quan hệ kinh tế từ năm 1992 nhưng đến giờ vẫn để lại hậu quả. Ông James Chor Hang Chow (quốc tịch Canada) nợ Công ty Vận tải biển Khánh Hòa tiền thuê tàu biển, không thanh toán đúng hạn. Cuối năm 1991, Trọng tài kinh tế TP.HCM ra quyết định buộc ông Chow phải trả cho Công ty Vận tải biển Khánh Hòa 213.000 USD, ông Chow khiếu nại quyết định này.

Trong khi đang chờ kết quả khiếu nại, thì tháng 8/1992, ông Chow bị bắt giam với tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN. Tàu của ông bị giao cho Công ty Vận tải biển Khánh Hòa quản lý, khai thác trong thời gian chờ xét xử. Mãi đến phiên phúc thẩm tháng 8/1995, TAND tối cao nhận định ông Chow không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, đây là một quan hệ kinh tế đơn thuần. Nhưng lúc đó mọi thủ tục bán  tàu của ông đã hoàn tất, Công ty Vận tải biển Khánh Hòa thì đã giải thể. Đến nay, ông Chow vẫn chưa đòi được tài sản của mình.

Trong cuộc hội thảo “Bộ luật Hình sự - dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Bộ Tư pháp tổ chức ngày 23/4, hầu hết các đại biểu cho rằng, chính việc không đánh giá đúng bản chất của vụ việc, các cơ quan tố tụng cứ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, đã làm oan cho nhiều doanh nhân. Thậm chí, có những trường hợp cơ quan tố tụng, nhất là cơ quan điều tra cố ý dùng biện pháp khởi tố, điều tra để đòi nợ giúp chủ nợ.

Luật sư Nguyễn Duy Nguyên, Phó tổng giám đốc Công ty luật Hoàng Giao và Cộng sự nhận xét: “Thực tế, một số cán bộ trong cơ quan tố tụng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, hoặc động cơ cá nhân (chẳng hạn được bên đương sự “trích thưởng”), mà sử dụng các biện pháp hình sự như một biện pháp cưỡng chế nhà nước để buộc bên vay phải trả nợ hoặc trả lại tài sản”.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, theo thống kê của Viện, trung bình một năm, riêng hai loại tội danh lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã ra quyết định đình chỉ điều tra trên 100 vụ với gần 120 bị can, vì hành vi của những người này chỉ là hành vi dân sự, không cấu thành các tội mà họ bị cáo buộc.

Qua đó, có thể thấy việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự là rất phổ biến. Ông Nguyễn Phan Đức, Giám đốc một doanh nghiệp cho rằng, nỗi lo sợ bị hình sự hóa hành vi kinh tế khiến các doanh nhân luôn sống trong tâm trạng bất an khi phải vay để kinh doanh.

“Nếu cứ tiếp tục quy chụp tội danh hình sự cho các quan hệ dân sự, thì không chỉ gây nên án oan sai, mà còn khiến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam bị mất điểm”, ông Đức nói.

Để hạn chế, tiến tới xóa bỏ việc hình sự hóa quan hệ kinh tế, ngoài việc Nhà nước cần ban hành ngay các quy định pháp luật cần thiết để điều chỉnh các quan hệ kinh tế mới phát sinh dưới tác động của kinh tế thị trường; hủy bỏ, sửa đổi các quy định pháp luật không còn phù hợp, thì chính các doanh nghiệp cũng phải thay đổi nhận thức của mình. Bởi có một thực tế là khi doanh nghiệp này bị doanh nghiệp khác nợ, họ thường đề nghị cơ quan tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố bên vi phạm nghĩa vụ, mà ít khi khởi kiện ở tòa kinh tế, vì cho rằng làm như thế sẽ đòi nợ nhanh hơn.

“Nếu các doanh nghiệp còn không biết thương lấy nhau, thì sẽ chẳng bao giờ hết các vụ việc quan hệ kinh tế bị hình sự hóa”, luật sư Nguyên nói.

Chủ tịch tập đoàn Bảo Long bị bắt
16h30 ngày 15/6, Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Nội thực hiện lệnh bắt tạm giam với ông Nguyễn Hữu Khai, Chủ tịch tập đoàn Bảo Long.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư