Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Có những khó khăn không đến từ Covid-19
Nguyễn Lê - 08/11/2021 22:47
 
Nếu mọi quyết sách lớn từ Quốc hội được thực thi nghiêm túc thì chắc chắn tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 sẽ ít nhiều giảm bớt.
.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) 

Có những khó khăn không hẳn do COVID-19 mà do những hạn chế, yếu kém từ nhiều năm chậm được khắc phục, đại biểu Hà Sỹ Đồng , Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nhìn nhận khi tham gia thảo luận về kinh tế, xã hội tại nghị trường.

Ông Hà Sỹ Đồng là một trong 60 đại biểu đã phát biểu trong ngày đầu tiên (8/11) thảo luận về kinh tế, xã hội, ngân sách của Quốc hội, tại kỳ họp thứ hai đang diễn ra. 

"Giữa hai kỳ họp thứ nhất và thứ 2 của Quốc hội nhiệm kỳ mới này, thời gian chưa đầy 3 tháng nhưng cả nước đã trải qua những khó khăn chưa từng có. Các đại biểu phát biểu trước tôi đều đánh giá rất cao sự nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong giai đoạn khó khăn đó. Song, chúng ta cũng phải thấy rằng có những khó khăn không hẳn do COVID-19 mà do những hạn chế, yếu kém từ nhiều năm chậm được khắc phục", vị đại biểu Quảng Trị nêu nhận xét.

Để minh chứng, ông nêu lại hoàn cảnh một năm trước, khi Quốc hội khóa XIV họp kỳ thứ 10, đồng bào miền Trung điêu đứng vì bão lũ, tiếp đến dịch bệnh COVID-19 khiến đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa đã khó, lại càng khó khăn thêm. Nhưng trong bối cảnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 vẫn nằm im với 16.000 tỷ đồng, chưa giải ngân được đồng nào.

Khi Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nội dung này thì Chủ tịch Quốc hội đã khẳng định sự chậm trễ này không vướng gì từ phía Quốc hội và do nguyên nhân chủ quan là chính. Tổng hợp thảo luận tại tổ cũng phản ánh nhiều ý kiến cho rằng, việc chậm triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia ảnh hưởng rất lớn đến các đối tượng được thụ hưởng chính sách cũng như tốc độ phát triển kinh tế của đất nước.

"Thực tế cho thấy, nếu mọi quyết sách lớn từ Quốc hội được thực thi nghiêm túc thì chắc chắn tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 sẽ ít nhiều giảm bớt. Dù chậm trễ nói trên cũng không vướng gì từ phía Quốc hội, theo tôi Quốc hội với chức năng giám sát tối cao cũng phải có đánh giá trách nhiệm đúng mức và biện pháp đủ mạnh để những đề án đang còn nằm im trên giấy nhanh chóng đi vào cuộc sống", Phó chủ tịch Hà Sỹ Đồng phát biểu.

Về phòng, chống dịch COVID-19, vấn đề được hầu hết đại biểu đề cập, đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng cho rằng báo cáo Bộ  trưởng Y tế ký gửi Quốc hội chưa đầy đủ, đặc biệt là phần thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội, giống như báo cáo của riêng ngành y tế hơn là đánh giá việc thực hiện một nghị quyết chưa từng có tiền lệ của Quốc hội, trong khi thực tế có quá nhiều vấn đề cần được xem xét thấu đáo để có thể ứng phó linh hoạt, chủ động, hiệu quả hơn với dịch bệnh và phục hồi kinh tế.

"Các Ủy ban của Quốc hội đã nhấn mạnh đến thời điểm hiện tại. Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan vẫn chưa có đánh giá một cách tổng thể các vấn đề liên quan đến công tác hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19, chưa xác định đầy đủ lộ trình, kế hoạch sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan như Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Dược, Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp. Vậy câu hỏi đặt ra là đến khi nào việc này được bắt đầu. Nếu các cơ quan thuộc Chính phủ không chủ động thì Quốc hội cần làm gì để thúc đẩy quá trình này. Tôi nghĩ cử tri rất muốn biết câu trả lời", đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu quan điểm.

Cũng liên quan đến hoàn thiện thể chế, từ kỳ họp thứ nhất (tháng 7/2021) khi tham gia thảo luận về kinh tế xã hội, đại biểu Hà Sỹ Đồng đã  cho rằng, dù trong bất cứ hoàn cành nào thì xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế vẫn là công việc vô cùng quan trọng của Quốc hội. Và ngay từ kỳ họp thứ hai Quốc hội có thể dùng 1 luật để sửa các quy định tại nhiều luật đang gây khó khăn cho công cuộc hồi phục kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, việc này lại đang được dự kiến sẽ tiến hành vào kỳ họp chuyên đề của Quốc hội dự kiến cuối năm nay.

"Muộn còn hơn không, tôi vẫn cho rằng cần thiết phải có hành lang pháp lý vững chắc hơn cho việc thực hiện mục tiêu vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phục hồi kinh tế, không chỉ cho năm 2022, mà cả những năm tiếp theo", ông Hà Sỹ Đồng trao đổi  bên hành lang Quốc hội.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư